Nếu gõ từ khóa “Lâm Đại Lộc” trên Google thì bạn đọc sẽ thấy hiện lên vị trí đầu tiên là bài viết của Báo Thanh Niên với tiêu đề Nam sinh Yên Bái học giỏi có thể phải bỏ học vì Covid-19: ‘Em hoang mang lắm’! (ngày 20.4.2020).
Từ bài viết này mà một nam sinh nghèo dân tộc Tày suýt phải bỏ học, giờ đây đã trở thành học viên luôn dẫn đầu đơn vị của Trường đại học Chính trị (tên khác là Trường Sĩ quan Chính trị). Câu chuyện về Lâm Đại Lộc ở thôn Làng Chiềng (xã Ngòi A, H.Văn Yên, Yên Bái) có bước ngoặt trong cuộc đời, là nhờ những tấm lòng của bạn đọc Báo Thanh Niên.
Vào tháng 4.2020, khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, nhiều trường học phải đóng cửa chuyển sang học trực tuyến, khiến nhiều học sinh ở miền núi phải lao đao vì không có phương tiện để học bài. Lâm Đại Lộc là một trong những học sinh giỏi của Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Yên Bái đã rơi vào tình cảnh bế tắc do nhà quá nghèo. Bố mất sớm, mẹ Lộc lâm trọng bệnh (suy tim độ 4), em phải sống nhờ người anh trai do mẹ nuôi từ bé, nên không có tiền để mua điện thoại học. Do đang phải ôn thi tốt nghiệp THPT lại phải ngừng học nên Lộc rất hoang mang không biết có thể theo tiếp được nữa không. Có lúc em đã nghĩ đến việc nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp anh nuôi mẹ.
Căn nhà rách nát của Lâm Đại Lộc và căn nhà mới được xây dựng nhờ tiền hỗ trợ của bạn đọc Báo Thanh Niên
Khi biết hoàn cảnh này, Báo Thanh Niên đã đăng bài về em, kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ. Sau khi báo đăng, một nhà tài trợ (giấu tên) đã ủng hộ Lộc 50 triệu đồng để em yên tâm học hết lớp 12, không phải nghỉ học mưu sinh. Người viết bài cũng quyên góp từ bạn bè để mua tặng Lộc 1 chiếc điện thoại có thể kết nối internet giúp em học trực tuyến. Đặc biệt, bạn đọc khắp nơi trên cả nước và có những người ở nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc đã gửi quà và những lời động viên tinh thần đến gia đình em. Có bạn đọc ở Mỹ trong dịp về Việt Nam (sau Covid-19) đã tìm đến tận nhà thăm hỏi Lộc.
Từ những giúp đỡ này, Lộc đã tiếp tục theo học trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Chính trị với mức điểm rất cao (29,75 điểm). Tuy nhiên, nỗi lo canh cánh của Lộc là mẹ em thường xuyên ốm đau, lại phải ở trong căn nhà rách nát có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Báo Thanh Niên lại có bài viết Nam sinh nghèo Yên Bái suýt phải bỏ học vì Covid-19 có điểm thi cao ngất (ngày 28.8.2020), mong muốn cộng đồng chung tay giúp đỡ để cậu học sinh nghèo hiếu thảo và hiếu học có thể xây được cho mẹ căn nhà nhỏ, trước khi về xuôi học đại học.
Từ bài viết, một nhà hảo tâm lại tiếp tục trao tặng gia đình em 50 triệu đồng để xây nhà. “Có lẽ, đây chính là sự kiện mang tính chất bước ngoặt, làm cho cuộc đời của em mở ra một trang mới, một trang sách có nhiều màu sắc và đầy ý nghĩa hơn…”, Lộc xúc động chia sẻ.
Vợ chồng một bạn đọc Báo Thanh Niên ở Mỹ đã về gia đình Lâm Đại Lộc chơi trong dịp về thăm Việt Nam
Đến nay, Lộc đã bước sang năm thứ 4 ở Trường Sĩ quan Chính trị. Trong thời gian học ở đây, Lộc đạt được rất nhiều thành tích. Kết thúc năm học thứ nhất, Lộc xuất sắc giành danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”, được chỉ huy và đồng chí, đồng đội tín nhiệm, yêu quý. Với những nỗ lực không ngừng, cuối năm 2021, Lộc vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2 năm liền Lộc đạt học viên giỏi, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “Đoàn viên xuất sắc tiêu biểu”. Ngoài ra, Lộc còn tham gia rất nhiều cuộc thi do đơn vị, nhà trường tổ chức và đều đạt kết quả cao như cuộc thi Olympic các môn khoa học Mác – Lênin và nhận thức chính trị xã hội, cuộc thi kể chuyện Bác Hồ…
Bên cạnh nỗ lực học tập, rèn luyện, chàng trai nghèo còn làm Bí thư Chi đoàn Tiểu đoàn 10, Trường Sĩ quan Chính trị, say mê, tâm huyết và năng động. Năm học 2022 – 2023, Lộc vinh dự được thủ trưởng nhà trường tặng danh hiệu “Gương mặt trẻ tiêu biểu”…
Lâm Đại Lộc hiện là học viên xuất sắc của Trường Sĩ quan Chính trị
“Em vô cùng biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ của bạn đọc Báo Thanh Niên đã chắp thêm đôi cánh để em có thể thực hiện được ước mơ của mình. Trong suốt thời gian vừa qua em học tập và rèn luyện trong môi trường quân đội đã không ngừng cố gắng, nỗ lực và trưởng thành hơn từng ngày.
Đặc biệt, em chưa bao giờ quên những tình cảm mà các anh, các chị, các bác, các cô chú bạn đọc Báo Thanh Niên đã trao tặng và lấy đó làm niềm cổ vũ động viên, động lực thôi thúc để em ngày càng tiến bộ và thành công hơn”, chàng sĩ quan chính trị tương lai tâm sự.
Trong 20 năm qua, trong số những nhân vật tôi viết, có nhiều bạn trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, chỉ đi làm thuê để có tiền ăn học, giờ đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định. Điều ấn tượng là bạn đọc Báo Thanh Niên giúp đỡ các nhân vật trong các bài báo không chỉ ở trong nước mà có nhiều bạn đọc ở nước ngoài.
Tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện về nữ sinh mồ côi cha mẹ Lê Thị Thanh Tâm (học sinh lớp 12A5 THPT Quốc Oai, H.Quốc Oai, Hà Nội) mất cả bố lẫn mẹ khi còn nhỏ. Tâm có hoàn cảnh rất khó khăn do bố mẹ mất sớm, từ năm Tâm học lớp 7, nên hai chị em Tâm phải đi làm thuê để lấy tiền ăn học. Người chị hơn em 2 tuổi đã phải nghỉ học vào năm lớp 10 để đi làm nuôi em học tiếp. Còn Tâm cũng vừa học vừa đi làm thuê với ước mơ vào đại học.
Năm 2017, Tâm thi đỗ vào Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhưng ước mơ dường như khép lại khi số tiền học phí mỗi năm hơn tốn 10 triệu đồng và còn phải chi phí rất lớn cho việc học xa nhà.
Một bạn đọc ở Mỹ đã về Việt Nam trao quà cho em Lê Thị Thanh Tâm, nhân vật trong bài viết đăng trên Báo Thanh Niên
Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Cô bé mồ côi không có tiền học đại học (ngày 5.9.2018) rất nhiều bạn đọc đã gửi tiền giúp đỡ Tâm. Đặc biệt, có một bạn đọc ở Mỹ đã về Việt Nam trao tặng tiền hỗ trợ cho em. Điều xúc động là bài báo đăng đã đăng được 3 tháng thì tác giả nhận được email của bạn đọc hỏi về tình hình của Tâm và ngỏ ý muốn giúp đỡ.
Bạn đọc cho biết, ông là Việt kiều đã sống và làm việc ở Mỹ hơn 40 năm, về hưu ngót chục năm nhưng vẫn dành dụm lương hưu để làm từ thiện. Dịp này, ông về Việt Nam và muốn đến tận nơi, trao tận tay món quà của mình để hỗ trợ cho Tâm.
Tôi đã hẹn gặp và dẫn ông đến tận trường, nơi Tâm đang theo học. Buổi trò chuyện rất ngắn, ông chỉ hỏi Tâm mỗi tháng cần đóng bao nhiêu tiền học phí, rồi trao cho em một phong bì. Khi về nơi ở, nữ sinh mở ra mới biết số tiền đủ cho em đóng học phí một năm học.
Tác giả cùng bạn đọc báo là Việt kiều Mỹ đến trao quà cho em Lê Thị Thanh Tâm tại Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Cùng với, số tiền đóng góp của bạn đọc cả nước đã giúp Tâm đủ đóng học phí cho cả 4 năm đại học. Cô bé vừa học, vừa chăm chỉ đi làm gia sư để có thêm mỗi tháng 800.000 đồng chi trả tiền thuê nhà. Chị của Tâm dành dụm lương công nhân 5 triệu đồng/tháng để cho em 2 triệu đồng ăn học. Giờ đây, Tâm đã ra trường và đang làm giảng viên tiếng Anh với mức lương cao ở Hà Nội.
Chia sẻ về những hỗ trợ của bạn đọc Báo Thanh Niên qua bài báo đăng, Tâm xúc động nói: “Đó là sự giúp đỡ rất kịp thời, thiết thực và ý nghĩa, đã cho em bước sang trang mới của cuộc đời”.
Qua những sự hỗ trợ của những bạn đọc không chỉ ở trong nước mà nhiều bạn đọc ở nước ngoài cho thấy sức lan tỏa rộng lớn của Báo Thanh Niên. Chỉ có thể là báo điện tử, Thanh Niên mới có thể nhanh nhạy và có tầm vươn xa như thế. Cũng từ đó mà nhiều số phận, nhiều con người mới có cơ may thay đổi cuộc đời mình như thế.
Thanhnien.vn