Внедрение местных культурных ценностей в продукцию OCOP

Việt NamViệt Nam06/02/2025


Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị; khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Sản phẩm miến dong Phia Đén mang đậm hương vị núi rừng nhưng lại có sự mới mẻ, sáng tạo về mẫu mã, quy cách đóng gói, góp phần nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Sản phẩm miến dong Phja Đén với mẫu mã, đóng gói đầy sáng tạo, góp phần nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp

Phát huy lợi thế sản phẩm nông nghiệp chủ lực sẵn có ở địa phương, huyện Nguyên Bình chú trọng phát triển sản phẩm theo Chương trình OCOP, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển. Đến nay, Nguyên Bình có 12 sản phẩm tiêu biểu đạt OCOP 3 sao, 4 sao như: Hồng trà, Trà ô long, lê xanh, mật ong, chiếu trúc, miến dong... đã đi vào đời sống, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đặc biệt trong những năm qua, nhờ sự phát triển của du lịch và công nghệ nên các sản phẩm OCOP của Nguyên Bình thâm nhập thị trường trong nước và quốc tế ngày một sâu rộng. Trong đó, câu chuyện miến dong Nguyên Bình vào Nam, ra nước ngoài bây giờ không còn là mơ ước nữa.

Toàn xã Thành Công có trên 100 ha trồng dong riềng phân bố đều trên tất cả các xóm, có trên 50 hộ sản xuất miến dong tập trung nhiều ở xóm Phja Đén, Pù Vài, Bản Phường. Để tiếp tục phát triển trồng dong và sản xuất miến năm 2023 xã đã đề nghị thành lập Làng nghề truyền thống miến dong Phja Đén có 39 hộ tham gia, hiện nay đã được UBND tỉnh công nhận. Sản phẩm đã tạo được nét riêng cho vùng đất Thành Công, đầu ra khá thuận lợi, làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Những năm qua, cơ sở sản xuất miến dong Minh Đào, xóm Pù Vài, xã Thành Công (Nguyên Bình) luôn chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với phát triển vùng nguyên liệu và tiêu thụ dong riềng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Với ưu điểm 100% nguyên liệu từ bột củ dong riềng, không có chất phụ gia hay chất tạo màu, sợi miến dong Minh Đào dai giòn khi nấu, không bị nát, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Đặc biệt, năm 2022, sản phẩm của Cơ sở đã được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chấm, đánh giá đạt 3 sao. Trung bình Cơ sở sản xuất khoảng 1,5 tạ miến/ngày, giá bán dao động từ 85 - 90 nghìn đồng/kg. Hằng năm, Cơ sở xuất bán ra thị trường khoảng 15 tấn miến dong, tiêu thụ hơn 100 tấn củ dong cho người dân trong xã. Hiện, sản phẩm miến dong Minh Đào được bán ở trong tỉnh và thị trường các tỉnh: Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Nẵng... thông qua sự quảng bá, giới thiệu của những người con xa quê.

Theo ông Du Văn Xíu, Chủ HTX chế biến miến dong Phja Đén Minh Đào: Miến dong đã đồng hành, là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon và trở thành một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực khu vực miền núi. Do đó, khi tỉnh triển khai chương trình, tôi luôn ấp ủ mong muốn phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ để nghề làm miến đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ đó, tạo động lực gìn giữ, phát huy nét độc đáo, tinh hoa trong sinh hoạt và ẩm thực của người dân.

Chủ tịch UBND xã Thành Công Trần Thị Phương cho biết: Việc được công nhận là làng nghề truyền thống miến dong Phja Đén đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập theo hướng gia tăng giá trị nông sản, đồng thời, quảng bá nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc Cao Bằng. Thời gian tới, xã tiếp tục duy trì diện tích trồng dong, khuyến khích nhân dân thực hiện trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, xây dựng mã vùng trồng; hỗ trợ các đơn vị sản xuất, gia công máy móc xưởng cơ khí nông nghiệp trên địa bàn xã nghiên cứu và sản xuất máy xát, lọc bột và ép miến tự động để giảm lao động thủ công và đáp ứng nhu cầu chế biến bột nhanh trong mùa thu hoạch.

Khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất chế biến miến; kết hợp chặt chẽ giữa quy trình sản xuất miến dong cổ truyền và công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm vừa truyền thống nhưng phải tinh xảo, vừa hiện đại mang tính thương mại. Xây dựng gian hàng quảng bá và bán sản phẩm miến dong tại khu du lịch Phja Oắc - Phja Đén nhằm giới thiệu sản phẩm và bán sản phẩm miến dong cho du khách, đồng thời hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh, HTX tham gia giới thiệu sản phẩm miến dong tại các hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh.

Sản phẩm mang đặc trưng của vùng miền

Quảng Hòa cũng là một trong những địa phương tích cực triển khai Chương trình OCOP đến các xã, thị trấn. Từ năm 2020 đến nay, huyện Quảng Hòa có 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, với 7 chủ thể HTX, 5 chủ thể tổ hợp tác, 6 chủ thể cơ sở sản xuất kinh doanh. Các sản phẩm được công nhận OCOP là những nông sản đặc trưng, sản phẩm làng nghề tiêu biểu: Chè Đoỏng Pán; chè Lũng Sâu; dao Phúc Sen Hà Khiêm; miến dong Cai Bộ; bún gạo trắng quê hương; đường phên Bó Tờ; ổi Quảng Hưng; nón lá "chúp xà" Hoàng Diệu; củ cải sấy Phúc Sen; rau dạ hiến Quốc Toản; thạch đen Thu Ngân…

Việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống góp phần quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường.
Việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống góp phần quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường.

Từ bao đời nay, người Nùng An ở Hoàng Diệu, xã Tự Do đã nức tiếng gần xa với nghề đan nón lá. Những người lớn tuổi nhất làng cũng không biết rõ nghề đan nón có từ bao giờ, chỉ nhớ được thế hệ trước chỉ dạy rồi duy trì đến ngày nay. Xóm Hoàng Diệu hiện nay chỉ còn 39/113 hộ làm nón. Việc sản xuất hoàn toàn thủ công, không phát thải, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Với mỗi sản phẩm nón lá đã thể hiện được truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa của sản phẩm trong suốt chiều dài thời gian. Theo đó, những tác động của sản phẩm đến cộng đồng không chỉ dừng lại ở sự hữu hình như tạo việc làm, nâng cao thu nhập mà còn là sự chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường

Tuy đan nón không phải là nghề đem lại thu nhập cao, nhưng đây lại là một nghề có giá trị văn hóa, giúp lưu giữ nét đẹp truyền thống nên cần được quan tâm đầu tư, bảo tồn. Năm 2023, huyện Quảng Hòa đã phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và chính quyền địa phương tổ chức thẩm định và được UBND tỉnh công nhận làng nghề nông thôn cấp tỉnh. Để quảng bá sản phẩm từ nghề đan nón, xã đã trưng bày sản phẩm tại các lễ hội, hội chợ OCOP trên địa bàn và ngoài tỉnh, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội; trưng bày và giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Từ món ăn dân dã của quê hương, thạch đen của huyện Thạch An đã trở thành đặc sản du khách yêu thích. Các sản phẩm từ thạch đen được sản xuất và đóng gói theo quy trình hiện đại. Hiện nay, huyện có nhiều cơ sở sản xuất thạch đen chất lượng, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Một số sản phẩm thạch đen của các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Cơ sở sản xuất thạch đen Lê Thùy, xóm Chang Khuyên, thị trấn Đông Khê là một trong những cơ sở sản xuất thạch đen tiêu biểu tại huyện Thạch An. Năm 2020, thạch đen Lê Thùy đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, đạt “Thương hiệu vàng Nông nghiệp năm 2022” của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Trung bình mỗi năm, cơ sở bán ra thị trường hơn 10 tấn thạch đen thành phẩm. Cơ sở đã chú trọng tới việc đầu tư máy móc hiện đại kết hợp với phương pháp sản xuất thủ công truyền thống để cho ra sản phẩm đảm bảo chất lượng. Mẫu mã, bao bì sản phẩm cũng được đầu tư. Hiện nay, sản phẩm thạch đen Lê Thùy hiện có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như: Hà Nội, Bắc Kạn, Thái Nguyên...

Là huyện vùng cao biên giới, Bảo Lạc có thế mạnh với nhiều cây trồng đặc hữu, trong đó lúa nếp hương bản địa nổi tiếng là thơm, ngon. Nhiều người kể lại rằng, giống nếp này đã có ở đây từ rất lâu, từ đời ông đời cha của những người lớn tuổi trong bản làng đã thấy có.

Với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai phù hợp, huyện đã nhân rộng 170 ha lúa nếp hương tại các xã: Xuân Trường, Phan Thanh, Khánh Xuân, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Gạo nếp hương Bảo Lạc khác biệt bởi mùi thơm đặc trưng hòa quyện từ chất đất, nguồn nước, cộng với khí hậu đặc trưng của nơi đây nên lúa săn, chắc, phảng phất sự thơm nồng từ khi còn là hạt thóc trên những đồng ruộng. Giống lúa nếp làm ra thứ gạo nếp hương chỉ nghe đến tên, ai cũng tưởng tượng ra hương thơm đặc trưng của nó mà chẳng loại nếp nào của các địa phương khác có đ­ược. Hiện nếp hương Bảo Lạc đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Thực hiện chủ trương phát triển sản phẩm hàng hóa theo Chương trình OCOP, Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm đã tạo được kênh tiêu thụ sản phẩm gạo nếp hương trên thị trường, đưa sản phẩm vào tiêu thụ một số siêu thị, đại lý, cửa hàng tại một số địa phương trong tỉnh.

Để đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng gắn với bảo tồn các nét văn hóa, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực lựa chọn, hỗ trợ người dân khai thác, phát triển sản phẩm có thế mạnh, trở thành “sứ giả” góp phần quảng bá văn hóa của từng vùng. Có thể thấy, những tác động đến cộng đồng khi thực hiện chương trình OCOP không chỉ dừng lại ở sự hữu hình như tạo việc làm, nâng cao thu nhập mà còn là sự chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng, người tiêu dùng trên thị trường thông qua từng sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống đã và đang được các cấp, ngành quan tâm sẽ là nền tảng quan trọng để địa phương xác định hướng đi đúng đắn, thiết thực, mang lại lợi ích nhiều mặt góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và làm thay đổi diện mạo nông thôn mới.

An Minh



Nguồn: https://baocaobang.vn/mang-gia-tri-van-hoa-dia-phuong-vao-san-pham-ocop-3175294.html

Comment (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Фигура

Тет во сне: Улыбки в «деревне металлолома»
Хошимин с высоты птичьего полета
Прекрасное изображение поля хризантем в сезон сбора урожая
Молодые люди выстраивались в очередь с 6:30 утра и ждали 7 часов, чтобы сфотографироваться в старинном кафе.

No videos available