Việt Nam và Ai Cập là hai dân tộc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, có chung khát vọng tự do, độc lập và là biểu tượng kiên cường, bất khuất trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Cách đây 60 năm, ngày 1/9/1963, Ai Cập là một trong những quốc gia đầu tiên ở Trung Đông-châu Phi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trải qua 60 năm gắn bó, quan hệ giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển.
Ngược dòng lịch sử, có thể thấy, mối quan hệ Việt Nam-Ai Cập không chỉ tính bằng 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (1963-2023). Trên thực tế, mối quan hệ này dã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng từ rất lâu. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Ai Cập 3 lần. Đó là vào tháng 6/1911, khi Người đặt chân lên mảnh đất Ai Cập lần đầu tiên và tận mắt chứng kiến cuộc sống gian khó của người dân thuộc địa ở châu Phi. Sau đó 35 năm, khi trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người có dịp trở lại Ai Cập (tháng 6/1946) trên đường đi dự Hội nghị Fontainebleau tại Pháp. Sau khi kết thúc hội nghị, lúc trở về, Người lại chọn ghé qua Ai Cập vào tháng 9/1946.
Cũng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã mở Văn phòng Thương mại đầu tiên của Việt Nam tại Ai Cập (năm 1958). Người cũng đã dành tình yêu đặc biệt đối với Ai Cập và được người dân Ai Cập yêu mến, ngưỡng mộ, gọi bằng hai chữ thân thương “Bác Hồ”. Hai nhà lãnh đạo của hai nước, Tổng thống Gamal Abdel Nasser và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã kết nối với nhau bằng mối quan hệ tình bạn thắm thiết, đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị Việt Nam-Ai Cập phát triển tốt đẹp cho đến ngày nay.
Trên chặng đường thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1963 cho đến nay, mối quan hệ Việt Nam-Ai Cập có rất nhiều dấu ấn. Nhân dân, chính quyền và các nhà lãnh đạo Ai Cập đều dành cho Việt Nam những tình cảm tốt đẹp, với sự quan tâm, ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.
Trên nền tảng đó, mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Ai Cập được đánh dấu bằng các cuộc trao đổi đoàn, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc tại các sự kiện, diễn đàn quốc tế mà cả hai nước cùng tham gia. Các chuyến thăm này đã góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm chính trị, kinh tế, quân sự, nghị viện và văn hóa. Đáng chú ý gần đây là chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi tới Việt Nam (tháng 9/2017) và chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ai Cập của Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 8/2018). Mới đây nhất, vào tháng 7/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có chuyến thăm chính thức Ai Cập. Chuyến thăm này đã góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hóa và giao lưu nhân dân.
Đánh giá về chuyến thăm này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhận định chuyến thăm Ai Cập của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang là một hoạt động rất thiết thực kỷ niệm 60 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và tin cậy của Việt Nam với Ai Cập, một đối tác hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Đồng thời chuyến thăm cũng tạo một động lực mạnh mẽ, thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Ai Cập.
Trong chuyến thăm này, hai bên đã nhất trí một loạt biện pháp quan trọng để góp phần tăng cường trao đổi hàng hóa giữa hai nước trong thời gian tới. Ai Cập là một thị trường với hơn 100 triệu dân và hai nước phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều từ khoảng 600 triệu USD năm 2022 lên mức 1 tỷ USD trong thời gian tới.
Hai nước cũng nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhau, thúc đẩy hợp tác về sản phẩm Halah, cũng như thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Ai Cập trong thời gian tới, tổ chức cuộc họp lần thứ 6 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Ai Cập, đồng thời tăng cường hợp tác về tài chính-tiền tệ cũng như hợp tác địa phương.
Ngoài ra, Việt Nam và Ai Cập thường xuyên tổ chức các cuộc tham vấn chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước, qua đó hai bên chia sẻ quan điểm nhất quán về các vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời hợp tác chặt chẽ nhằm đạt được lợi ích chung. Hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Phi (AU)…/.
Linh Anh