Giấc mơ dữ liệu lớn
Sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các công ty, tập đoàn đang là một bài toán đặt ra cho các cơ sở giáo dục đại học.
Còn nhớ năm 2008, sau một năm khảo sát gần 2.000 sinh viên năm cuối tại 5 trường đại học chuyên ngành kỹ thuật lớn ở Việt Nam, Công ty Intel chỉ chọn được 40 ứng viên.
Đại diện của hãng sản xuất chip Mỹ khi đó chia sẻ rằng đây là tỷ lệ tuyển dụng rất thấp.
15 năm sau, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội cũng khảo sát 2.000 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc tại các trường kỹ thuật và công nghệ lớn tại Việt Nam. Lần này, con số Viettel tuyển được, cũng chỉ có 90 người.
Tại hội thảo giáo dục 2023 về thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Đại tá Dương Xuân Phượng, Phó giám đốc Học viện Viettel bày tỏ tin tưởng chất lượng đào tạo tương đối tốt. Nhưng ông cũng kể ra thực tế doanh nghiệp luôn mất thời gian đào tạo bổ sung, vì sinh viên vẫn thiếu một số kỹ năng quan trọng cho công việc.
Cũng trong hội nghị đó, trong nhiều thách thức của giáo dục đại học tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn nói: “Cơ chế đánh giá cũng như giám sát chất lượng có thể chưa thực sự hiệu quả, thực chất”.
Bài toán lớn này đã được các đại học nhận thức từ lâu và đang nỗ lực để thay đổi thực trạng này, trong đó, bắt đầu từ việc cải thiện hệ thống quản lý thông tin đang thiếu bài bản.
Chia sẻ về tầm nhìn trong quản lý thông tin, ông Hồ Sỹ Lợi, Phó Chánh Văn phòng Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “Chúng ta cần kết nối và hiểu sinh viên ngay từ trước khi họ là sinh viên, khi họ đang là sinh viên, cho đến khi họ không còn học tại trường nữa”.
Theo ông Lợi, hệ thống phải quản lý và xử lý chi tiết đến mức có thể nhận diện được động cơ, hứng thú và mức độ tham gia học tập của sinh viên ở mỗi lớp học.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, nhiều lần nhấn mạnh việc thu thập và phân tích dữ liệu lớn của người học tìm ra những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập. Từ đó, các đại học có những điều chỉnh về chính sách, phương pháp giảng dạy, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Dẫu vậy, trong nhiều năm qua, tầm nhìn này là một sự xa xỉ ngay cả với những đại học lớn. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu đầu tư, hệ thống công nghệ thông tin của các trường, các khoa và trung tâm phân mảnh, dữ liệu của không liên thông. Thông tin về sinh viên, giảng viên hay thậm chí nguồn lực hạ tầng của trường cũng nằm rải rác ở nhiều đơn vị đào tạo.
Từ thực tế trên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Đà Nẵng đang bắt tay cùng Dự án Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER) để xây dựng kiến trúc mới cho hệ thống thông tin quản lý (MIS).
Trong nhiều tháng qua, dưới sự hỗ trợ của dự án, các trường phối hợp với chuyên gia từ Đại học Indiana (Mỹ) để tìm hiểu kinh nghiệm quản lý; cùng với chuyên gia trong nước thiết kế hệ thống. Dự kiến tháng 11/2024, một thiết kế mới, cùng với chính sách quản lý, tạo lập dữ liệu mới sẽ được đưa vào thí điểm.
Đại diện dự án PHER khẳng định hệ thống quản lý thông tin tốt sẽ phát triển môi trường hỗ trợ ra quyết định cho tất cả các cấp quản lý. Dữ liệu cũng là đầu vào trọng điểm của quá trình “học tập cá nhân hóa” cho sinh viên.
Phát triển hệ thống giám sát chương trình đào tạo
Cùng với xây dựng hệ thống quản lý thông tin, việc thu thập và phân tích dữ liệu là một trong những vấn đề cần cải thiện khi giám sát chất lượng đào tạo, đảm bảo chất lượng bên trong (IQA).
Dự án PHER đã hỗ trợ 10 trường thành viên của 3 đại học phát triển hệ thống giám sát chương trình đào tạo đồng nhất hơn, yếu tố thiết yếu của đảm bảo chất lượng bên trong.
Việc này nhằm giúp các trường đại học chuyển từ văn hóa tuân thủ các tiêu chuẩn bên ngoài sang văn hóa cải tiến chất lượng liên tục.
GS Victor Borden, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) nhận ra các đại học Việt Nam thực sự quan tâm đến việc người học được hưởng lợi gì từ các chương trình đào tạo.
PHER và các đại học đang cùng xây dựng Bộ tiêu chuẩn đánh giá học phần trực tuyến. Dự kiến, cuối năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ ban hành Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng học phần trực tuyến với 7 tiêu chuẩn, 30 tiêu chí và 93 chỉ báo.
Đánh giá công bằng, chính xác, minh bạch
Để kết quả đánh giá và giám sát chất lượng đào tạo có hiệu quả rất cần sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ, giảng viên trường đại học. Song, theo nhận định từ Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, chính các thầy cô cũng nuôi “niềm tin hạn chế” với các kết quả đánh giá chất lượng, đặc biệt là đánh giá về chính mình.
Trong nhiều năm, tiêu chí đánh giá đội ngũ cán bộ và giảng viên thường mới chỉ dừng lại ở định tính, khái quát cao. Ngay cả khi đưa ra các chỉ số định lượng, chúng cũng thường thuần túy là việc đếm số giờ dạy, số bài báo khoa học.
TS Trần Mạnh Cường, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ – Hành chính, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định việc đánh giá này không chỉ nằm ở thưởng – phạt, trả lương, mà phải xây dựng lên một môi trường làm việc lành mạnh, thu hút được các nhà khoa học giỏi.
“Đối với các nhà khoa học, tiền chỉ là một phần, đánh giá về họ phải công bằng, phải chính xác. Nó còn quan trọng hơn chuyện cuối tháng họ nhận 10 triệu hay 20 triệu đồng”, TS Trần Mạnh Cường bày tỏ.
Để giải quyết bài toán này, các chuyên gia của dự án PHER đang hỗ trợ các trường xây dựng hệ thống đánh giá cán bộ dựa trên KPI (key performance indicator – chỉ số hiệu suất chính).
Bên cạnh một số yếu tố định tính, các “KPI” này phải được định lượng, phải bao phủ các đặc trưng của công việc, cũng như phải xem xét đến cả ý kiến từ người học.
Một cán bộ quản lý tại một trường đại học lớn cho hay sau khi thí điểm KPI, một số thầy cô đã chủ động xin nghỉ. Những lá đơn xin nghỉ đó có thể là kết quả của sự đánh giá “công bằng, chính xác” mà từ lâu, khối cơ quan nhà nước than phiền khó đạt được.
TS Nguyễn Thị Mai Phương, Phó giám đốc dự án PHER, bày tỏ sự tin tưởng với phương pháp tiếp cận mới, sử dụng KPI với các tiêu chí đánh giá cụ thể, định lượng, dựa trên dữ liệu và minh chứng sẽ giúp việc đánh giá các diện cán bộ công bằng, chính xác và minh bạch.
Giáo dục đại học Việt Nam đã đi một chặng đường dài và đạt những thành tựu nhất định. Cuối năm 2010, gần như toàn bộ nhân sự kỹ thuật của Intel tại Việt Nam là người nước ngoài. Song, tại Intel Product Việt Nam giờ có tới 2.700 nhân sự tại Việt Nam, trong đó có 84% là các kỹ sư.
Chỉ trong vòng hơn một thập kỷ sau đó, 95% lực lượng lao động đã là người Việt, bao gồm cả những vị trí quản lý cao cấp.
16 năm sau khi than phiền về tỷ lệ tuyển dụng thấp nhất thế giới, lãnh đạo công ty này công khai bày tỏ sự tin tưởng vào mục tiêu đào tạo kỹ sư bán dẫn của Việt Nam cho đến năm 2030. Mục tiêu lúc này đã lên tới 50.000 người.
Nhưng chặng đường phía trước vẫn còn rất dài; đằng sau khẳng định là hàng loạt vấn đề các trường đang nỗ lực giải quyết.
Ngoài 3 vấn đề cần thay đổi trên, Dự án PHER còn tư vấn cho các trường đại học về chuỗi hoạt động nhằm hỗ trợ phát triển chuyên môn của giảng viên – tăng cường kiểm định quốc tế với các chương trình đào tạo; cũng như các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu tại các trường theo tiêu chuẩn quốc tế.
GS.TS Trần Ngọc Anh, Chủ nhiệm dự án PHER, bày tỏ: “Từ nỗ lực và quyết tâm đổi mới của các đại học mà dự án PHER đang hợp tác, chúng tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng vào một tương lai nơi giáo dục đại học Việt Nam sánh ngang với các nền đào tạo tên tuổi trên thế giới”.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/tap-doan-lon-chi-tuyen-duoc-vai-chuc-sinh-vien-giai-phap-nao-cho-dao-tao-20240920085139363.htm