YênBái - Văn Yên - đất đã lại xanh màu hy vọng, nở hoa hạnh phúc và cuộc sống của người dân nơi những vùng bão lũ đi qua mỗi ngày thêm ấm no, trù phú. Tôi nghe trong gió xuân có lời thì thầm về lòng biết ơn với Đảng, lời khát vọng dựng xây cuộc sống sang giàu, dựng xây những vùng quê đáng sống trên đất nông thôn mới Văn Yên...
|
>> Một tháng sau bão số 3 ở Văn Yên
>> Văn Yên sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Gió xuân mang niềm vui về, mang hơi thở của đất, sự chuyển mình của cỏ cây muôn loài. Tôi theo hướng gió ấy ngược sông Hồng, đi qua những vùng đất lũ. Không vui sao được khi những đồng đất ấy, những vùng quê ấy - là Tuy Lộc của thành phố Yên Bái, là các xã dọc hai bên bờ sông Hồng của huyện Trấn Yên, hay như "rốn lũ” An Thịnh của huyện Văn Yên… mới ngày nào thôi còn ngập chìm trong nước, tan hoang bởi sự tàn phá kinh hoàng của bão số 3 Yagi - giờ thì tất cả đang hồi sinh kỳ diệu. Đồng đất đã xanh màu của ngô, của rau, đậu đỗ các loại. Cây dâu tằm chật vật sau hai, ba đợt nước lên - xuống, trồng đi dặm lại cũng đã bén đất bật chồi. Chẳng gì có thể đánh bại được khát vọng khôi phục cuộc sống ấm no của người dân những vùng đất lũ ở Văn Yên và người Yên Bái cần cù, chịu thương chịu khó… khi đất đã lại xanh màu hy vọng!
An Thịnh - chỉ nghe cái tên thôi đã cảm nhận được sự phồn thịnh. Mà phồn thịnh thật, bởi khó ai có thể mường tượng được vùng đất này mới trải qua thiên tai. Trung tâm xã, hoạt động giao thương sầm uất; ngô đông trên đất 2 vụ lúa đã phơi cờ tím ngắt, khoe những bắp tròn mập mạp, căng đầy... như chưa từng có lũ bão đi qua.
Bí thư Đảng ủy xã An Thịnh Trần Sỹ Nguyên phấn khởi lắm, vì dù có nằm trong vùng "rốn lũ” của huyện, có thiệt hại đấy nhưng với việc dự báo tình hình chính xác, công tác phòng, chống thiên tai được triển khai sớm, khẩn trương và quyết liệt, nhất là với các hộ gia đình nằm trong vùng ngập úng, cô lập và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất cao được di dời dứt điểm, kịp thời, An Thịnh đã không xảy ra thiệt hại về người; tài sản có giá trị lớn của nhân dân được di dời cơ bản, hạn chế tối đa thiệt hại.
Bí thư Trần Sỹ Nguyên cho hay: "Toàn xã phải di dời 501 hộ gồm cả doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà hàng với tổng 1.900 khẩu. Địa phương đã huy động và dốc toàn lực cho công tác phòng, chống bão lũ, khôi phục hậu quả thiên tai với tinh thần không có ngày nghỉ và bất kể ngày hay đêm. Chẳng thế mà 95% diện tích lúa trên đồng đã được thu hoạch nhanh gọn, khẩn trương trước khi nước lũ dâng cao với quan điểm là "xanh nhà hơn già đồng”.
Khuyến nông viên xã An Thịnh (bên trái) kiểm tra diện tích ngô đông trên đất 2 lúa tại cánh đồng thôn Tân Thịnh.
Và chỉ sau 2 đến 3 ngày ngay khi nước lũ rút đi, các tuyến đường trên địa bàn xã đã được dọn rửa vệ sinh sạch sẽ, được lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh kiểm tra địa bàn đánh giá rất cao. Phải nói là trong khó khăn, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ từ xã, thôn đến các đoàn thể rất cao, rất nhiệt huyết; nhân dân một lòng thống nhất đồng thuận, tự lực tự cường nhanh chóng ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, đưa kinh tế của địa phương phục hồi nhanh chóng. Quyết tâm không cho đất nghỉ, bù lại những gì mà lũ bão đã cướp đi, chỉ sau chừng một tháng, người dân ở An Thịnh đã có thu nhập từ những lứa rau màu đầu tiên trên đất ngập bồi”.
Có tận mắt chứng kiến thành quả lao động của người dân mới hiểu vì sao Bí thư Trần Sỹ Nguyên lại tự hào đến thế khi nói về nông dân địa phương mình. Chẳng vì khó khăn của thiên tai mà nản lòng, cây ngô đông trên đất lúa vụ này gần như kín đồng.
Khuyến nông viên Nguyễn Ngọc Hoàn - viên chức Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện nhẩm tính: "Diện tích đất lúa trống toàn xã hiện chỉ có khoảng chừng 5 ha. Không phải bà con không làm mà bởi khu vực đó sau lũ trở thành vùng úng trũng, không thể trồng cấy được, người dân đành bỏ đất, chờ vụ lúa sau. Nói không phải khen chứ nông dân ở đây chăm lắm, chả để phí đất không đâu. Vụ này, toàn xã gieo trồng được 245 ha ngô đông, riêng đất lúa là 230 ha”.
Trên cánh đồng thôn Tân Thịnh, hỏi chuyện bà Nguyễn Thị Tho, bà vui vẻ bộc bạch: "Cây ngô đông vụ này hẳn là thua kém năng suất so vụ trước rồi; thời vụ vì bão lũ ngập đi ngập lại, phải gieo lên gieo xuống vài ba lần, vì thế cũng khó thu hoạch già. Dẫu vậy cũng yên tâm hơn vì ít nhiều vẫn còn có nguồn thu để trang trải sinh hoạt và phục vụ chăn nuôi. Mừng ở chỗ là tỉnh, huyện, xã luôn quan tâm động viên, kịp thời hỗ trợ bà con chúng tôi về giống, vật tư phân bón nên mới có lực mà khôi phục chăn nuôi, trồng cấy ngay lại được”.
Tại thôn Đại An, một tháng sau lũ, xã đã ra quân xây dựng mô hình trồng rau màu bù đắp thiệt hại sau bão lũ tại hộ gia đình ông Vũ Văn Thành, diện tích 7 sào bí, rau, đậu đỗ, hiện đã cho thu nhập. Được biết, hết tháng 11/2024, An Thịnh đã có 58/61 chỉ tiêu thực hiện Chương trình hành động số 188-CTr/TU của Tỉnh ủy theo kế hoạch Tỉnh ủy giao, đạt từ 100% trở lên; riêng thu ngân sách đã đạt 105,6% kế hoạch ngay trong tháng 11. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 của xã đạt 60,2 triệu đồng; tỷ lệ nghèo đa chiều còn 2,84%...
Ở Văn Yên, việc khôi phục sản xuất nhọc nhằn và tốn kém nhiều có lẽ là đối với những diện tích trồng lúa bị bồi lấp nhiều, cao hơn hệ thống mương dẫn nước, chưa thể đưa vào sản xuất ở những vụ tới; cây trồng khôi phục vất vả nhất có lẽ là cây dâu tằm.
Chị Trịnh Thị Xoan - Chủ nhiệm Hợp tác xã Trồng dâu nuôi tằm Quyết Hùng, thôn Quyết Hùng, xã Xuân Ái chia sẻ: "Cứ ngỡ như những mùa nước trước đây, nước rút đi rồi, cây dâu sẽ từ từ phục hồi. Thế nhưng bão số 3 qua đi một, hai tháng rồi mà cây dâu vẫn héo, vẫn thối rễ, khả năng là do dâu non, ít năm tuổi; dâu trồng mới khó lên… cơ bản không thể khắc phục, phải đầu tư trồng mới hoàn toàn. Nói thật, Hợp tác xã thì mới thành lập hơn 1 năm, vừa nuôi được lứa tằm thứ 2 thì bão lũ, gia đình mình cũng đã đầu tư gần nửa tỷ đồng xây dựng nhà tằm, thuê thêm 2 ha đất để mở rộng diện tích trồng dâu nên quyết tâm bám nghề đấy! Nếu không có thiên tai, cứ được như những lứa dâu tằm trước thì người trồng dâu nuôi tằm ở đây cũng khá lắm… Cây dâu đã đầu tư trồng lại với những giống dâu tốt, năng suất cao; nong né, nhà tằm đã bảo đảm, hy vọng lắm ở mùa tằm tới được mùa được giá để bù lại công sức, vốn liếng đầu tư”.
Anh Phạm Quang Thiều - công chức Địa chính - Nông nghiệp xã Xuân Ái phấn khởi cho hay: "Năm 2024, Xuân Ái đã thành lập được chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm riêng của xã với 59 hộ thành viên tham gia; diện tích dâu đã phát triển được trên 30 ha. Cây dâu, con tằm đã và đang trở thành cây trồng chủ lực, cho giá trị kinh tế cao trong cơ cấu cây trồng của địa phương; cũng là cây phát triển kinh tế gia đình của không ít hộ cho thu nhập ổn định từ 15 - 20 triệu đồng/hộ/tháng”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên Trần Đình Trọng cho hay: "Ngành nông nghiệp huyện đang từng bước phục hồi, trên 1.400 ha ngô đông trên đất lúa đã cho thu hoạch; diện tích dâu khắc phục sau lũ bão hơn 52 ha. Đơn vị đã chủ động mua hom giống tại tỉnh Lâm Đồng về ươm ủ đến thời vụ sẽ tiến hành trồng; đồng thời, mua hom giống tại huyện Trấn Yên vào dịp "đốn đau” cuối năm là tháng 11, 12 âm lịch, bảo đảm hoàn thành kế hoạch trồng dâu mà huyện đã đề ra”.
Văn Yên - đất đã lại xanh màu hy vọng, nở hoa hạnh phúc và cuộc sống của người dân nơi những vùng bão lũ đi qua mỗi ngày thêm ấm no, trù phú. Tôi nghe trong gió xuân có lời thì thầm về lòng biết ơn với Đảng, lời khát vọng dựng xây cuộc sống sang giàu, dựng xây những vùng quê đáng sống trên đất nông thôn mới Văn Yên...
Minh Thúy
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/345367/Xanh-lai-nhung-canh-dong.aspx
การแสดงความคิดเห็น (0)