Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm

Báo Tổ quốcBáo Tổ quốc22/02/2025

(Tổ Quốc) - Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo Cù Lao Chàm, tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia vào công tác bảo tồn, khai thác các tiềm năng để phát triển du lịch, kinh tế…


Trong khuôn khổ Lễ bế mạc Năm phục hồi Đa dạng sinh học Quốc gia, Quảng Nam – 2024, ngày 21/2, UBND tỉnh Quảng Nam công bố Quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm.

Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, thuộc phân hạng Khu Dự trữ Thiên nhiên được thành lập trên cơ sở kế thừa Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và bổ sung hệ sinh thái rừng tự nhiên trên các đảo nhằm hướng đến việc quản lý tổng hợp, liên kết hệ sinh thái rừng, biển và ven bờ.

Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm - Ảnh 1.

Một góc đảo Cù Lao Chàm, TP Hội An, Quảng Nam.

Khu bảo tồn thiên nhiên có địa giới hành chính thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, với tổng diện tích là 23.530 ha, có tọa độ địa lý nằm trong phạm vi: 15052'30" đến 16000'00" N và 108024'00" đến 108033'30" E và được phân thành các phân khu chức năng gồm: phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu Phục hồi sinh thái; phân khu Dịch vụ - hành chính; và vùng đệm. Hệ thống 07 đảo gồm: Hòn Lao, Hòn Cụ, Hòn Khô, Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ, và Hòn Tai. Trong số này, Hòn Lao có diện tích lớn nhất, với khoảng 1.147 ha, là nơi sinh sống và làm việc của cộng đồng dân cư xã đảo Tân Hiệp.

Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm sở hữu giá trị tài nguyên thiên nhiên vô cùng đa dạng và phong phú. Rừng đặc dụng với hơn 624 loài thực vật bậc cao có mạch đã được định danh, trong đó có nhiều loài thuộc nhóm nguy cấp quý hiếm và có giá trị làm thuốc (365 loài có giá trị làm thuốc/624 loài đã ghi nhận) và đặc biệt có 52 loài thực vật quý, hiếm, được ưu tiên bảo tồn, có tên trong Sách đỏ Việt Nam; Nghị định 06/2019/NĐ- CP của chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; Danh lục đỏ của IUCN như Acam set (Acampe ochracea (Lindl.) Hochr), Phong ba, bạc biển, Rubi (Argusia argentea (L. f.) Heine), Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn), Thiên tuế (Cycas rumphii Miq), Sến mật (Madhuca pasquieri (Dub.) H.J. Lam),…Bên cạnh đó, còn có sự đa dạng về các loài thú, chim, bò sát, lưỡng cư, côn trùng.

Hệ sinh thái biển ghi nhận sự đa dạng về các hệ động, thực vật biển như thảm cỏ biển, các khu hệ rong biển, rạn san hô, các loài thủy hải sản có giá trị như Tôm hùm bông, Tôm hùm đỏ,…

Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm - Ảnh 2.

Hàng năm, đảo Cù Lao Chàm thu hút rất đông du khách tới tham quan du lịch.

Ngoài ra, Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm còn sở hữu giá trị cảnh quan, giá trị tài nguyên nhân văn độc đáo và sự tham gia của cả cộng đồng trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Nơi đây được xem là trung tâm kết nối, giao hòa giữa thiên nhiên, con người và văn hóa lịch sử, là điểm nhấn vô cùng quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển của khu vực. Các yếu tố văn hóa, lịch sử nổi bật có thể kể đến bao gồm nền văn hóa từ xa xưa như: Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt. Bên cạnh đó, với các di tích được khai quật đã chứng minh mối quan hệ, giao lưu giữa Cù Lao Chàm với các nước trong khu vực và là điểm neo đậu của các thương thuyền quốc tế trong hành trình con đường tơ lụa trên biển hình thành từ thế kỷ XIII.

Với sứ mệnh bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, quản lý và sử dụng tài nguyên bền vững, cải thiện sinh kế cộng đồng, Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo Cù Lao Chàm, tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia vào công tác bảo tồn, khai thác các tiềm năng để phát triển du lịch, kinh tế góp phần vào phát triển bền vững tại xã Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam./.



Nguồn: https://toquocweb.dev.cnnd.vn/thanh-lap-khu-bao-ton-thien-nhien-cu-lao-cham-20250222103351387.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available