Bức tranh toàn cảnh về tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu Nga xuất khẩu vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên, đã có thể rút ra một số kết luận quan trọng.
Để làm suy yếu đội tàu "hạm đội bóng tối" của Nga và ngăn chặn khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump nới lỏng lệnh trừng phạt, vào ngày 10/1/2025, chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden đã thắt chặt đáng kể các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga. (Ảnh minh họa - Nguồn: Scanpix) |
Mặc dù Nga là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, nhưng lĩnh vực xuất khẩu hydrocarbon của nước này gần đây đã hoạt động khá tốt. Năm 2024, doanh thu từ dầu khí của Moscow tăng 26%, đạt mức cao kỷ lục gần 11,1 nghìn tỷ Ruble.
Tuy nhiên, năm 2023, doanh thu từ dầu khí cho ngân sách Nga đã giảm 24% do giá dầu và xuất khẩu khí đốt giảm. Năm 2024, dầu và các sản phẩm từ dầu chiếm 1/4 doanh thu ngân sách liên bang của Nga, trong khi khí đốt đóng góp thêm 5%.
Ngân sách Nga chỉ tăng khi có thêm nguồn thu từ bán dầu khí vào năm 2022, khoảng 11,5 nghìn tỷ Ruble. Vào thời điểm đó, giá dầu tăng vọt do kỳ vọng của thị trường và chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine (tháng 2/2022). Trong nhiều tháng của năm này, giá dầu thô Urals của Nga đã ở mức trên 80 USD/thùng.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), vào tháng 1/2025, sản lượng dầu của Nga thậm chí còn tăng nhẹ so với tháng 12/2024, từ 9,12 lên 9,22 triệu thùng mỗi ngày. Ngoài ra, cũng trong tháng đầu tiên của năm nay, doanh thu từ xuất khẩu dầu và sản phẩm dầu của nước này đã tăng 900 triệu USD (90 tỷ Ruble) so với tháng trước đo, đạt 15,8 tỷ USD (1,6 nghìn tỷ Ruble). Khối lượng xuất khẩu dầu và sản phẩm dầu không thay đổi, nhưng giá trung bình mỗi thùng dầu đã vượt quá mức trần 60 USD/thùng.
Giá trần dầu không còn hiệu quả
Tất cả những điều này cho thấy, lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga, vốn là lệnh trừng phạt rộng rãi nhất tính đến đầu năm 2025, đã không còn ảnh hưởng đáng kể đến giá dầu hoặc doanh thu ngân sách từ dầu của nước này.
Mức giá trần đối với dầu của Nga được Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Australia đặt ra vào ngày 5/12/2022, trùng với thời điểm áp dụng lệnh cấm vận chuyển dầu bằng đường biển. Theo đó, các hãng vận tải phương Tây, công ty bảo hiểm… chỉ có thể vận chuyển, bảo hiểm dầu của Nga được bán cho các nước thứ ba nếu giá dầu được bán dưới 60 USD/thùng tại cảng bốc hàng.
Ban đầu, giá trần đã làm giảm đáng kể doanh thu từ dầu mỏ của Nga. Ví dụ, theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), trong năm đầu tiên áp dụng lệnh cấm vận và giá trần, Nga đã mất khoảng 23% thu nhập hằng tháng từ xuất khẩu dầu thô Ural.
Tuy nhiên, đến năm thứ hai, con số này đã giảm xuống còn 9%. Lý do được cho là các nhà xuất khẩu của Moscow bắt đầu sử dụng rộng rãi một đội tàu "bóng tối" để che giấu nguồn gốc hàng hóa, chẳng hạn như chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác trên biển, tắt Hệ thống nhận dạng tự động (AIS), cung cấp dữ liệu sai…
Để làm suy yếu đội tàu này của Nga và ngăn chặn khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump nới lỏng lệnh trừng phạt, vào ngày 10/1/2025, chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden đã thắt chặt đáng kể các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga.
Tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ
Các lệnh trừng phạt đã được áp dụng đối với một số đơn vị thuộc công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga, Rosneft (cụ thể là dự án Bắc Cực - Vostok Oil), chiếm khoảng 40% tổng sản lượng của cả nước, cũng như các tập đoàn Gazprom Neft, Surgutneftegas cùng các công ty con, hàng chục công ty kinh doanh dầu mỏ và bảo hiểm, và 184 tàu của đội tàu Nga, phần lớn là tàu chở dầu.
Chính quyền ông Biden cũng đưa ra các hạn chế mới đối với gần một trăm cá nhân trong danh sách trừng phạt trước đây. Hiện nay, rất có thể việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Moscow chưa có lợi cho Tổng thống Trump, vì ông muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ đã cam kết rằng nếu Nga không sẵn sàng đàm phán, danh sách trừng phạt sẽ tăng lên.
Các nhà xuất khẩu của xứ bạch dương có một thời gian gia hạn nhỏ: các tàu bị trừng phạt có thể dỡ dầu tại điểm đến cho tới ngày 27/2 và các giao dịch tài chính phải được hoàn tất trước ngày 12/3. Vì lý do này, bức tranh toàn cảnh về cách các lệnh trừng phạt của Mỹ tác động tới Nga vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, một số kết luận quan trọng đã có thể được rút ra.
Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ vẫn chưa gây ra sự tăng vọt giá dầu. Giá dầu thô Brent đã tăng từ 77 USD/thùng vào ngày trước thông báo trừng phạt của Mỹ (9/1) lên 82 USD/thùng vào ngày 15/1, nhưng đến đầu tháng 2, đã giảm xuống còn 74 USD/thùng.
Trong khi đó, giá của loại dầu chính của Nga, Urals, đã giảm xuống dưới mức trần 60 USD/thùng vào đầu tháng 2. Như vậy, mức chiết khấu đối với dầu của Nga đã tăng lên 15-16 USD/thùng - cao nhất kể từ tháng 5/2024. Trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, con số này này thường không vượt quá 2-3 USD/thùng.
Một tác động đáng kể khác của lệnh trừng phạt mới của Mỹ là việc dừng hoạt động một số tàu chở dầu. Cụ thể, khoảng 60% tàu chở dầu đang hoạt động (94 chiếc) được liệt kê vào ngày 10/1 trong danh sách đen của Mỹ đã ngừng hoạt động. Nhiều tàu trên thực tế được sử dụng làm kho chứa dầu.
Theo Bloomberg, từ ngày 2-9/2, Nga đã cố gắng đưa dầu lên 21 tàu, so với 29 tàu của tuần trước. Lượng dầu xuất khẩu đã giảm đáng kể, cả về số lượng (xuống còn 2,3 triệu thùng mỗi ngày, thấp hơn 25% so với tuần trước) và về doanh thu (xuống còn 990 triệu USD, thấp hơn 28% so với tuần trước), mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 12/2022.
Về mặt lý thuyết, Moscow có thể giảm xuất khẩu dầu thô và tăng khối lượng lọc dầu. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã công bố ý định tăng cường lọc dầu vào năm 2025. Tuy nhiên, điều này đang gặp vấn đề do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái liên tục từ Ukraine.
Theo ước tính của Reuters, từ tháng 1 đến đầu tháng 2/2025, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã phá hủy khoảng 10% công suất lọc dầu của Nga. Ngoài ra, khả năng lưu trữ dầu của Nga bị hạn chế và cũng đang bị tấn công.
Lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga, vốn là lệnh trừng phạt rộng rãi nhất tính đến đầu năm 2025, đã không còn ảnh hưởng đáng kể đến giá dầu hoặc doanh thu ngân sách từ dầu của nước này. (Nguồn: Getty Images) |
Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không mạo hiểm
Năm 2021, EU là khách hàng mua dầu và các sản phẩm dầu lớn nhất của Nga - chiếm gần một nửa lượng xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, do lệnh cấm vận dầu và các sản phẩm dầu của Nga bằng đường biển, lượng mua của khối đã giảm mạnh vào năm 2024.
Trong giai đoạn 2023-2024, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước mua dầu và các sản phẩm dầu lớn nhất của Nga, chiếm khoảng 70% lượng xuất khẩu của xứ bạch dương. Các nước này, được cho là đồng minh của Moscow, đã cứu xuất khẩu dầu Nga khỏi sụp đổ sau lệnh cấm vận của EU.
Tuy nhiên, các quốc gia này chưa sẵn sàng để “chơi” với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố rằng sẽ không cho phép các tàu chở dầu bị trừng phạt vào cảng của mình sau ngày 27/2. Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng thận trọng về các tàu chở dầu bị trừng phạt.
Theo ước tính hiện tại, quốc gia Nam Á thiếu khoảng 14% trong kế hoạch nhập khẩu dầu trong tháng 3. Các đối tác của nước này vẫn hy vọng đảm bảo nguồn cung dầu giá rẻ của Nga.
Đáng chú ý, trước xung đột Ukraine, New Delhi chỉ mua một vài phần trăm dầu nhập khẩu từ Nga, nhưng vào năm 2024, con số này đã tăng lên khoảng một phần ba. Và việc quay lại mua dầu Trung Đông đắt hơn là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu và ngân hàng Ấn Độ phải tính đến các lệnh trừng phạt của Mỹ, vì họ sử dụng thị trường tài chính phương Tây.
Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc cũng đang cắt giảm lượng dầu thô mua từ Nga, thậm chí còn nhanh hơn cả Ấn Độ. Dự kiến vào tháng 2, lượng dầu thô nhập khẩu từ xứ bạch dương của quốc gia Đông Bắc Á sẽ giảm xuống còn 500.000 thùng mỗi ngày, so với mức trung bình 1,05 triệu thùng mỗi ngày trong ba tháng trước đó. Trung Quốc đang thay thế nguồn cung cấp của Nga bằng hàng từ Angola và Brazil.
Tham vọng của Nga ở Bắc Cực đang bị đe dọa
Đặc biệt bị ảnh hưởng có thể là các dự án dầu mỏ ở Bắc Cực của Nga. Toàn bộ sản lượng của các dự án tại đây hiện đang được xuất khẩu. Ít nhất 15 tàu chịu lệnh trừng phạt của Mỹ đang vận chuyển dầu Bắc Cực.
Ngoài ra, các chuyến hàng từ cảng Bắc Cực và Sakhalin đòi hỏi tàu chở dầu chuyên dụng có khả năng hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt. Việc tìm kiếm tàu thay thế cho những tàu bị trừng phạt sẽ vô cùng khó khăn.
Cũng nằm trong diện trừng phạt là dự án chủ lực của Rosneft, Vostok Oil, được coi là một trong những dự án hydrocarbon triển vọng nhất ở Bắc Cực của Nga. Theo kế hoạch, Vostok Oil bắt đầu sản xuất vào năm 2024, ban đầu là 30 triệu tấn mỗi năm, tăng lên 100 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030, tương đương khoảng 1/5 sản lượng dầu hiện tại của Nga.
Tuy nhiên, dự án này đã chịu ảnh hưởng đáng kể từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, bao gồm cả các lệnh trừng phạt về công nghệ, và việc đưa vào vận hành giai đoạn đầu tiên đã bị hoãn lại từ năm 2024 đến năm 2026.
Khả năng tránh hoặc đưa mức xuất khẩu giảm về thấp nhất có thể từ tháng 3/2025 của Nga phụ thuộc vào việc liệu họ có thể xây dựng lại các chương trình cung cấp mới trước tháng 3 hay không: các nhà xuất khẩu, công ty bảo hiểm và tàu chở dầu không nằm trong danh sách đen của Mỹ phải có cách để thực hiện thanh toán. Tất nhiên, nhiều bên tham gia vào các chuỗi này vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt. Hơn nữa, những người chơi mới trên thị trường đang được đăng ký vội vàng.
Doanh thu xuất khẩu dầu Nga phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có tiếp tục mở rộng danh sách trừng phạt với tốc độ như đã làm vào tháng 1 hay không. Một câu hỏi khác là liệu châu Âu cuối cùng có quyết định hạ giá trần dầu để gây thêm áp lực lên doanh thu ngân sách của Moscow hay không.
Hai ngày sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ được công bố, 6 nước EU (Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Latvia, Lithuania và Estonia) đã kêu gọi Ủy ban châu Âu hạ giá trần đối với dầu của Nga để giảm thu nhập của Điện Kremlin. Theo ước tính của CREA, mức giá trần 30 USD/thùng sẽ làm giảm 23% doanh thu xuất khẩu dầu của Moscow trong tháng 1.
Theo thời gian, Nga sẽ tìm cách thích nghi với lệnh “trừng phạt chia tay” nhiệm kỳ của chính quyền ông Biden, mặc dù rất có khả năng Moscow sẽ phải giảm sản lượng dầu trong tương lai gần. Tuy nhiên, nếu các nước phương Tây tiếp tục thắt chặt lệnh trừng phạt, việc thích nghi sẽ ngày càng tốn kém hơn đối với xứ bạch dương.
Nguồn: https://baoquocte.vn/xuat-khau-dau-nga-sau-lenh-trung-phat-chia-tay-nhiem-ky-cua-ong-biden-tong-thong-trump-se-nuong-tay-hay-siet-them-moscow-trong-cay-dong-minh-304964.html
Bình luận (0)