Kinhtedothi – Bộ GD&ĐT đang chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.
Sáng 20/11, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Nhà giáo. Tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần có cơ chế bảo vệ nhà giáo, đồng thời quy định cụ thể về việc dạy thêm, học thêm…
Nhiều giáo viên còn né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An), trong Dự thảo Luật cần có quy định bảo vệ nhà giáo để họ an tâm công tác, cống hiến hiệu quả trong giảng dạy. Điều này cũng góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường và những yếu tố khác…
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng, nhà giáo cần được bảo đảm môi trường an toàn trong hoạt động nghề nghiệp. Bên cạnh những quy định của Dự thảo Luật về quyền nhà giáo được thể hiện trong hoạt động nghề nghiệp. Tại báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự thảo Luật phân tích các quy định hiện hành, mới chỉ đề cập đến việc cấm nhà giáo thực hiện mà chưa có những quy định về việc các cá nhân, cơ quan, tổ chức ngoài nhà trường không được làm đối với giáo viên.
Đồng thời, báo cáo cũng thiếu các quy định về bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp; thiếu các chính sách để xây dựng môi trường làm việc an toàn để nhà giáo an tâm công tác cống hiến và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả. Qua đó, tránh những can thiệp tiêu cực, thậm chí là xúc phạm nhà giáo trong các hoạt động nghề nghiệp như một số vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây.
Điều này dẫn đến thực trạng nhiều giáo viên né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh, hạn chế trao đổi thông tin đối với gia đình và học sinh; làm gia tăng tình trạng lệch chuẩn trong nhà trường, gia tăng bạo lực học đường, gia tăng và phát sinh những căn bệnh xã hội đối với tuổi học trò.
Do đó, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng, cần bổ sung những quy định về quyền nhà giáo trước những tác động của cá nhân, tổ chức, cơ quan trong và ngoài nhà trường. Đối với nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, cần khuyến khích việc áp dụng kỷ luật tích cực trong nhà trường và có những quy định cụ thể từ phía ngành, sự ủng hộ của gia đình và phụ huynh cũng như là của xã hội.
Chung quan điểm này, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) cho biết, hiện còn thiếu quy định cụ thể về mối quan hệ giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Hệ thống pháp luật chưa có quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong mối quan hệ này.
“Giáo viên hiện nay đôi khi gặp khó khăn trong việc thực hiện biện pháp kỷ luật đối với học sinh. Nhiều giáo viên còn cảm thấy học sinh và phụ huynh học sinh đang có quá nhiều quyền, trong khi quyền của giáo viên chỉ mang tính hình thức” – đại biểu đoàn tỉnh Bắc Giang nêu.
Theo đại biểu, từ thực trạng đó khiến khi cần thực hiện các biện pháp nghiêm khắc, giáo viên còn lo ngại về phản ứng tiêu cực từ dư luận xã hội, thậm chí là tố cáo, khiếu kiện từ phía gia đình học sinh. Do vậy, một số giáo viên có xu hướng làm việc không tích cực, không phát huy hết năng lực, trí tuệ và tâm huyết…
Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị, bổ sung thêm các chính sách nhằm tạo lập môi trường giáo dục dân chủ, kỷ cương để các nhà giáo phát huy đầy đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ và tâm huyết với nghề. Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể cần được thiết lập và bổ sung các quy định cụ thể hơn, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cần cơ chế quản lý về việc dạy thêm – học thêm
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đề cập về việc học thêm – dạy thêm. Đại biểu cho rằng Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các cơ quan để đưa ra quy định cụ thể cũng như cơ chế quản lý đối với về vấn đề này…
Theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, thực chất việc học thêm là một nhu cầu cần thiết của xã hội, tuy nhiên, hiện nay đang có hai luồng dư luận: một là cấm, hai là quản lý.
Đại biểu nêu thực tế, nhiều công nhân tăng ca buổi chiều không đón con được nên rất muốn gửi con của họ cho thầy cô giáo mang về nhà để quản lý và đến tận tối mới đón con về. Do đó, trong Dự thảo Luật cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm – học thêm.
Còn đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) nêu quan điểm, cần nhìn nhận một cách thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định sao cho thật cụ thể và phù hợp. Bởi trong thực tế việc dạy thêm là nhu cầu có thật của học sinh – nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, gia đình muốn đầu tư học tập và nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản tại trường.
Do đó, đại biểu nhận thấy, nếu như cho rằng việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề học thêm là vẫn còn chủ quan và chưa thật sự phù hợp với thực tế cuộc sống.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, liên quan đến việc dạy thêm của nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ GD&ĐT đang chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ nghiên cứu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và tại hội trường để tiếp thu tối đa; đồng thời khẳng định, việc phát triển đội ngũ nhà giáo mới là lí do chính yếu để xây dựng Dự thảo Luật Nhà giáo.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/bo-truong-bo-gddt-bo-chi-cam-hanh-vi-day-them-vi-pham-dao-duc.html