Xanh tươi tuổi trẻ Trường Sa |
Tôi luyện ý chí
Rời tàu 561 của Vùng 4 Hải quân đang thả neo giữa biển, chiếc xuồng máy luồn gió to, lách sóng lớn, có lúc chạy ngầm trong sóng để đến đảo Đá Đông. Đối với những phóng viên lần đầu đối mặt với sóng gió Trường Sa trong thời tiết không thuận lợi, nhất là những phóng viên nữ, quãng thời gian 30 phút ngồi xuồng nhỏ vượt 10 hải lý để cập đảo, dường như dài “cả thế kỷ” với không ít phen tim như rơi ra ngoài lồng ngực.
Sau phút vui mừng được đặt chân lên đảo, trong lòng tôi ngập tràn cảm xúc khó tả. Đảo nhỏ “như bàn tay” giữa trùng khơi, sóng dữ có thể trùm qua những khi bão tố. Ở đây, không mạng internet, đồng nghĩa cách biệt với “thế giới bên ngoài”. Nắng và gió như được “ướp muối”, cùng san hô, sỏi, đá cỗi cằn. Nước ngọt ưu tiên dùng cho ăn, uống, cán bộ, chiến sĩ hầu như chỉ dám dùng nước ngọt tráng lại người, sau khi đã tắm bằng nước biển, có lẽ vì vậy mà làn da ai nấy sạm đen. Đó là “thông điệp” của gian nan, khó khăn không đong đếm.
Nhưng dưới cái nắng nóng hầm hập gay gắt, mồ hôi ròng ròng ướt mặt, ướt lưng áo quân phục, những người lính hải quân vẫn cầm chắc tay súng, vững chãi tại vị trí canh gác, nghiêm trang đến phút chót trước khi giao ca trực cho đồng đội. Trong khu vườn tăng gia được che chắn cẩn thận, các loại rau vẫn vươn lên xanh tươi sức sống. Đây đó tại những vị trí khác nhau trên đảo, có những loài hoa cùng người chiến sĩ, vượt lên khắc nghiệt thời tiết, cỗi cằn san hô, sỏi, đá, đã nở hoa rạng rỡ. Để những hòn đảo trong quần đảo Trường Sa cứ thế vững chãi, đầy sức sống, hiên ngang giữa biển, khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tuổi trẻ Trường Sa |
Trước câu hỏi, làm thế nào có thể tôi luyện nên ý chí kiên cường, để mỗi người lính nói riêng và tập thể đơn vị nói chung, tạo sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn, gian nan, hiểm nguy, vững vàng nơi đầu sóng, bảo vệ vững chắc biển đảo? Thiếu tá Thân Minh Phúc, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông và Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, Phó trưởng đoàn công tác, trả lời giản dị: Các anh là người lính, là người đảng viên. Mười lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam mà các anh vẫn tuyên thệ bằng tất cả trái tim, dưới lá quốc kỳ, trong đó bao gồm cam kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mỗi người lính sẵn sàng hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam.
Thực hiện nhiệm vụ ở nơi gian nan, nguy hiểm nhất, càng cần trách nhiệm và ý chí sắt thép của người lính, người đảng viên, bằng từng hành động, việc làm thiết thực, cụ thể, để xây đắp niềm tin vững chắc trong lòng dân. Khẳng định của Thượng tá Dương Chí Nguyện: “Vì Nhân dân, vì Tổ quốc, mạng sống của mình chúng tôi chẳng tiếc”, đã lay động trái tim của gần 50 phóng viên đến từ khắp mọi miền đất nước, trong hải trình 18 ngày trên sóng Trường Sa, bởi bộc bạch đó xuất phát tự tâm can của người lính hơn 30 năm tuổi quân, từng cùng đồng đội gắn bó với biển, đảo, vượt qua gian nan, hiểm nguy, thậm chí cận kề sinh tử, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Anh Nguyện từng là người lính trẻ, trong một lần cùng đồng đội cứu nạn, giúp dân, bị lũ cuốn trôi. Lúc bơi được vào bờ, tìm về đơn vị, mới hay nhiều báo, đài đã đưa thông tin một sĩ quan mất tích khi thực hiện nhiệm vụ; đơn vị chuẩn bị thủ tục thực hiện chính sách. Lần cận kề sinh tử ấy, nếu không giữ vững tinh thần, ý chí, thì khó có thể vượt qua được. Đây cũng là động lực để bản thân Thượng tá Dương Chí Nguyện nói riêng, mỗi người lính nơi đầu sóng nói chung, mỗi ngày bồi dưỡng, rèn luyện nghiêm khắc cả về chính trị tư tưởng và thể chất. Có như vậy, biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ mới thực hiện tốt trách nhiệm của người lính, người đảng viên nơi đầu sóng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tiếng sóng niềm tin
18 ngày trên biển đảo Trường Sa, quyển sổ dày mang theo dần kín chữ. Nhưng có những điều được ghi không phải bằng giấy bút, mà ở lại sâu trong tình cảm, ký ức. Đó là hình ảnh người lính hải quân đứng lặng trên đuôi tàu 561, khi con tàu mới rời quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) tầm chưa đầy một tiếng đồng hồ, da diết hướng về phía đất liền. Anh vừa nhận tin từ quê nhà, bố anh vừa qua đời. Đau thương mất mát to lớn nhất đời người, nhưng tình riêng ấy những người lính Trường Sa đành gác lại, để thực hiện nhiệm vụ lớn lao mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Giọng Thượng tá Dương Chí Nguyện trầm xuống khi nói: “Đối với người lính hải quân, nhất là những người lính nhận nhiệm vụ ra quần đảo Trường Sa, là nhận nhiệm vụ chiến đấu, lên tàu rồi, coi như đi chiến đấu, không thể quay lại, cho dù tàu mới rời cảng vài mét; chỉ quay về khi đã hoàn thành nhiệm vụ hoặc đã hy sinh”.
Vượt lên cỗi cằn san hô, sỏi, đá, màu xanh đầy sức sống của cây cối vươn lên trên đảo nhỏ |
Ở nơi gian nan đầu sóng, tinh thần, ý chí của người lính, người đảng viên được tôi luyện như thế, để từ đó, biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã tạo sức mạnh đoàn kết, mạnh hơn sắt thép, bảo vệ và dựng xây những hòn đảo trong quần đảo Trường Sa ngày càng vững chắc, là pháo đài hiên ngang đầy màu xanh sức sống giữa biển trời Việt Nam. Mỗi hòn đảo, mỗi con tàu làm nhiệm vụ trên biển, là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi sản xuất, phát triển kinh tế, đồng thời chung tay làm cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển đảo.
3.112 lượt bệnh nhân được các y, bác sĩ Trung tâm Y tế đảo Trường Sa khám, chữa bệnh trong năm 2022 và 2023 (trong đó cấp cứu thành công cho gần 100 bệnh nhân, bao gồm ngư dân gặp nạn khi muu sinh trên biển, từ các đảo chuyển về); phẫu thuật thành công cho 163 ca, trong đó có nhiều ca đại phẫu viêm ruột thừa hoại tử. “Đằng sau” những con số ấy là tình cảm, trách nhiệm, tâm huyết không thể nào đong đếm của những người lính kiên trung, một lòng, một dạ xây dựng pháo đài niềm tin trong lòng người dân Việt.
Chuyến hải trình 18 ngày đã kết thúc, những phóng viên trở về với cuộc sống thường nhật, trên khắp mọi miền đất nước. Nhưng Trường Sa vẫn rất gần, bởi tại các nhóm zalo cung cấp thông tin của Quân chủng Hải quân, tin tức, hình ảnh bộ đội hải quân cứu nạn thành công ngư dân gặp nạn trên vùng biển Trường Sa; cấp cứu, điều trị và kịp thời chuyển bệnh nhân, là ngư dân bị tai nạn hoặc bệnh nặng bất ngờ về bàn giao cho đất liền, liên tục được cập nhật.
Điển hình, giữa tháng 11/2024, ngư dân Ngô Thanh Phong, thuyền viên trên tàu cá Quảng Ngãi bị bỏng khí ga diện rộng, độ 1, độ 2 và 3, được quân y đảo Song Tử Tây tận tình cứu chữa. Liền sau đó, tàu 468, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đang tuần tra, kiểm soát khu vực đảo Đá Nam, đã đón bệnh nhân đưa vào đất liền điều trị an toàn.
Mỗi thông tin ngư dân gặp nạn trên biển được “trả lại” tính mạng, sức khỏe, là tiếng sóng niềm tin từ Trường Sa vọng về. Ở đó, có biết bao thế hệ người lính, người đảng viên kiên trung vì Đảng, vì dân mà vượt qua muôn ngàn gian nan, thậm chí hy sinh cả mạng sống, để Trường Sa là điểm tựa vững chãi cho Tổ quốc, từ phía biển.
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/thanh-nien/nguoi-dang-vien-noi-dau-song-150592.html
การแสดงความคิดเห็น (0)