Bằng thiết bị đeo tai đo sóng não kết nối với phần mềm trên điện thoại, nhóm sinh viên Bách khoa Hà Nội giúp phát hiện sớm cơn buồn ngủ của tài xế và khiến họ tỉnh táo trở lại.
Những ngày này, Nguyễn Tuấn Đạt, sinh viên năm hai ngành Công nghệ thông tin Việt – Nhật, trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng các bạn trong nhóm, tất bật chuẩn bị cho cuộc thi Sáng tạo trẻ. Đây là cuộc thi thường niên nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo trong sinh viên, thu hút hàng trăm sinh viên đến từ các trường đại học khối kỹ thuật.
Sản phẩm nhóm Đạt mang đến cuộc thi là “Awake Drive – Công nghệ giám sát và duy trì độ tỉnh táo của người lái xe” đã lọt tới top 5 chung cuộc. Trước đó, sản phẩm này giành giải nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo sinh viên do Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2023.
Đạt cho biết có ý tưởng tạo ra Awake Drive trước khi trở thành sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong một lần xem chương trình trên tivi về thực trạng lái xe đường dài thường xuyên buồn ngủ, phải dùng nước tăng lực, cà phê, thậm chí ma túy để tỉnh táo, Đạt đã muốn ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thực trạng này.
Mở rộng tìm kiếm thông tin, Đạt thấy thống kê của WHO từ năm 2019, rằng mỗi năm có khoảng 1,35 triệu người thiệt mạng và hàng chục triệu người bị thương do tai nạn giao thông, trong đó khoảng 10-15% liên quan đến thiếu ngủ.
Thị trường đã có một số sản phẩm cảnh báo tài xế ngủ gật nhưng chủ yếu sử dụng camera và hầu hết chỉ cảnh báo khi dấu hiệu buồn ngủ đã rõ rệt như ngáp, mắt lờ đờ, đầu gập về phía trước hoặc ngửa ra sau.
Đạt cho rằng việc cảnh báo khi có các dấu hiệu này là chậm, thậm chí tín hiệu cảnh báo phát ra bất ngờ có thể khiến giật mình, dẫn đến nguy hiểm. Chưa kể, các thiết bị hiện có trên thị trường không có chức năng giúp người lái xe tỉnh táo trở lại. Tài xế phải sử dụng các đồ uống và chất kích thích gây hại cho sức khỏe.
Vì vậy, chàng trai càng quyết tâm tạo ra sản phẩm giúp tài xế vượt qua cơn buồn ngủ khi tham gia giao thông.
Từng tìm hiểu về công nghệ sóng não và cho rằng có thể áp dụng công nghệ này, khi vào học Bách khoa, Đạt chia sẻ ý tưởng với TS Trịnh Văn Chiến, Trưởng Phòng thí nghiệm Mạng máy tính và Công nghệ truyền thông thế hệ mới.
Với sự hỗ trợ của thầy Chiến, Đạt thành lập nhóm vào hơn một năm trước và bắt đầu nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Hiện, nhóm có 9 thành viên, trong đó 8 thành viên học năm thứ hai và ba của Đại học Bách khoa Hà Nội, một sinh viên năm thứ ba trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Giải thích về công nghệ sóng não, Đạt chia sẻ khi suy nghĩ, sóng điện não được sinh ra và thiết bị sẽ đo lại, phân tích chúng. Nếu tỉnh táo, suy nghĩ sẽ nhanh và tần số sóng não nhanh. Ngược lại, khi đang buồn ngủ, suy nghĩ sẽ chậm và tần số sóng não cũng sẽ chậm.
Dựa vào cơ sở đó, nhóm tạo ra sản phầm gồm thiết bị đeo tai đo sóng não và phần mềm Awake Drive trên điện thoại. Khi người dùng đeo thiết bị, dữ liệu về sóng não được gửi đến điện thoại bằng Bluetooth. Phần mềm sử dụng thuật toán học máy nhanh, nhẹ cùng một số thuật toán khác để phân tích, xác định độ tỉnh táo của người lái xe.
Nhóm Đạt áp dụng hiện tượng cuốn hút sóng não (brainwave entrainment), để phần mềm phát nhịp Isochronic với tần số của loại sóng não nhanh, thông qua hệ thống loa trên xe hoặc trên điện thoại, giúp cuốn hút não bộ hoạt động nhanh hơn, khiến người dùng tỉnh táo trở lại.
Kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy độ chính xác của sản phẩm hiện ở mức 92%. Nhóm chưa phát hiện tác dụng phụ nào nếu dùng trong một thời gian nhất định.
Đạt cho biết sản phẩm ứng dụng công nghệ AI, IoT và sóng não. Suốt quá trình nghiên cứu và phát triển, nhóm gặp nhiều khó khăn bởi khi bắt đầu, các em chỉ là sinh viên năm thứ nhất, kiến thức chưa đầy đủ trong khi các công đoạn nghiên cứu “khá nặng”.
“Ý tưởng có nhưng làm sao để sản phẩm hoạt động ổn định, đo đạc dữ liệu chuẩn thì chúng em phải tìm hiểu sâu và mất rất nhiều thời gian”, Đạt nói.
TS Trịnh Văn Chiến, giảng viên hướng dẫn nhóm, chia sẻ dù khó khăn nhưng các sinh viên rất nhiệt huyết. Khi mới bắt đầu, thiếu nhiều kiến thức về phần cứng hay AI, nhóm chịu khó tìm hiểu qua Internet và thư viện trường, theo định hướng của giảng viên.
“Nhờ vốn tiếng Anh tốt, các bạn có thể tự tìm hiểu. Với những phần kiến thức khó về AI hay xử lý tín hiệu số, các bạn luôn trao đổi ngay với giảng viên hướng dẫn và bất kỳ thầy cô nào ở Bách khoa”, thầy Chiến nói.
Võ Thị Quỳnh Anh, sinh viên năm ba ngành Kinh doanh quốc tế của Đại học Kinh tế Quốc dân, tham gia nhóm cách đây vài tháng vì thấy tiềm năng và ý nghĩa của sản phẩm. Phụ trách việc khảo sát thị trường, phát triển hình ảnh, đề xuất hướng phát triển dựa trên nhu cầu của người dùng, Quỳnh Anh cho biết cũng gặp gian nan.
“Các bạn học các lớp khác nhau, khối lượng học tập ở trường rất nặng nên khó sắp xếp thời gian làm việc chung. Bọn em thường xuyên phải họp từ 22h tới 1-2h sáng hôm sau”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Dù vậy, Quỳnh Anh mừng vì các thành viên rất nghiêm túc với sản phẩm, mong muốn đến đầu năm 2025 có thể lập doanh nghiệp, tiến tới đưa sản phẩm ra thị trường.
Trước mắt, nhóm mong muốn nhận được sự định hướng hoặc đầu tư từ các chuyên gia, doanh nghiệp, thông qua cuộc thi.
Theo Đạt, nhóm tiếp tục cải tiến sản phẩm nhằm tạo ra thiết bị đeo tai dễ chịu, thoải mái hơn. Với phần mềm, nhóm sẽ thu thập thêm dữ liệu để đạt độ chính xác cao hơn, hướng tới tính cá nhân hóa. Đồng thời, nhóm cố gắng đưa ra mức giá hợp lý, cạnh tranh được với các sản phẩm cảnh báo ngủ gật đang có trên thị trường.
Tương lai xa, Đạt cho biết sẽ nghiên cứu ứng dụng sản phẩm công nghệ này vào việc cải thiện hiệu suất học tập và làm việc bằng cách nâng cao sự tập trung của người dùng, và đưa vào lĩnh vực y tế.
“Chúng em đang nghĩ đến việc áp dụng sản phẩm trong việc chẩn đoán chứng tự kỷ để tìm cách can thiệp sớm”, Đạt thông tin.