Coolmate, một start-up thời trang thành lập năm 2019, với mô hình không sở hữu nhà máy sản xuất và khá thành công, đã đặt mục tiêu trở thành “kỳ lân”, công ty được định giá trên 1 tỉ USD.
Mở rộng ra nước ngoài
Là thương hiệu thời trang chuyên cung cấp các sản phẩm cho nam giới, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, đại diện Coolmate cho biết trong năm 2024, thương hiệu này bán ra khoảng 1,7 triệu chiếc quần lót các loại.
Tổng số vốn start-up đã huy động sau 5 năm thành lập 11 triệu USD, bao gồm vòng gọi vốn gần nhất hồi tháng 10-2024.
Ban lãnh đạo Coolmate đặt mục tiêu năm 2030 trở thành “kỳ lân” và xác định đây là cột mốc quan trọng, không chỉ trong việc dẫn đầu thị trường nội địa mà còn mở rộng thành công ra thị trường quốc tế.
Theo báo cáo về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam do VinVentures vừa phát hành, Coolmate, một công ty D2C nổi bật tại Việt Nam, là minh chứng cho sự thành công của mô hình này.
Theo đó, Coolmate cung cấp các sản phẩm cơ bản dành cho nam giới thông qua nền tảng trực tuyến, đồng thời tận dụng mạng xã hội để tương tác và gắn kết với khách hàng.
Ngoài thị trường nội địa, đại diện Coolmate cho biết sẽ đưa sản phẩm chinh phục các thị trường nước ngoài bao gồm Mỹ và Đông Nam Á, đặc biệt các nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Không sở hữu nhà máy sản xuất
Coolmate, thương hiệu thuộc Công ty TNHH Fastech Asia, thành lập vào tháng 3-2019.
Cả ba đồng sáng lập là Phạm Chí Nhu (CEO), Nguyễn Văn Hiệp (CTO) và Nguyễn Hoài Xuân Lan (CMO) khởi đầu dự án với một nhà kho 20m2 và một website bán hàng sơ khai.
Giai đoạn đầu, start-up này cung cấp các sản phẩm cơ bản dành cho nam giới như áo thun, bít tất và đồ lót.
Đến nay, Coolmate vẫn bán các sản phẩm vừa nêu và có thêm các sản phẩm khác trong tủ đồ nam giới như các đồ mặc đi chơi, mặc đi làm hay chơi thể thao, mũ, khẩu trang, khăn mặt…
Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Nhiều thương hiệu nổi tiếng như Levi’s, Coach, Zara, H&M, Uniqlo… đã hợp tác với các đối tác tại Việt Nam để xây dựng nhà máy sản xuất.
Tận dụng lợi thế hiện có của ngành dệt may nội địa, Coolmate hợp tác với các nhà máy vải như Hồng Ngọc, Scavi, VitaJeans, Nobland… để sản xuất sản phẩm.
Start-up này không xây dựng nhà máy và dành nguồn lực đầu tư vào công nghệ cũng như đội ngũ nghiên cứu phát triển sản phẩm.
Theo báo cáo của VinVentures, công ty đầu tư mạo hiểm thuộc Vingroup, trong năm 2024, tổng vốn các start-up tại Việt Nam huy động được là khoảng 308 triệu USD, giảm 30% so với năm 2023.
Trong đó, khoảng 60% tổng giá trị giao dịch đến từ 9 start-up, nổi bật có Techcoop (70 triệu USD), Be Group (30,3 triệu USD), Metub Network (15,5 triệu USD)…
Nguồn: https://tuoitre.vn/startup-ban-gan-2-trieu-chiec-quan-lot-nam-2024-tham-vong-thanh-ky-lan-20250107183310267.htm