Khi Nga tiến hành tập kích Ukraine dọc sông Danube giáp biên giới Romania, nhiều người lo ngại nơi đây có thể trở thành chiến địa giữa NATO và Moskva.
Quân đội Romania tuần qua gấp rút xây dựng loạt hầm tránh bom gần biên giới với Ukraine, sau khi phát hiện nhiều mảnh vỡ nghi của máy bay không người lái (UAV) trong lãnh thổ. Các căn hầm được xây bằng bê tông lắp ghép, bên ngoài phủ bao cát để bảo vệ người dân khỏi UAV và tên lửa.
Nga gần đây tăng cường sử dụng UAV và tên lửa hành trình tập kích kho lương thực và hạ tầng cảng của Ukraine, sau khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Để ngăn Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua đường sông tới các nước láng giềng, UAV Nga liên tục bay dọc theo sông Danube nằm giữa tỉnh Odessa của Ukraine và lãnh thổ Romania để tấn công mục tiêu. Điều này làm dấy lên lo ngại ở Romania, quốc gia thành viên NATO, khi các mảnh vỡ UAV không ngừng rơi xuống.
Iulian, người đàn ông Romania chăn cừu bên bờ sông Danube, cho biết ông đã nhìn thấy UAV bay dọc sông để tấn công lãnh thổ Ukraine, nhưng bị lực lượng phòng không của Kiev ngăn chặn. “Tôi thấy chúng bị bắn hạ ngay tại đó, rồi khói lửa bốc lên”, ông kể.
Danube, con sông rộng vài trăm mét chảy dọc biên giới Ukraine – Romania trước khi đổ ra Biển Đen, là khoảng cách ngăn một cuộc tập kích vào Ukraine trở thành đòn tấn công vào toàn bộ liên minh NATO. Nếu UAV Nga bay chệch mục tiêu và lao vào lãnh thổ Romania, xung đột quy mô lớn có thể bùng nổ, bởi NATO có trách nhiệm bảo vệ đồng minh theo điều khoản phòng thủ chung của khối.
Bộ trưởng Quốc phòng Romania Angel Tilvar ngày 6/9 cho biết vật thể rơi xuống lãnh thổ nước này gần Ukraine có thể là mảnh vỡ UAV Nga. Mảnh vỡ rơi gần Plauru, ngôi làng Romania ở phía bên kia sông Danube, đối diện với cảng Izmail của Ukraine.
Ông Tilvar nói các mảnh vỡ sẽ được phân tích để xác nhận nguồn gốc, thêm rằng khu vực phát hiện mảnh vỡ không áp lệnh sơ tán vì chưa phát hiện dấu hiệu cho thấy chúng có thể gây ra mối đe dọa.
Bộ Quốc phòng Romania ngày 13/9 tiếp tục thông báo phát hiện mảnh vỡ nghi là của UAV nằm rải rác ở quận Nufaru và Victoria ở thành phố miền đông Tulcea, cách biên giới Ukraine khoảng 14 km.
Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Moskva đe dọa “an ninh các nước láng giềng, gồm cả thành viên NATO”.
Ở thượng nguồn sông Danube, lưu lượng giao thông gia tăng trên chuỗi cảng sông, trong đó có Izmail, đã biến khu vực yên tĩnh này thành nơi có tầm quan trọng chiến lược.
Nga đã tăng cường tập kích khu vực trong nỗ lực ngăn Ukraine sử dụng sông Danube như tuyến vận chuyển ngũ cốc thay thế khi Biển Đen bị phong tỏa. Moskva hồi tháng 7 rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, thỏa thuận cho phép ngũ cốc từ Ukraine vận chuyển bằng đường biển, tuyến đường xuất khẩu chính ra thị trường thế giới.
Moskva cũng thu hồi mọi đảm bảo về an toàn hàng hải liên quan, cảnh báo tất cả tàu hướng đến cảng Ukraine giáp Biển Đen đều có thể bị coi là phương tiện vận chuyển hàng quân sự. Tàu chiến Nga tháng trước bắn cảnh cáo về phía một tàu thương mại tiếp cận cảng ở Biển Đen.
Tại cảng Constanta của Romania, các công ty vận tải biển chuyển ngũ cốc từ Ukraine qua sông Danube và các kênh đào, cũng như bằng xe tải và tàu hỏa, trước khi bốc hàng lên tàu, hướng tới eo biển Bosphorus và Địa Trung Hải.
Nhưng vụ nổ do thủy lôi gần đây, nghi ngờ là của Nga trôi dạt vào vùng biển gần Constanta, cho thấy rủi ro mà các khu vực gần vùng chiến sự phải đối mặt.
“Chúng tôi rất lo lắng. Nga tiếp tục tạo ra những rủi ro mới, nguy cơ dẫn tới leo thang và tính toán sai lầm”, ông Tilvar nói.
Romania đã triển khai 11 tàu chiến, 2 trực thăng, 6 UVA giám sát hàng hải và 3 đội thợ lặn chuyên về chất nổ để đối phó với nguy cơ từ thủy lôi, UAV Nga. Máy bay trinh sát của NATO cũng tuần tra liên tục khu vực biên giới Romania.
“Chúng tôi chuẩn bị cho bất kỳ tình huống bất ngờ nào có thể xảy ra”, ông Tilvar nói, thêm rằng “không quốc gia nào giáp biên giới Ukraine có thể loại trừ khả năng bị bắn nhầm”.
Là một trong số ít quốc gia liên tục đáp ứng mục tiêu ngân sách quốc phòng thường niên của NATO là 2% GPD, Romania năm nay tăng ngân sách quốc phòng của nước này lên 7,5 tỷ USD, chiếm khoảng 2,5% GDP, trong bối cảnh xung đột ở Ukraine kéo dài.
Quốc gia này chuẩn bị mở trung tâm đào tạo phi công F-16 cho Ukraine, đồng thời mua thêm máy bay, xe tăng, lựu pháo và UAV do Mỹ sản xuất để trang bị cho lực lượng Ukraine.
Trước đây, ngân sách quốc phòng này là quá mức cần thiết với Romania. Song với cuộc xung đột đang diễn ra gần biên giới, khoản tiền này là hợp lý, theo Sandu-Valentin Mateiu, sĩ quan tình báo Romania về hưu. “Chúng tôi đang ở tiền tuyến”, ông nói.
Mateiu thêm rằng dù Romania không có biên giới đất liền với Nga, “vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi tiếp giáp với khu vực bán đảo Crimea”, nơi Nga đã sáp nhập năm 2014 và sử dụng làm bàn đạp cho cuộc chiến ở Ukraine. Nhiều tên lửa và UAV của Nga được triển khai từ bán đảo này.
Nga dường như đang tìm cách thăm dò vùng xám trong thỏa thuận hàng hải quốc tế khi liên tục tung đòn không kích phá hủy các tuyến xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, theo Mateiu. Tuy nhiên, ông tin Nga sẽ tránh “chiến tranh với NATO”.
Mateiu cũng lưu ý rằng dù Ukraine có thể muốn NATO can thiệp nhiều hơn vào xung đột, Romania, quốc gia hứng chịu nhiều mảnh vỡ nghi UAV rơi xuống, lại tỏ ra thận trọng. “Khi người Nga không gây ra mối đe dọa thực sự đối với tính mạng hoặc tài sản trên lãnh thổ của chúng tôi, Bucharest sẽ không tìm cách leo thang căng thẳng, dù về mặt ngoại giao”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Mateiu khẳng định “khi chúng tôi thấy mối đe dọa thực sự, Romania sẽ hành động nhanh chóng để đáp trả quyết liệt”.
Thủ tướng Marcel Ciolacu, người nhậm chức hồi tháng 5, cam kết hỗ trợ vô điều kiện cho Ukraine và sẽ tăng gấp đôi lượng ngũ cốc của Ukraine quá cảnh tại Romania, trong đó chủ yếu ở cảng sông Constanta. Tuy nhiên, sản lượng vụ mùa của Romania năm nay có khả năng vượt năm ngoái và cảng Constanta cũng được sử dụng để xuất khẩu ngũ cốc cho các đối tác như Hungary và Serbia, làm dấy lên lo ngại về tính khả thi cho cam kết mà Thủ tướng Ciolacu đưa ra.
Viorel Panait, chủ sở hữu Comvex, nhà vận hành kho ngũ cốc lớn nhất ở Constanta, nói rằng toàn bộ mạng lưới hậu cần cảng sông phải được đổi mới.
“Hồi tháng 7, thành phố đã xử lý gần 70% tổng lượng ngũ cốc chuyển từ Ukraine. Điều đó đòi hỏi chúng tôi phải sáng tạo”, ông nói.
Panait đã chi hơn 4 tỷ USD để tăng công suất của công ty và làm việc với chính phủ về các thủ tục hải quan kỹ thuật số để giảm thời gian chờ đợi từ 36 giờ xuống 30 phút.
Trước cuộc bầu cử năm tới, chính phủ của Thủ tướng Ciolacu cũng cần tính đến nỗi bất bình của nông dân Romania, những người gặp khó khăn vì phải cạnh tranh với ngũ cốc giá rẻ của Ukraine, cũng như những người mệt mỏi vì cuộc chiến, theo Costin Ciobanu, nhà nghiên cứu tại Đại học London.
“Nông dân là nhóm cử tri quan trọng đối với ông Ciolacu”, ông Ciobanu nói.
Romania là một trong nhóm nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine, dù chấp thuận tạo điều kiện cho ngũ cốc Ukraine chuyển qua lãnh thổ.
Trước các cuộc bầu cử địa phương, quốc hội, tổng thống trong năm 2024, đảng AUR theo chủ nghĩa dân tộc của Romania đã đạt được một số thắng lợi khi thúc đẩy thông điệp chống Ukraine, theo Ciobanu.
Trong khi đa số người Romania hoài nghi kịch bản Nga sẽ tấn công đất nước này, cuộc thăm dò gần đây cho thấy nửa số người được hỏi cho rằng giá lương thực và nhiên liệu tăng cao là do xung đột Ukraine.
Trên bãi biển Costinesti, cách Constanta khoảng 30 km về phía nam, ngư dân và chủ nhà hàng Matei Datcu nói rằng ông không sợ thủy lôi trôi dạt vào bờ biển bằng thực tế nền kinh tế ngày càng xấu đi.
“Bạn có thể nhìn thấy quả thủy lôi lớn và tránh nó. Nhưng năm tới, thuế sẽ tăng. Áp lực của nó sẽ được cảm nhận rõ rệt hơn bất kỳ quả thủy lôi nào trôi dạt vào bờ biển”, ông nói.
Thanh Tâm (Theo FT)