Đó là bữa ăn của sinh viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội – cơ sở đào tạo lớn nhất nhì đất nước cả về quy mô đào tạo lẫn vị thế trong khối giáo dục đại học.
Một số sinh viên của trường đang tham gia khoá đào tạo giáo dục an ninh quốc phòng cho biết, suất cơm của các em cho dù phải đóng với mức giá 35.000 đồng/suất (không nhiều nhưng cũng không phải là ít) song không phải là sản phẩm của sự nâng niu trân trọng đúng mức mà có biểu hiện không biết dùng khái niệm gì ngoài hình ảnh “cơm thừa, canh cặn”, rồi cả những dị vật trong đó.
Nếu không nhờ sự thẳng thắn phản ánh của một số sinh viên thì câu chuyện này đã có lẽ bị “chìm xuồng” và không có gì bảo đảm không tiếp tục tái diễn.
Tôi đã từng nhiều lần chia sẻ bữa ăn cơm sinh viên Bách khoa tại Nhà ăn A15, nơi xảy ra vụ việc vừa rồi và đang tạm đóng cửa. Dẫu vẫn biết thế nào là “cơm sinh viên” nhưng tôi không bao giờ nghĩ câu chuyện như vậy lại có thể xảy ra ở nơi này.
Bữa ăn không cốt ở sự sang hèn của thực phẩm mà cốt ở cái tâm của người phục vụ. Ảnh minh hoạ. |
Bởi vậy cảm giác trong tôi ngạc nhiên đến phẫn nộ tới mức khó phân biệt rạch ròi đâu là sắc thái ngạc nhiên, đâu là sắc thái phẫn nộ. Tôi tin rằng, những ai chứng kiến những câu chuyện tương tự đều có thể chia sẻ tâm trạng đó.
Bởi mọi bữa ăn, suất ăn dù ở bất cứ đâu một quán cơm bụi ven đường khoả lấp cái đói cho đến những bữa ăn sạch sẽ, thơm tho trong các cao lâu, nhà hàng sang trọng đều thể hiện cao nhất sự tôn trọng phẩm cách của đối tượng mà bữa ăn sẽ mang đến. Bữa ăn có thể có nhiều cung bậc thực phẩm, thực đơn có thể nhiều ít gạch đầu dòng nhưng tâm thế người phục vụ nếu còn có điều đó, thì chỉ có một. Đó là sự trân trọng đối tượng phục vụ của người làm hàng, cung cấp dịch vụ và nếu có điều gì to tát hơn cần nói ở đây thì đó là trách nhiệm với cộng đồng.
Phải chăng những câu chuyện không ít nhói lòng từ bữa ăn của trẻ ở các điểm trường vùng cao đến bữa ăn của các cô cậu sinh viên ngay giữa thủ đô, ngay tại một cơ sở đào tạo uy tín bậc nhất cả nước vừa được nhắc đến ở trên đã gióng lên lời cảnh báo về trách nhiệm của một bộ phận trong chúng ta đang coi thường cộng đồng.
Tính chất của vụ việc vừa rồi đã khiến cả lãnh đạo Chính phủ phải vào cuộc. Công văn số 7385/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Thành Long về việc xử lý thông tin báo chí nêu sự việc sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội phải ăn “cơm thừa canh cặn” và có “dị vật” trong suất ăn.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo, quản lý, kiểm tra việc thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, bảo đảm chất lượng, an toàn, không để tái diễn trường hợp tương tự
Rất hoan nghênh quan điểm xử lý và trách nhiệm của những người trong cuộc. Tinh thần xử lý của Ban giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội là trực tiếp chịu trách nhiệm, công khai và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân liên quan bảo đảm quyền lợi của người học.
Một bữa ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm đã là điều không ai muốn. Nhưng một bữa ăn như vừa xảy ra thì không phải chỉ là chuyện không ai muốn mà cho thấy những bất cập trong giám sát với những sinh hoạt, công việc trên địa bàn mình.
Và cũng cần làm dứt khoát liệu có ở hay không ở đây việc “nhà trường đang truy tìm sinh viên tung thông tin phản ánh để xử lý” (?).
Rất muốn khép lại câu chuyện ở đây để bữa ăn đúng là bữa ăn. Ngay cả với bữa ăn của học sinh sinh viên dù ở không gian vùng miền nào cũng hoàn toàn có quyền đòi hỏi điều đó.
Nguồn: https://congthuong.vn/khi-bua-an-khong-chi-la-bua-an-351964.html