Sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, hôm nay ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về dự án Luật Nhà giáo. Đây là sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ Nhà giáo và Ngành Giáo dục – những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng là dự án luật điều chỉnh về đối tượng liên quan đến nhiều luật chuyên ngành. Phạm vi điều chỉnh của dự án luật khá rộng, liên quan đến số đông viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm tới 2/3 tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.
Tại thảo luận sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm 8 vấn đề được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Trong quá trình thảo luận, đoàn Chủ tịch sẽ mời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu ý kiến làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Nhìn nhận thấu đáo vấn đề dạy thêm, học thêm
Nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo, đại biểu Chamaléa Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng, điều này nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Góp ý về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo tại khoản 1 Điều 7, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa bao hàm hết các hoạt động của nhà giáo. Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo cần xem xét trên tổng thể quá trình hoạt động của một nhà giáo bao gồm quá trình giảng dạy, hướng dẫn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng và giá trị đạo đức cho người học. Ngoài ra còn bao hàm cả quá trình công tác với đồng nghiệp, tham gia các hoạt động quản lý của một nhà giáo… Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo đề nghị xem xét, điều chỉnh lại nội dung tại khoản 1 Điều 7.
Về những việc mà nhà giáo không được làm, tại điểm c khoản 2 Điều 11 có quy định về việc không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Theo đại biểu, quy định này là cần thiết, tuy nhiên, nội dung này cũng đã được quy định tại khoản 5 Điều 22 của Luật Giáo dục, đó là ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy cho rằng, cần nhìn nhận một cách thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định sao cho thật cụ thể và phù hợp. Bởi trong thực tế việc dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và của học sinh, nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu càng được gia đình đầu tư học tập và nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản chúng ở lớp học. Và nhu cầu tìm đến các thầy cô giáo giỏi để được học thêm là luôn có thật. Do đó, đại biểu nhận thấy, nếu như cho rằng việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề học thêm thì vẫn còn chủ quan và chưa thật sự phù hợp với thực tế cuộc sống.
Về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, đại biểu thống nhất với chủ trương là “cần phải xem giáo dục là quốc sách” trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Vì vậy, việc chăm lo về chế độ chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác giáo dục cần phải được chú trọng.
Tuy nhiên, để thực hiện được chế độ, chính sách được đề ra tại dự thảo Luật và dự thảo Nghị định quy định 9 nội dung chính sách tiền lương, phụ cấp hỗ trợ thu hút đối với nhà giáo, đại biểu cho rằng, cần phải căn cứ vào Luật Ngân sách có đảm bảo thực hiện được hay không, phải có đánh giá tác động chính sách thật kỹ. Đồng thời chính sách nếu có ưu tiên hơn thì cũng nên đặt trong mối tương quan hài hòa với các đội ngũ trí thức, lực lượng lao động khác của xã hội, những người cùng hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Đỗ Huy Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đồng thuận với những nội dung đưa ra trong dự án Luật nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đề cập về việc học thêm – dạy thêm, đại biểu cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các cơ quan để đưa ra quy định cụ thể cũng như cơ chế quản lý đối với về vấn đề này…
Theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, thực chất việc học thêm là một nhu cầu cần thiết của xã hội. Tuy nhiên, dư luận xã hội hiện nay đang có hai luồng dư luận: Một là cấm, hai là quản lý. Nhiều công nhân tăng ca buổi chiều không đón con được nên rất muốn gửi con của họ cho thầy cô giáo mang về nhà để quản lý và đến tận tối mới đón con về. Do đó, trong dự án Luật cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm – học thêm.
Cân nhắc quy định về bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo
Phát biểu tại phiên họp, nhiều đại biểu cũng quan tâm tới các quy định về chế độ, chính sách cho nhà giáo, nhằm thu hút được các nhà giáo có trình độ vào các vị trí phù hợp.
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tán thành cao với sự cần thiết ban hành Luật Nhà Giáo. Góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu cho biết, điểm a khoản 5 Điều 21 về bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo quy định, trường hợp điều động nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập, nếu chế độ, chính sách ở vị trí công tác cũ cao hơn chế độ, chính sách ở vị trí công tác mới thì được bảo lưu các chế độ, chính sách của vị trí công tác cũ trong thời hạn tối đa là 36 tháng.
Đại biểu đề nghị cân nhắc việc bảo lưu chế độ, chính sách của vị trí công tác cũ trong thời hạn tối đa 36 tháng, vì cần phải tương đồng với chính sách về cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, nhà giáo đã có nhiều chính sách ưu đãi theo dự thảo Luật hiện nay. Đại biểu đề nghị bảo lưu chế độ, chính sách trong thời hạn 6 tháng hoặc hơn, nhưng không phải là tối đa 36 tháng.
Bên cạnh đó, một số quy định về bảo lưu chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện hành được quy định bằng Nghị định của Chính phủ. Do đó, để phù hợp, đảm bảo tính thống nhất trong các quy định, đảm bảo không luật hóa các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, ngành, đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị nghiên cứu, rà soát các quy định trong dự thảo luật. Nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì giao Chính phủ quy định, không đưa các nội dung không thuộc thẩm quyền của Quốc hội vào luật.
Về chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, đại biểu tán thành cao với việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp. Đại biểu đề nghị việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Tranh luận với đại biểu Dương Khắc Mai, đại biểu Đỗ Huy Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, tại điểm b khoản 5 Điều 21 về điều động nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, trường học điều động nhà giáo từ các cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục, được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong thời gian tối đa là 12 tháng.
Dự thảo ban đầu là 36 tháng sau đó giảm xuống 12 tháng, tuy nhiên đại biểu mong muốn những trường hợp này được giữ nguyên phụ cấp thâm niên nhà giáo. Bởi chúng ta đang thực hiện việc thu hút nhân tài, khi thu hút nhân tài, điều động những người này về cơ quan chuyên môn để làm việc, đó là những cán bộ quản lý, là những giáo viên rất giỏi đang công tác ở các trường. Khi ở dưới trường, chưa có vị trí việc tương xứng với vị trí đó thì cần bảo vệ, để thu hút nhân lực về làm.
Đại biểu phân tích thêm, phụ cấp khi một cán bộ quản lý hoặc một giáo viên về công tác tại phòng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc là phòng giáo dục, chỉ được hưởng phụ cấp chức vụ là 25% trong khi đó sẽ bị mất phụ cấp đứng lớp từ 30 đến 35% và người ta sẽ mất phụ cấp thâm niên. Đại biểu đề nghị cân nhắc thêm quan điểm này.
Phát biểu góp ý tại Phiên họp, đại biểu Châu Quỳnh Dao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, hiện nay nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực nhà giáo có rất nhiều nguyên nhân (có thể là do chế độ đãi ngộ, cơ chế tuyển dụng…). Do đó, đại biểu rất tán thành với quy định tại Điều 16 của dự thảo Luật Nhà giáo khi đã quy định rất rõ người tốt nghiệp ngành đào tạo giáo viên theo chế độ cử tuyển hoặc theo đặt hàng giữa địa phương với cơ sở đào tạo thì được ưu tiên, tuyển dụng đặc cách.
Đặc biệt, để tạo nguồn giáo viên thật sự có chất lượng, đại biểu đề nghị bổ sung thêm chính sách thu hút các đối tượng là học sinh giỏi quốc gia, quốc tế vào ngành sư phạm bằng cách cho phép tuyển thẳng vào các trường sư phạm.
Liên quan đến vấn đề về tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo, đại biểu cho biết, theo kết quả một nghiên cứu thực tế về đời sống nhà giáo vùng Nam bộ cho thấy, thu nhập nhà giáo chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hàng tháng. Đây là nhóm không có nghề tay trái; còn nhóm có nghề tay trái cũng chỉ đạt 62,55%. Do vậy, đại biểu thống nhất với quy định về việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-nha-giao-383378.html