Vụ tàu Titan mất tích cho thấy Tuần duyên Mỹ còn rất nhiều hạn chế về nguồn lực, trang bị tìm kiếm cứu nạn ở vùng biển sâu.
Tàu lặn Titan, do OceanGate vận hành và cung cấp tour thăm xác Titanic, bắt đầu lặn xuống Đại Tây Dương sáng sớm 18/6 và mất liên lạc với tàu trên mặt nước sau khoảng 1 giờ 45 phút. Tàu Titan khi đó chở theo 5 người và mang lượng dưỡng khí đủ cho họ dùng trong 96 giờ, tính từ 6h ngày 18/6.
Cho đến khi Tuần duyên Mỹ tổ chức họp báo về sự cố ngày 19/6, lượng oxy còn lại trên tàu được cho là còn khoảng 70 giờ, theo chuẩn đô đốc John Mauger, người phụ trách chiến dịch tìm kiếm tàu Titan. Lực lượng của họ và tuần duyên Canada đang rà soát khu vực cách Cape Cod, bang Massachusetts khoảng 1.450 km.
Tuần duyên Mỹ là lực lượng chuyên thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển, nhưng tình huống này vẫn là “cơn ác mộng” thực sự với họ. “Tìm kiếm tại vùng biển hẻo lánh như vậy là một thách thức”, ông Mauger thừa nhận, trong bối cảnh họ phải chạy đua với thời gian để kịp cứu người trước khi nguồn oxy cạn kiệt.
Tuần duyên Mỹ đã triển khai máy bay tuần tra tầm xa C-130 quần thảo trên vùng biển nơi tàu Titan mất tích, trong khi Trung tâm Điều phối Cứu hộ Halifax cũng điều một phi cơ tuần thám P-8 Poseidon có khả năng thăm dò mục tiêu dưới nước để hỗ trợ. Nhưng đến cuối ngày 19/6, họ vẫn không rõ tàu Titan đang chìm dưới đáy biển hay đã nổi lên được trên mặt nước và đang bập bềnh ở đâu đó.
Craig Hooper, bình luận viên cấp cao về các vấn đề an ninh quốc gia Mỹ của Forbes, cho rằng sứ mệnh tìm kiếm cứu nạn tàu Titan lần này đã bộc lộ một số lỗ hổng trong công tác cứu hộ dưới biển của Tuần duyên Mỹ.
Khi thị trường du lịch mạo hiểm trên biển mở rộng, các lực lượng tuần tra biển đã lo ngại rằng quy định của chính phủ Mỹ không bắt kịp loại hình này, khi họ ít chú trọng vấn đề cứu hộ ở những khu vực khó tiếp cận và năng lực cứu hộ tàu ngầm cũng suy giảm rất nghiêm trọng.
Năm 1960, hải quân Mỹ có 9 tàu cứu hộ tàu ngầm và hai tàu kéo chuyên dụng cho công tác cứu hộ dưới biển. Nhưng họ hiện không có bất kỳ tàu cứu hộ dưới biển nào sau đợt cắt giảm lực lượng và ngân sách năm 2012.
Tuần duyên Mỹ, cơ quan dẫn đầu các nhiệm vụ cứu nạn của nước này, cũng không có năng lực cứu hộ dưới biển. Phần lớn công tác cứu hộ tàu ngầm đã được tư nhân hóa, buộc Tuần duyên Mỹ phải phối hợp với các công ty vận hành tàu ngầm dân sự vốn không được quản lý chặt chẽ.
Alistair Greig, giáo sư kỹ thuật hàng hải tại Đại học UCL, Anh, cho hay kịch bản tồi tệ nhất với tàu lặn Titan hiện nay là nó bị chìm xuống độ sâu gần 4.000 m gần xác tàu Titanic và không có khả năng tự nổi lên.
Trong trường hợp đó, Tuần duyên Mỹ không có tàu chuyên dụng có khả năng lặn xuống độ sâu như vậy để tìm hiểu tình hình và vạch kế hoạch giải cứu. Ngay cả khi họ biết được vị trí tàu chìm, nỗ lực cứu nạn dưới biển cũng rất phức tạp và nguy hiểm.
Trong quá trình này, nhiệm vụ tiếp cận khu vực tìm kiếm thường khó khăn nhất, bởi giới chức cần thời gian tập hợp nguồn lực. Năm 2017, Mỹ triển khai Đội Cứu hộ Tàu ngầm (SER) tinh nhuệ để hỗ trợ Argentina xác định vị trí tàu ngầm ARA San Juan gặp nạn.
SER phải thu xếp 8 chuyến bay để chuyển khoảng 356 tấn thiết bị đến Argentina. Vận tải cơ đầu tiên hạ cánh 43 tiếng sau lệnh điều động, chiếc cuối cùng hạ cánh sau 77 tiếng.
Do không có tàu chuyên dụng, đội phải thuê một tàu dân sự rồi mất thêm 4 ngày để hoán cải không gian chứa thiết bị chuyên dụng. Sau 12 tiếng chuyển thiết bị lên tàu, họ mới có thể khởi hành đến khu vực tìm kiếm.
Trong nỗ lực tìm kiếm tàu Titan hiện nay, ông Hooper lo rằng nguồn dưỡng khí trên tàu lặn đã cạn kiệt trước khi đội SER kịp xuất phát. Ngay cả khi đội SER đến nơi, họ cũng có rất ít phương tiện có thể hoạt động ở độ sâu hơn 3.800 m.
Các phương tiện tư nhân có thể là phương sách cuối cùng, do hải quân Mỹ đã tư nhân hóa phần lớn đội tàu cứu hộ cứu nạn. Nhưng dù có thể làm tốt hơn trong một số trường hợp nhất định, các công ty tư nhân cũng có rất ít nguồn lực để tìm kiếm, trục vớt ở độ sâu này.
Theo bình luận viên Hopper, sự cố với tàu Titan là dấu hiệu cho tương lai khó khăn của lực lượng cứu hộ cứu nạn khi hoạt động thám hiểm dân sự dưới biển gia tăng.
“Môi trường khắc nghiệt dưới đáy biển sâu không phải là nơi dành cho những tay mơ, trong khi các du khách tìm cảm giác mạnh thường không được trang bị đầy đủ để đánh giá rủi ro khi tham quan khu vực đó”, Hopper nói. “Đó là lúc chính phủ Mỹ cần tham gia để giúp họ có cơ hội sống sót cao hơn”.
Đức Trung (Theo Forbes, AFP, Reuters)