Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ghi nhận một tháng qua số lượng bệnh nhân đến khám do rối loạn giấc ngủ tăng hơn 30% so với các tháng trước, chủ yếu tuổi từ 30, đang đi làm hoặc đã nghỉ hưu.
Ngày 28/1, ThS.BS Hoàng Châu Bảo Đính, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, cho biết như trên, thêm rằng tình hình này diễn ra giống thời điểm này hàng năm. “Số lượng bệnh nhân đến khám do mất ngủ nói riêng và rối loạn giấc ngủ nói chung tăng cao cuối năm do thời tiết thay đổi thất thường, áp lực công việc, tiệc tùng gây bệnh hoặc làm trở nặng các bệnh nền có sẵn”, bác sĩ Đính nói.
Thời điểm giao mùa tạo điều kiện cho virus, khuẩn khuẩn phát triển làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Ngoài ra, áp lực công việc khiến nhiều người thường bị căng thẳng, rối loạn lo âu vào cuối năm dẫn đến mất ngủ.
Theo bác sĩ Đính, mất ngủ và rối loạn giấc ngủ không chỉ khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm sút, sức khỏe thể chất và tinh thần suy kiệt, mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, trầm cảm, tăng huyết áp và đột quỵ.
Đơn cử, anh Long, 41 tuổi, đến Bệnh viện Tâm Anh TP HCM khám vì gần đây thường xuyên mất ngủ. Áp lực công việc “chạy KPI” cuối năm nhiều nên anh thường đi ngủ muộn hơn, khoảng sau 24 giờ, giấc ngủ không yên, hay giật mình và khó vào giấc trở lại. Kết quả đo đa ký giấc ngủ cho thấy anh mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Bác sĩ Bảo Đính chẩn đoán anh Long rối loạn giấc ngủ, suy nhược cơ thể, căng thẳng thần kinh. Bệnh viêm mũi xoang của anh cũng trở nặng do thời tiết cuối năm thay đổi. Anh còn mắc hội chứng béo phì giảm thông khí làm cho đường thở bị thu hẹp, tắc nghẽn khi ngủ, dẫn tới thiếu máu và oxy lên não.
Còn ông Hà, 60 tuổi, buồn ngủ dữ dội vào ban ngày gần nửa tháng qua. Ông luôn cảm giác người như bị mất sức, mệt mỏi. Kết quả đo đa ký giấc ngủ ghi nhận ông mắc bệnh ngủ rũ loại một. Bệnh khởi phát nặng hơn vào dịp cuối năm nhiều áp lực, nghỉ ngơi thiếu điều độ.
Ngủ rũ là tình trạng rối loạn não và hệ thần kinh, tác động đến chức năng ngủ, thức của cơ thể. Nguyên nhân do protein hypocretin suy giảm xuống mức thấp. Người bệnh buồn ngủ dữ dội vào ban ngày, tới mức không thể kiểm soát được.
Bác sĩ Đính cho biết để điều trị bệnh mất ngủ và rối loạn giấc ngủ, cần phải chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ khám lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh, thói quen, đánh giá chuyên sâu cho người bệnh bằng nhiều kỹ thuật, xét nghiệm, chụp chiếu khác nhau.
Đo đa ký giấc ngủ là phương pháp hiện đại, giúp chẩn đoán các bệnh lý thần kinh và hô hấp gây rối loạn giấc ngủ như chứng ngưng thở khi ngủ, ngủ rũ, hội chứng chân không yên, chuyển động chi có chu kỳ, mộng du, co giật… Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị cho phù hợp và hiệu quả cho người bệnh.
Tùy thuộc từng nguyên nhân và mức độ mất ngủ mà người bệnh được điều trị theo phác đồ đa mô thức, cá thể hóa. Bác sĩ có thể phối hợp nhiều phương pháp như sử dụng thuốc, tập vận động chức năng, hoạt động trị liệu, phẫu thuật điều trị thần kinh để nâng cao hiệu quả điều trị.
Bác sĩ Bảo Đính khuyến cáo người có biểu hiện rối loạn giấc ngủ như khó đi vào giấc ngủ, không thể ngủ, thức dậy nhiều lần trong đêm, thức giấc sớm, ngủ không sâu giấc, co giật trong lúc ngủ… nên đi khám tại chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tránh tình trạng tự ý dùng thuốc ngủ có thể khiến bệnh trở nặng, càng khó điều trị.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |