Tính toán "kịch bản" thích ứng mức thuế mới từ thị trường Mỹ
Liên quan đến câu chuyện mức thuế đối ứng được Mỹ đưa ra những ngày gần đây, dù chưa được áp dụng chính thức, nhưng cũng tạo nên những mối quan tâm lớn từ phía các doanh nghiệp. Dưới góc nhìn của mình, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO), tại Khu công nghiệp Mỹ Tho phân tích, việc Mỹ đưa ra mức thuế đối ứng đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam với mức thuế tương đối cao, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ, do thị trường Mỹ chiếm khoảng 30% cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Trên thực tế vừa qua cho thấy, GODACO xuất khẩu sang Mỹ không đáng kể do thị trường chính của công ty là châu Âu và các nước châu Á. Công ty cũng không chọn Mỹ làm thị trường chính nên việc áp mức thuế đối ứng của Mỹ không ảnh hưởng lớn đến GODACO. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, dù không ảnh hưởng trực tiếp nhưng với việc áp thuế đối ứng của Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng gián tiếp. Bởi khi tình huống này xảy ra, khách hàng sẽ tìm kiếm thị trường mới, dẫn đến ảnh hưởng đến cung cầu trong dài hạn; chưa kể thị trường tiền tệ, lao động, chế biến, vận chuyển đều có thể bị ảnh hưởng.
Dây chuyền sản xuất của GODACO. |
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội quý I, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2025 vào sáng 8-4, liên quan đến việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh yêu cầu Sở Công thương chủ trì phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh có cuộc họp với các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Sở Công thương theo dõi sát tình hình, nắm thông tin, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bị tác động, đề xuất giải pháp để UBND tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp. |
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam hiện nay, với mức thuế đối ứng được đưa ra, dự báo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy mỗi doanh nghiệp cần phải có những nhận định về các yếu tố bất định của thị trường, không chỉ là Mỹ. Cách tốt nhất của mỗi doanh nghiệp là nên đa dạng sản phẩm, thị trường, hạ thấp tối đa chi phí sản xuất có thể để tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm. Bởi có thể hôm nay Mỹ áp thuế đối ứng, biết đâu sắp tới có thị trường khác lại đưa ra rào cản mới liên quan thuế quan, thương mại, kỹ thuật… Các yếu tố này có thể bủa vây doanh nghiệp xuất khẩu.
Chính vì thế, doanh nghiệp cần xác định tâm thế chuẩn bị thích ứng với các rào cản này. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chuẩn bị các nguồn lực, trong đó có cả khai thác yếu tố thị trường tiêu thụ nội địa với khoảng 100 triệu dân. “Điểm mới nhất là trong sáng nay việc áp dụng mức thuế đối ứng của Mỹ được gia hạn thêm 90 ngày. Đây cũng là thời gian quan trọng, với nỗ lực của Chính phủ, việc đàm phán về mức thuế đối ứng này hứa hẹn mang lại những hiệu quả tích cực”- ông Đạo phân tích thêm.
Nhìn nhận trên bình diện tổng thể hơn về các yếu tố tác động đến tình hình xuất khẩu nói chung, sang thị trường Mỹ nói riêng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho rằng, qua tham khảo, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang nhận thấy có 2 yếu tố lớn tác động đến các mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Một là yếu tố trong nước. Trong đó, nổi bật thứ nhất là chính sách, pháp luật của nhà nước liên quan đến thuế, tiền thuê đất, thủ tục hành chính, chính sách hỗ trợ về vốn, xúc tiến thương mại… Gần đây, Chính phủ đã thấy được tình hình này nên đã áp dụng chính sách giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất. Liên quan đến mức thuế do Mỹ đưa ra, Chính phủ cũng đã cử đoàn sang đàm phán với Chính phủ Mỹ về áp thuế đối ứng. Thứ hai là năng lực sản xuất của doanh nghiệp có liên quan đến lao động, công nghệ, chất lượng hàng hóa, thương hiệu. Thứ ba là vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông, điện, nước, kho bãi, logistics. Thứ tư là tỷ giá. Thứ năm là chi phí sản xuất.
Như vậy, trong nước có 5 yếu tố tác động đến doanh nghiệp. Căn cứ vào các yếu tố này, có những nội dung thuộc về chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ; có những nội dung thuộc về chính quyền địa phương. Do đó, trong bối cảnh khó khăn này, mỗi sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao cần hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp. Căn cứ vào yếu tố tác động trong nước, các sở, ngành hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Mỗi doanh nghiệp cần "cân chỉnh" lại thị trường xuất khẩu. |
Cũng theo đồng chí Lưu Văn Phi, trên bình diện quốc tế, có các yếu tố chính tác động đến doanh nghiệp. Một là nhu cầu thị trường. Do đó, trong trung và dài hạn phải khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường. Chẳng hạn, vừa qua thị trường có kim ngạch xuất khẩu 3.000 tỷ USD, nhưng doanh nghiệp của chúng ta vào rất hạn chế. Đó là thị trường Halal và các nước vùng Vịnh. Do đó, trong thời gian sắp tới, tỉnh cần phải tăng cường xúc tiến thương mại để tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối với các Hiệp hội doanh nghiệp của các nước, từ đó lên kế hoạch dài hạn. Bởi nếu chúng ta không tổ chức đoàn đi, mà một mình doanh nghiệp tự làm thì rất khó. Thứ hai là rào cản thương mại. Yếu tố này cần sự hỗ trợ từ Trung ương chứ địa phương không thực hiện được, do liên quan đến quan hệ thương mại giữa 2 nước.
Mặt khác, doanh nghiệp phải tự “nâng cấp”. Yêu cầu các nước đặt ra như vậy thì doanh nghiệp phải làm sao sản xuất đảm bảo tiêu chí của nước nhập khẩu. Nhà nước không thể nào làm thay doanh nghiệp. Thứ ba là các hiệp định thương mại tự do nước ta đã ký kết với các nước. Các doanh nghiệp và địa phương phải tối ưu hóa lợi thế của các hiệp định này. Về phía Sở Công thương tỉnh Tiền Giang sẽ phối hợp với Bộ Công thương, các cơ quan đại diện nước thông tin kịp thời các chính sách của các nước và các rào cản kỹ thuật theo từng thời gian áp dụng. Cuối cùng là sự biến động về chính trị và môi trường ở các nước.
“Sở Công thương tỉnh Tiền Giang sẽ phối hợp với Bộ Công thương để thông tin kịp thời và có dự báo để các doanh nghiệp có tính toán trong sản xuất cũng như chiến lược xuất khẩu phù hợp. Hơn ai hết, các doanh nghiệp phải tự thay đổi để đi dần vào chất lượng, chứ không nên chạy theo số lượng” - đồng chí Lưu Văn Phi cho biết thêm.
Thật ra, nếu phân tích kỹ, việc Mỹ đưa ra mức thuế đối ứng đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam được xem là dấu mốc quan trọng. Dù theo dự báo với mức thuế đối ứng do Mỹ đưa ra khi áp dụng chính thức sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để doanh nghiệp “cân chỉnh” lại thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững hơn.
A.T - T.A
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202504/can-chinh-thi-truong-xuat-khau-1039387/
Bình luận (0)