Ảnh vệ tinh của NASA cuối tháng 5 cho thấy A-76A, tảng băng lớn gấp đôi thành phố Los Angeles, vỡ thành nhiều mảnh gần đảo Nam Georgia.
A-76A là mảnh lớn nhất còn lại của A-76, tảng băng có diện tích khoảng 4.320 km2 với chiều dài 170 km và chiều rộng 25 km, vỡ ra từ Thềm băng Ronne, châu Nam Cực, tháng 5/2021. Đến tháng 10/2022, hình ảnh vệ tinh cho thấy A-76A, khi đó dài khoảng 135 km và rộng 26 km, đi vào vùng biển “Hành lang Drake”, nơi băng trôi thường bị những dòng hải lưu mạnh cuốn khỏi châu Nam Cực.
Ngày 24/5, vệ tinh Terra của NASA chụp hình ảnh mới về 6 mảnh của A-76A đang trôi ra xa nhau gần đảo Nam Georgia, biển Scotia, đồng nghĩa tảng băng khổng lồ đã vỡ vài ngày trước đó, theo Đài quan sát Trái Đất thuộc NASA. Các mảnh vỡ cách nơi A-76 tách khỏi châu Nam Cực năm 2021 khoảng 2.415 km.
“Thật ấn tượng khi nó đã đi xa đến thế chỉ trong khoảng hai năm. Điều đó thể hiện rõ các dòng hải lưu ở khu vực này của Nam Đại Dương mạnh như thế nào”, Christopher Shuman, nhà nghiên cứu sông băng tại Đại học Maryland và Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard thuộc NASA, nhận xét.
Tảng băng trôi lớn nhất thế giới trước đây, A-68A, cũng vỡ vụn gần đảo Nam Georgia vào tháng 12/2020 sau khi trôi qua Hành lang Drake. A-76A không va chạm trực tiếp với Nam Georgia nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển lân cận. Giữa năm 2021, khi A-68A tan chảy hoàn toàn, các nhà khoa học ước tính nó đã trút khoảng 900 triệu tấn nước ngọt xuống biển, phần lớn được đổ xuống gần Nam Georgia. Nhiều khả năng A-76A cũng sẽ xả một lượng lớn nước ngọt ra xung quanh, ảnh hưởng đến lưới thức ăn ở biển.
Mark Belchier, giám đốc Cơ quan Ngư nghiệp và Môi trường của đảo Nam Georgia và quần đảo Nam Sandwich, cảnh báo, các mảnh băng mới sẽ tiếp tục vỡ ra và có thể trở thành mối lo ngại lớn với tàu thuyền hoạt động trong vùng.
Thu Thảo (Theo Live Science)