A-CDM được hiểu là quy trình đã thống nhất giữa các đơn vị điều hành khai thác tại sân bay. A-CDM cung cấp nền tảng để các đơn vị phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác ra quyết định tại cảng hàng không nhằm mục tiêu quản lý tắc nghẽn tại sân bay, tăng hiệu quả lập kế hoạch khai thác, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, nâng cao khả năng dự báo và nâng cao tính đúng giờ của chuyến bay.
Qua đó, giảm thiểu lãng phí sử dụng slot và quản lý luồng không lưu; giảm thiểu ùn tắc trên sân đỗ và đường lăn; giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu do việc giảm thời gian lăn; hạn chế ảnh hưởng tác động môi trường, giảm tiếng ồn và khí thải CO2 trong khu vực sân bay.
Việc chính thức áp dụng A-CDM là cột mốc rất quan trọng, đánh dấu thành công sau 3 năm nỗ lực nghiên cứu của Cảng Tân Sơn Nhất và các bên tham gia (VATM, Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, SAGS, VIAGS). Đồng thời, nâng cao vai trò và vị trí trên thềm quốc tế của Tân Sơn Nhất, đặc biệt với sân bay lớn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như hệ thống sân bay toàn thế giới.
Đại diện Cảng Tân Sơn Nhất đánh giá: Tân Sơn Nhất là cảng hàng không cửa ngõ khu vực phía nam, lớn nhất Việt Nam, với tần suất cất hạ cánh cao nhất cả nước (xấp xỉ 260.000 lượt CHC). Sản lượng hành khách thông qua cảng tính đến cuối 2023 đạt 42 triệu lượt (gấp 1,5 lần so với công suất khai thác thiết kế) cho thấy sự quá tải về hạ tầng cũng như năng lực khai thác.
Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật hiện hữu cũng chưa đồng bộ, các hệ thống thông tin chuyến bay được các bên liên quan tự phát triển nội bộ (in house) dẫn đến việc chia sẻ thông tin giữa các đơn vị gặp khó khăn. Hệ thống điều hành bay ATM tại khu vực phía nam cũng chưa được trang bị hệ thống AMAN/DMAN (hệ thống quản lý tàu bay đến/tàu bay khởi hành) dẫn đến việc sắp xếp lập kế hoạch thứ tự đến đi tại cảng chưa được thực hiện, tàu bay khởi hành chỉ tuân theo phương thức “đến trước phục vụ trước”.
Từ những thách thức đó, với quyết tâm cao từ Cục Hàng không Việt Nam, Ban chỉ đạo triển khai mô hình A-CDM, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và các đơn vị hoạt động trên địa bàn cảng nhận thức việc triển khai A-CDM là vô cùng cấp thiết, lợi ích đạt được chung cho tất cả các bên, nâng cao năng lực khai thác cho toàn bộ cảng hàng không.
“Tháng 12.2020, chúng tôi dưới sự chỉ đạo của ACV đã nhanh chóng triển khai thành lập Tổ triển khai mô hình A-CDM tại Tân Sơn Nhất bao gồm toàn bộ chuyên gia đầu ngành và có thẩm quyền quyết định về khai thác đến từ các đơn vị: Cảng Tân Sơn Nhất, Công ty Quản lý bay miền Nam, 5 hãng bay, SAGS, VIAGS cùng đơn vị Tư vấn To70 (Hà Lan) tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Trải qua đầy đủ các bước từ xây dựng tài liệu, phát triển hệ thống, kiểm tra tính năng, thẩm định kịch bản quy trình, huấn luyện đào tạo nghiệp vụ, Cảng Tân Sơn Nhất cùng các đơn vị đã triển khai thành công 2 đợt thử nghiệm trên chuyến bay hằng ngày, với tổng số 22.441 chuyến bay, áp dụng trên các khung giờ thấp điểm/cao điểm và cả ngày 24/7 trong thời gian dài. Từ đó, đánh giá đầy đủ các rủi ro về khai thác và hệ thống, là cơ sở pháp lý, khoa học vững chắc, đáng tin cậy để Cục Hàng không ra quyết định triển khai chính thức mô hình A-CDM tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất từ 0 giờ 1 phút ngày 1.2” – đại diện Cảng Tân Sơn Nhất thông tin thêm.
Việc triển khai mô hình quản lý khai thác mới áp dụng đúng dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2024 càng có ý nghĩa quan trọng, giúp giảm tải đáng kể tình trạng máy bay delay, gây ùn tắc tại đầu sân bay “nóng” nhất này. Trong thời gian tới, việc áp dụng mô hình A-CDM sẽ được ACV, Cảng Tân Sơn Nhất và các bên tham gia tiếp tục giám sát và phát triển, đầu tư trang thiết bị nhằm nâng cao khả năng tự động hóa, giảm sai sót từ thao tác thủ công do yếu tố con người, nâng cao sự chuyên nghiệp và tối ưu hóa năng lực khai thác toàn sân bay.
Mô hình A-CDM là xu thế chung của các sân bay lớn trên thế giới. Hiện nay, tại châu Âu đã có 32 sân bay triển khai thành công (Amsterdam, Barcelona, Berlin, Brussels, Frankfurt, Geneva, London Heathrow, Munich, Naples, Paris CDG…), 8 sân bay đang thử nghiệm triển khai. Tại châu Á cũng có khoảng 19 sân bay triển khai A-CDM thành công như: Changi (Singapore), Incheon (Hàn Quốc); Thượng Hải, Bắc Kinh, Hồng Kông (Trung Quốc), Suvarnabhumi (Thái Lan), sắp tới là Kualalumpur (Malaysia), Philippines…..