Chúng tôi gặp Đại tá Nguyễn Hữu Nghị, Bí thư Chi bộ, Phó chủ nhiệm khoa Văn hóa, Ngoại ngữ (Trường Sĩ quan Chính trị) khi đồng chí đang chỉ đạo các lực lượng trong khoa viết bài chuyên sâu đấu tranh trực diện, tương tác và lan tỏa trên không gian mạng. Đây là hoạt động thường xuyên trong quá trình thực hiện mô hình “Bút thép”.
Nói về sự ra đời của mô hình, Đại tá Nguyễn Hữu Nghị cho biết: Mô hình “Bút thép” được triển khai từ tháng 4-2022, là hình thức cụ thể hóa Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, phù hợp với đặc thù nhiệm vụ của khoa. Về nội dung, “Bút thép” được thể hiện toàn diện trên 3 vấn đề: Nhận diện nhanh, lý luận sắc bén và lan tỏa rộng. Về lực lượng đấu tranh sẽ được chia thành 3 đối tượng: Lực lượng nòng cốt chuyên sâu, lực lượng đấu tranh kỹ thuật, lực lượng đấu tranh rộng khắp.
Trong đó, lực lượng nòng cốt chuyên sâu sẽ tích cực, chủ động bám sát sự chỉ đạo của cơ quan chức năng, phối hợp với lực lượng 47 của nhà trường viết bài với nội dung trọng tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, gửi đăng báo, tạp chí trong và ngoài Quân đội, vận dụng trong sáng tác văn học, nghệ thuật, thông tin khoa học, bài gửi bản tin thi đua, website… Lực lượng đấu tranh kỹ thuật (bao gồm các giảng viên công nghệ thông tin) hỗ trợ bảo đảm đường truyền mạng, hỗ trợ đấu tranh kỹ thuật như báo xấu, báo trang giả và hỗ trợ xử lý sự cố (có trang giả mạo, không chia sẻ, bình luận…) cho các lực lượng trong quá trình đấu tranh.
Hội viên Hội Phụ nữ cơ sở Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ trao đổi kinh nghiệm viết báo. |
Lực lượng đấu tranh rộng khắp (huy động tối đa cán bộ, giảng viên, đoàn viên, hội viên phụ nữ…) tham gia tương tác, like, share trên các trang đấu tranh của nhà trường, các trang nhóm của các tổ chức quần chúng và các trang cá nhân. Đồng thời, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ các cấp, ban chấp hành các tổ chức quần chúng và ý thức tự giác, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong hoạt động đấu tranh trên không gian mạng cũng như bảo đảm an toàn, an ninh mạng khi tham gia mạng xã hội.
Để tạo sức sống cho mô hình, Đảng ủy, chỉ huy Khoa cụ thể hóa mô hình “Bút thép”, gắn liền với những mô hình hoạt động của các tổ chức quần chúng trong Khoa như: “Cây bút nữ” của Hội Phụ nữ, “Chi đoàn viết báo”, “Câu lạc bộ lý luận trẻ” của Chi đoàn cơ sở. Điều đó tạo nên sự đoàn kết, thống nhất cao, lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ.
Với những kết quả bước đầu đạt được, mô hình “Bút thép” được cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chọn là một trong những mô hình tiêu biểu để nhân rộng trong toàn quân. Đó là cơ sở, động lực để cán bộ, giảng viên Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ tiếp tục duy trì và phát triển mô hình “Bút thép” tham gia hoạt động đấu tranh trên không gian mạng ngày càng hiệu quả.
Bài và ảnh: TRIỆU THU THỦY