Các đây 50 triệu năm, hai thiên hà chạm trán trong không gian. Đối tượng nhỏ hơn, thuộc nhóm thiên hà lùn xanh, lao xuyên tâm của thiên hà khổng lồ, tạo nên một hồng tâm trải rộng khắp 250.000 năm ánh sáng.
Để dễ so sánh, bề ngang của Dải Ngân hà của chúng ta vào khoảng 100.000 năm ánh sáng.
Các nhà thiên văn học đã dựa vào kính Hubble để xác định 8 vòng của thiên hà LEDA 1313424, và vòng còn lại được xác nhận nhờ vào dữ liệu thu được từ Đài thiên văn W. M. Keck ở Hawaii (Mỹ).
Những kết quả quan sát trước đó về các thiên hà khác trong vũ trụ cho thấy số vòng tối đa chỉ dừng lại ở con số 2 hoặc 3.
"Đây là khám phá tình cờ", trang nasa.gov hôm 4.2 dẫn lời bà Imad Pasha, trưởng nhóm nghiên cứu và là nghiên cứu sinh Đại học Yale.
"Tôi đang nhìn vào hình ảnh quan sát chụp từ mặt đất và phát hiện một thiên hà có vài vòng. Tôi lập tức bị thu hút", bà cho biết. Đội ngũ chuyên gia sau đó đặt biệt danh cho thiên hà này là "Hồng tâm".
Nỗ lực quan sát bằng kính Hubble và Đài thiên văn Keck sau đó cho phép nhận diện thiên hà còn lại đã lao xuyên "Hồng tâm". Đó là một thiên hà lùn xanh, hiện cách LEDA 1313424 khoảng 130.000 năm ánh sáng.
Đồng tác giả Pieter G. van Dokkum, giáo sư Đại học Yale, cho hay nhóm đã gặp may khi phát hiện thiên hà Hồng tâm vào thời điểm xuất hiện nhiều vòng sau một vụ va chạm với thiên hà khác.
Hành trình xuyên tâm LEDA 1313424 của thiên hà lùn xanh đã đẩy dạt mọi thứ sang hai bên, tạo ra những vùng mới cho phép sao hình thành.
Nguồn: https://thanhnien.vn/phat-hien-thien-ha-9-vong-nhieu-nhat-tu-truoc-den-nay-185250205104800498.htm
Bình luận (0)