Người phụ nữ 60 tuổi, sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (IVF) tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, được cho là trường hợp hy hữu.
Ngày 13/6, PGS.TS Vũ Văn Tâm, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, cho biết, với phụ nữ ngoài 50 tuổi, khả năng có con tự nhiên là rất khó và rất ít trường hợp còn trứng. Do đó, việc thụ tinh ống nghiệm cũng khó khăn. Phụ nữ mang thai và sinh đẻ khi đã lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường cao hơn bình thường. Em bé cũng gặp nhiều rủi ro.
Trường hợp này, vợ chồng có hai con (một trai, một gái) nhưng người con trai không may bị tai nạn qua đời năm 20 tuổi. Sau biến cố, vợ chồng bà ước mong sinh thêm con nhưng tuổi tác ngày một cao, không thể thụ thai tự nhiên.
Năm 2022, khi bà 59, chồng 62 tuổi, cả hai đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng làm kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (IVF). Các bác sĩ đánh giá thụ thai ở tuổi này sẽ có nhiều nguy cơ cho cả mẹ và con, may mắn ở lần chuyển phôi thứ hai, bà đậu thai.
Đầu tháng 6, bà chuyển dạ, sinh mổ, bé gái nặng 3,1 kg chào đời khỏe mạnh.
Tại Việt Nam, hầu hết phụ nữ mang thai ngoài 50 tuổi đều nhờ can thiệp hỗ trợ sinh sản. Trường hợp lớn tuổi nhất là sản phụ 61 tuổi, ở Hà Nội, mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm từ trứng của người hiến tặng và tinh trùng người chồng, bé gái chào đời năm 2018 nặng 2,6 kg. Một sản phụ khác, 60 tuổi, ở Bắc Giang, sinh con lần ba, cũng nhờ thụ tinh ống nghiệm. Một phụ nữ sinh con trai ở tuổi 58 sau khi mãn kinh được hai năm, phải xin noãn của người khác để thụ tinh trong ống nghiệm.
Người phụ nữ Ấn Độ sinh đôi ở tuổi 74, là người cao tuổi nhất thế giới sinh con.
Thúy Quỳnh