ต้นฤดูใบไม้ผลิ เสียงกลองเทศกาล

Việt NamViệt Nam09/02/2025


(QBĐT) - Đầu xuân, tiếng trống hội lại vang vọng, ngân nga khắp các miền quê Quảng Bình. Mỗi lễ hội mùa xuân như một lời mời gọi và cũng là dịp để người dân, du khách ôn lại những giá trị văn hóa xưa cũ, gắn kết quá khứ với hiện tại, mở ra những hy vọng mới cho tương lai.

 

Gắn lễ hội Hoành Sơn Thánh Mẫu với phát triển du lịch

Ông Trần Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch

 

Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh tọa lạc bên đường thiên lý Bắc-Nam, ngay chân đèo Ngang thuộc thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông (Quảng Trạch). Đây là một trong những di tích có giá trị lịch sử văn hóa lâu đời nhất của địa phương, ẩn chứa trong đó không chỉ các giá trị về văn hóa lịch sử mà còn có tiềm năng du lịch phong phú.

 

Hàng năm, từ ngày mồng 1-3/3 âm lịch, người dân xã Quảng Đông lại thành kính tổ chức lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong 4 vị thánh “Tứ bất tử”. Đây là hoạt động văn hóa tâm linh đặc biệt của nhân dân Quảng Đông đã có từ bao đời nay. Trước việc Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh trở thành một điểm đến tâm linh của người dân và du khách, từ năm 2024, huyện Quảng Trạch quyết định nâng tầm lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh từ cấp xã lên cấp huyện và đổi tên thành lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu”.

Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã được công nhận là điểm du lịch.
Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã được công nhận là điểm du lịch.

Mục đích của việc “nâng tầm” này nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của lễ hội, phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách, đồng thời khơi dậy tiềm năng, xây dựng các sản phẩm, điểm đến du lịch độc đáo, riêng có của địa phương.

 

Đặc biệt, tháng 4/2024, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh là điểm du lịch. Đây thực sự là cơ hội, nguồn lực để huyện Quảng Trạch bảo tồn các giá trị văn hóa, phát triển kinh tế du lịch. Tuy nhiên, huyện cũng xác định, muốn khai thác các giá trị của lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu” gắn với phát triển du lịch, trước tiên cần làm tốt công tác quản lý.

 

Hiện, UBND huyện đã thành lập Ban Quản lý di tích Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh nhằm thực hiện quản lý các hoạt động du lịch, dịch vụ tại đền, bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và an toàn cho du khách đến tham quan, hành lễ. Trong thời gian tới, công tác này sẽ được tiếp tục tăng cường, đặc biệt trong những ngày diễn ra lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu”.

 

Huyện cũng chủ động tuyên truyền về ý nghĩa của lễ hội để cộng đồng hiểu đúng về giá trị lễ hội, làm sao để người dân, du khách dự lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu” thấy vui vẻ, phấn khởi, cảm nhận được nét đẹp của văn hóa và tín ngưỡng thờ Mẫu.

 

Quảng Trạch đã và đang nỗ lực từng ngày để xây dựng Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh thành “điểm sáng” về công tác quản lý an toàn, văn minh lễ hội. Cùng với việc khôi phục con đường thiên lý Bắc-Nam nối lên cổng trời Hoành Sơn quan, kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành một điểm nhấn về phát triển du lịch của huyện.

P.Phương (thực hiện)

 

Đầu xuân vãn cảnh núi Thần Đinh

Bà Nguyễn Thị Phương Thúy, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Emax

(xã Võ Ninh, Quảng Ninh)

 

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, gia đình tôi lại đến núi Thần Đinh (xã Trường Xuân, Quảng Ninh) để dâng hương, cầu an, vãn cảnh.

 

Núi Thần Đinh nằm ở độ cao khoảng 400m so với mực nước biển, có giếng Tiên, Động Chiêng, Động Trống khi có gió thổi thường phát ra âm thanh như tiếng chiêng, tiếng trống... Tại đây, du khách sẽ được đắm mình trong khung cảnh hoang sơ của cả cánh rừng tự nhiên.

 

Nhiều năm nay, chùa Kim Phong, núi Thần Đinh đã trở thành điểm đến du lịch tâm linh được nhiều người lựa chọn. Năm nay, ngay từ ngày mồng 4 Tết, rất đông du khách trong và ngoài tỉnh đã về núi Thần Đinh để leo núi và cầu an. Hòa chung vào hàng nghìn du khách, tôi cũng đã vượt qua chặng đường dốc với 1.260 bậc đá để leo lên đỉnh núi. Đứng trên đỉnh núi, tôi có thể ngắm nhìn cảnh sắc tươi đẹp của quê hương Quảng Ninh với dòng Đại Giang hiền hòa uốn mình lúc ẩn, lúc hiện dưới chân núi, sau những rặng cây xanh.

Rất đông du khách đến dâng hương, vãn cảnh núi Thần Đinh vào dịp đầu năm mới.
Rất đông du khách đến dâng hương, vãn cảnh núi Thần Đinh vào dịp đầu năm mới.

Sau khi dâng hương tại ngôi miếu cổ để cầu an, du khách có thể xuống Giếng Tiên để lấy nước, xin lộc. Lần nào lên đây, tôi cũng gắng lấy được nước trong Giếng Tiên mang về cho người thân và gia đình như lộc đầu năm. Đến với chùa Kim Phong-núi Thần Đinh, mọi người như hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận được sự vô ưu, vô phiền, thành kính dâng hương cầu cho năm mới bình an, hạnh phúc. Chính vì lẽ đó, thay vì du xuân đến các điểm du lịch, năm nào tôi cũng chọn đến núi Thần Đinh để vừa thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh tại chốn linh thiêng vừa cầu những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân bạn bè và cũng là dịp để các con của tôi hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống của quê hương.

 

Tôi dự định sẽ tổ chức cho cán bộ, nhân viên trong Trung tâm Ngoại ngữ Emax đến tham quan, vãn cảnh núi Thần Đinh trong một dịp gần nhất. Để mọi người vừa có thể tận hưởng không khí trong lành, leo núi rèn luyện sức khỏe và chuẩn bị cho một hành trình làm việc đầy hứng khởi trong năm mới Ất Tỵ.

Lan Chi (thực hiện)

 

Phát huy giá trị lễ hội di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc

Ông Dương Văn Bình, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy

 

Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc tọa lạc tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung được hình thành cách đây hơn 700 năm. Vào dịp tháng giêng hàng năm, huyện Lệ Thủy phối hợp với Ban Trụ trì chùa Hoằng Phúc tổ chức lễ hội di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc nhằm duy trì và phát triển những giá trị văn hóa, tinh thần của nhân dân, khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển.

 

Lễ hội di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc lần thứ VII năm 2025 sẽ được tổ chức vào ngày 18/2/2025 (nhằm ngày 21/1 âm lịch) với các nội dung: Cầu mưa thuận gió hòa, các nghi lễ theo nghi thức Phật giáo, khai hội, cầu quốc thái dân an, khai ấn.

Chùa Hoằng Phúc.
Chùa Hoằng Phúc.

Ngoài ra, huyện sẽ phối hợp Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Bình tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch Lệ Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung; gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP; tổ chức tuyến đèn lồng và gian hàng ẩm thực…

 

Lệ Thủy là vùng đất “địa linh, nhân kiệt” nơi hội tụ đủ các thế mạnh về rừng núi, sông ngòi, đồng bằng và bờ biển; đồng thời là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa và các làn điệu hò khoan. Địa phương hiện có 21 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó có 10 di tích lịch sử cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 11 di tích lịch sử xếp hạng cấp tỉnh; có 3 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Ngoài ra, địa phương còn có 2 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận chung là “Nghệ thuật hô bài chòi các tỉnh Trung bộ và lễ hội cầu ngư của ngư dân miền biển tỉnh Quảng Bình”. Hàng năm, huyện Lệ Thủy tổ chức hai lễ hội lớn thu hút du khách đến tham gia, đó là lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và lễ hội di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc.

 

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp văn hóa tâm linh tại địa phương, thời gian tới, huyện Lệ Thủy sẽ triển khai thực hiện các giải pháp và duy trì các hoạt động lễ hội hàng năm kết hợp hài hòa giữa văn hóa tâm linh và văn hóa truyền thống của địa phương; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng lễ hội gắn với các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch…

Ngọc Hải (thực hiện)

 



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202502/dau-xuan-vang-tieng-trong-hoi-2224251/

การแสดงความคิดเห็น (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available