Dùng điện thoại trong toilet thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Trĩ là tình trạng mà tĩnh mạch ở hậu môn hay trực tràng bị phình ra. Vị trí tĩnh mạch bị phình có thể là bên trong hay bên ngoài xung quanh hậu môn, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Trên thực tế, rất nhiều người trong chúng ta đang bị phình ở tĩnh mạch xung quanh hậu môn hoặc trực tràng. Nên về mặt kỹ thuật, những trường hợp này đều bị trĩ. Tuy nhiên, nhiều người không hay biết vì sức khỏe vẫn ổn và không bị ảnh hưởng gì.
Các thống kê ở Mỹ cho thấy cứ khoảng 20 người ở Mỹ thì có khoảng 1 người có các triệu chứng khó chịu liên quan đến trĩ. Các triệu chứng này gồm ngứa, đau hậu môn, chảy máu trực tràng hoặc hình thành cục cứng, mềm xung quanh hậu môn.
Một câu hỏi đặt ra là vì sao thói quen dùng điện thoại thông minh khi đi ngoài lại dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Theo các chuyên gia, bệ ngồi của bồn toilet có hình dạng giống như chiếc nhẫn. Do đó, ngồi trên bệ ngồi này sẽ làm trực tràng và hậu môn bị đè ép và gây áp lực lên các tĩnh mạch quanh hậu môn.
Dùng điện thoại khi đi toilet sẽ khiến thời gian ngồi trên bệ bồn cầu này lâu hơn. Thời gian ngồi càng lâu thì áp lực lên tĩnh mạch hậu môn càng kéo dài, từ đó làm tăng nguy cơ bị trĩ. Không những vậy, tư thế ngồi đó sẽ khiến máu tích tụ quanh hậu môn, trực tràng và khiến bệnh trĩ dễ phát triển hơn.
Để giảm nguy cơ bệnh trĩ, mọi người cần kiểm soát thời gian đi ngoài. Nói cách khác, chúng ta chỉ nên giới hạn ngồi trên bồn cầu không quá 15 phút. Theo các chuyên gia, thời gian tối ưu là khoảng 10 phút.
Ngoài ra, còn một lý do khác không nên mang điện thoại khi đi ngoài là nguy cơ vi khuẩn bám lên điện thoại. Chỉ một lần xả nước trong nhà vệ sinh thì các mảnh phân, vi khuẩn trong bồn cầu có thể phát tán vào không khí, bám lên bồn rửa tay, vòi nước và nhiều thứ xung quanh, có cả điện thoại. Hơn nữa, nếu không rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh thì điện thoại cũng sẽ trở thành nơi tích tụ vi khuẩn.
Với những người nghi ngờ cảm giác khó chịu ở hậu môn là do trĩ thì trung tâm y tế phi lợi nhuận Cleveland Clinic (Mỹ) đề xuất một số cách để cải thiện tình hình. Cụ thể là người bệnh nên uống nước nhiều hơn, ăn nhiều chất xơ, dùng thuốc nhuận tràng để đi tiêu dễ dàng hơn và tắm bồn nước ấm tối đa 20 phút/ngày.
Người bị trĩ cũng có thể dùng kem bôi lidocaine hoặc hydrocortison để bôi lên vùng bị ảnh hưởng. Các loại thuốc chống viêm không steroid không kê đơn cũng giúp giảm bớt khó chịu ở hậu môn. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau 1 tuần thì cần đến bác sĩ kiểm tra, theo Healthline.