Nhiều thương hiệu lớn vẫn ‘lưu luyến’ thị trường Nga, Tổng thống Trump muốn TikTok ở Mỹ, thêm quốc gia cấm DeepSeek Trung Quốc

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế20/02/2025

Nhiều thương hiệu lớn sẽ quay trở lại thị trường Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng vẫn có thể đạt được thỏa thuận về TikTok, Hàn Quốc đình chỉ DeepSeek, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ủng hộ việc nới lỏng "phanh nợ"… là những tin kinh tế thế giới nổi bật.


Kinh tế thế giới: Nhiều thương hiệu lớn vẫn ‘lưu luyến’ thị trường Nga, Tổng thống Trump muốn TikTok ở Mỹ, thêm quốc gia cấm DeepSeek Trung Quốc
Khoảng 350 thương hiệu nước ngoài, trong số hơn 560 thương hiệu đã rút khỏi Nga sau xung đột Ukraine (tháng 2/2022), có thể quay trở lại vào năm 2025. (Nguồn: EPA)

Kinh tế Mỹ

* Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố rằng có thể kéo dài thời gian trì hoãn 75 ngày thi hành lệnh cấm đối với ứng dụng video ngắn phổ biến TikTok. Nhưng ông cho rằng điều đó là không cần thiết. Ông Trump bày tỏ hy vọng vẫn có thể đạt được thỏa thuận về TikTok để duy trì ứng dụng này hoạt động tại Mỹ.

Cho biết có rất nhiều người quan tâm đến việc mua lại công ty truyền thông xã hội này, nói rằng hình ảnh của nó đã thay đổi kể từ cuộc bầu cử năm 2024, nhà lãnh đạo Mỹ nhận thấy ứng dụng này công bằng và hữu ích trong việc thu hút cử tri trẻ tuổi.

Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ niềm tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đồng ý phê duyệt việc bán TikTok cho một bên mua lại ở Mỹ vì điều đó cũng sẽ có lợi cho Trung Quốc.

* Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã thông báo ý định áp thuế đối với ô tô nhập khẩu, bổ sung vào làn sóng đánh thuế nhập khẩu sâu rộng của ông.

Ông Trump cho biết đã lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu ô tô vào "khoảng ngày 2/4" tới. Trước đó, ngày 12/2, nhà lãnh đạo này công bố lộ trình áp dụng thuế quan "có đi có lại" đối với mọi quốc gia đang áp thuế lên hàng hóa Mỹ.

Kinh tế Trung Quốc

* Ngày 19/2, Trung Quốc đã công bố kế hoạch hành động nhằm ổn định vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2025. Kế hoạch đã được Quốc vụ viện thông qua trong cuộc họp gần đây.

Theo kế hoạch, Bắc Kinh sẽ cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng các khoản vay trong nước để đầu tư vốn chủ sở hữu, đồng thời định hướng dòng vốn nước ngoài đổ vào lĩnh vực dịch vụ. Năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc giảm 27,1% so với năm 2023.

* Viện Kiểm sát tối cao Trung Quốc cam kết tăng cường bảo vệ doanh nghiệp tư nhân khỏi điều tra trái phép, trấn an giới kinh doanh trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Cơ quan này sẽ chấn chỉnh các hành vi lạm dụng pháp luật như khởi tố, bắt giữ và tịch thu tài sản bất hợp pháp.

Các công tố viên sẽ tập trung giải quyết các vụ án tồn đọng liên quan đến doanh nghiệp. Năm 2024, hơn 2.390 vụ án hình sự liên quan doanh nghiệp tư nhân đã bị đình chỉ.

Tòa án Nhân dân Tối cao cũng cảnh báo về việc bôi nhọ doanh nghiệp, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ uy tín doanh nghiệp và khuyến khích đổi mới. Những động thái này diễn ra trong bối cảnh niềm tin kinh doanh tại Trung Quốc đang suy giảm.

Kinh tế châu Âu

* Thâm hụt thương mại của Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024, tạo thêm động lực cho Tổng thống Donald Trump trong việc chuẩn bị áp thuế đối với khối này vì không mua đủ hàng hóa của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê của EU (Eurostat), EU đã nhập khẩu 333,3 tỷ Euro (348 tỷ USD) hàng hóa từ Mỹ trong năm 2024, trong khi Mỹ mua 531,6 tỷ Euro hàng hóa từ châu Âu. Điều đó khiến EU có thặng dư thương mại hàng hóa gần 200 tỷ Euro với Mỹ. Con số này tăng hơn 25% so với mức 156,6 tỷ Euro của năm 2023 và cao hơn nhiều so với mức kỷ lục trước đó là 166,9 tỷ Euro được thiết lập vào năm 2021.

* Các nhà phân tích Nga dự đoán khoảng 350 thương hiệu nước ngoài, trong số hơn 560 thương hiệu đã rút khỏi Nga sau xung đột Ukraine (tháng 2/2022), có thể quay trở lại vào năm 2025. Kokoc Group cho biết, 235 công ty đã quay lại thị trường Nga vào quý IV/2024.

Các chuyên gia tin rằng những thương hiệu lớn như Toyota sẽ dễ dàng khôi phục doanh số. Các cuộc đàm phán về sự trở lại của nhiều thương hiệu, bao gồm Inditex và UNIQLO, đang được tiến hành.

Giới truyền thông cũng đồn đoán về sự quay lại của các "ông lớn" như PepsiCo, Coca-Cola, Apple, và thậm chí cả Ford và Visa. Tuy nhiên, một số quan chức Nga cho rằng, việc quay lại sẽ không dễ dàng do sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất nội địa và đề xuất tăng thuế đối với hàng nhập khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

* Ngày 14/2 Hội đồng quản trị Ngân hàng trung ương Nga đã quyết định duy trì lãi suất chủ chốt ở mức 21%/năm do cho rằng áp lực lạm phát hiện tại vẫn ở mức cao. Theo ngân hàng này, mức tăng nhu cầu trong nước vẫn cao hơn đáng kể so với khả năng mở rộng nguồn cung hàng hóa và dịch vụ.

Trong khi đó, hoạt động tín dụng hạ nhiệt rõ rệt hơn và xu hướng tiết kiệm của người dân đang tăng lên. Theo Ngân hàng trung ương Nga, việc thắt chặt các điều kiện tiền tệ hiện nay tạo điều kiện tiên quyết cần thiết để lập lại quá trình giảm phát và đưa lạm phát trở lại mức năm 2026.

* Ngày 19/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng bác bỏ yêu cầu của Mỹ đòi 500 tỷ USD khoáng sản từ nước này, đồng thời đề nghị Washington xem xét lại thỏa thuận khoáng sản.

Trước đó cùng ngày, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Tổng thống Ukraine cho rằng, đề xuất của Mỹ về một thoả thuận khoáng sản quan trọng là thiếu công bằng vì thoả thuận này không bao gồm các đảm bảo an ninh, và ông không muốn Ukraine trở thành trung tâm của các nguyên liệu thô.

* Thủ tướng Đức Olaf Scholz ủng hộ việc nới lỏng "phanh nợ" - quy định hiến pháp giới hạn nợ công - để tăng chi tiêu quốc phòng.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich 2025, ông Scholz cho rằng, việc chi 2% GDP cho quốc phòng là bất khả thi nếu không thay đổi quy định này. Ông Scholz phản đối việc tăng thuế hoặc cắt giảm đầu tư trong nước để bù đắp chi tiêu quốc phòng.

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Theo dữ liệu công bố ngày 19/2, xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng trong tháng thứ tư liên tiếp, cho thấy nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ và mối lo ngại ngày càng tăng về chính sách thuế quan của Mỹ đã hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế của nước này.

Báo cáo thương mại theo sau dữ liệu GDP đầu tuần này cho thấy nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý IV/2024. Điều này củng cố khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục tăng lãi suất.

Theo dữ liệu, tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 1/2025 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo trung bình của thị trường là tăng 7,9%.

* Vào ngày 18/2, lãi suất tại Nhật Bản đã đạt mức cao nhất trong khoảng 15 năm, do lạm phát gia tăng làm dấy lên kỳ vọng về đợt tăng lãi suất tiếp theo từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm mới phát hành tăng 0,045 điểm phần trăm từ ngày 17/2 lên 1,43% lần đầu tiên kể từ tháng 11/2009. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm đạt mức 1% vào ngày 18/2 lần đầu tiên kể từ tháng 10/2008.

Lãi suất tăng do triển vọng lạm phát cao. Tỷ lệ lạm phát hòa vốn kỳ hạn 10 năm, thước đo kỳ vọng lạm phát của các nhà đầu tư, đã tăng lên mức 1,6%. Mới đây nhất là vào năm 2020, tỷ lệ này vẫn ở mức âm.

* Ủy ban Bảo vệ Thông tin cá nhân Hàn Quốc ngày 17/2 cho biết, dịch vụ của DeepSeek đã bị đình chỉ từ 18h ngày 15/2 và sẽ khôi phục sau khi thực hiện các biện pháp "cải thiện và khắc phục" theo luật bảo vệ thông tin cá nhân của Hàn Quốc.

Quyết định này được đưa ra sau khi nhiều bộ và cơ quan chính phủ chặn quyền truy cập nội bộ vào dịch vụ AI do lo ngại về hoạt động quản lý dữ liệu của công ty khởi nghiệp này. Tháng trước, ủy ban trên đã gửi yêu cầu chính thức tới DeepSeek để làm rõ về phương thức thu thập và quản lý dữ liệu của dịch vụ.

Trước đó, các công ty lớn của Nhật Bản, bao gồm Toyota, Mitsubishi và SoftBank, đã cấm nhân viên sử dụng mô hình AI tạo sinh DeepSeek của Trung Quốc.

* Các nguồn tin thị trường Hàn Quốc ngày 17/2 cho hay, nhu cầu vàng tăng đột biến đã làm tăng “phí bảo hiểm kim chi” đối với giá tài sản trú ẩn an toàn, đẩy khoảng cách giữa giá vàng tại Hàn Quốc và thị trường quốc tế lên hơn 20%.

Trong khi thuật ngữ “phí bảo hiểm kim chi” chủ yếu được sử dụng gần đây để chỉ khoảng cách giá giữa các loại tiền điện tử, thì hiện nay ngay cả vàng cũng trở thành đối tượng của hiện tượng trên vì những nhà đầu tư trong nước đổ xô vào tài sản này để phòng ngừa nỗi lo về chiến tranh thương mại và bất ổn địa chính trị.

Cơn sốt mua vàng được thúc đẩy bởi những bất ổn kinh tế liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ. Ngày 14/2, khối lượng giao dịch vàng giao ngay hàng ngày trên Thị trường vàng KRX đã tăng vọt lên 135,1 tỷ won (93,7 triệu USD), mức lớn nhất kể từ khi thị trường này ra mắt vào năm 2014.

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Bộ trưởng Dầu mỏ và khí tự nhiên Ấn Độ Hardeep Singh Puri mới đây thông báo, nước này sẽ khởi động dự án thí điểm sản xuất điện từ sóng biển đầu tiên tại Mumbai, do Tập đoàn Dầu khí Bharat thực hiện.

Sáng kiến năng lượng sạch này tận dụng tiềm năng chưa khai thác ước tính khoảng 40.000 MW dọc theo đường bờ biển dài gần 11.100 km của Ấn Độ.

Phương pháp sản xuất điện khá mới mẻ này sử dụng ụ nổi di chuyển lên xuống theo sóng biển. Lực từ chuyển động của ụ nổi được truyền lên trạm chuyển đổi đặt trên bờ thông qua cánh tay đòn. Sau đó, trạm này sẽ biến lực vừa nhận thành lực nén lên dòng chất lỏng trong hệ thống. Áp suất chất lỏng này khiến máy phát quay và từ đó tạo ra điện.

* Chính phủ Indonesia sắp ban hành chính sách ưu đãi xe máy điện nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và phát triển xanh.

Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết, dự thảo chính sách đã hoàn thiện, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện thân thiện môi trường.

Năm 2024, sản lượng xe máy điện của Indonesia đạt 6,91 triệu chiếc, doanh số đạt 6,33 triệu chiếc. Xuất khẩu xe máy nguyên chiếc (CBU) đạt 572.000 chiếc và xuất khẩu linh kiện toàn phần (CKD) đạt 46.000 chiếc. Chính phủ Indonesia cũng đang đẩy mạnh chính sách tối ưu hóa sản xuất linh kiện trong nước để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nội địa, tạo việc làm cho người dân.

* Các nhà kinh tế Malaysia nhận định, việc kiểm soát lạm phát sẽ là mối quan tâm chính của các nhà hoạch định chính sách nếu tỷ lệ thất nghiệp của Malaysia tiếp tục giảm.

Tiến sĩ Goh Lim Thye, giảng viên Khoa Kinh tế tại đại học Malaya, Malaysia chia sẻ, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp thấp có lợi, song chính phủ cần phải cân bằng giữa áp lực lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên năng suất lao động.

Trước đó, Cục Thống kê Malaysia ngày 10/2 đã công bố báo cáo cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 12/2024 là 3,1%, mức thấp nhất trong gần 10 năm trở lại đây.



Nguồn: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-nhieu-thuong-hieu-lon-van-luu-luyen-thi-truong-nga-tong-thong-trump-muon-tiktok-o-my-them-quoc-gia-cam-deepseek-trung-quoc-304945.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Bộ phim gây chấn động thế giới công bố lịch chiếu tại Việt Nam
Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam

No videos available