Năm 2023 là một năm đầy khó khăn với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực. Tính chung cả năm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước ta tăng 5,05% so với năm 2022. Đây là thành quả của sự nỗ lực của tất cả các cấp, ngành, từ Trung ương đến địa phương, trong đó ngành ngoại giao có những đóng góp quan trọng.
Ngoại giao kinh tế đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh minh họa: TTXVN
Đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội
Trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm năm mới 2024, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: “Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thu hút FDI tăng 14,8% (số liệu cập nhật 11 tháng năm 2023), tiếp cận nhiều nguồn vốn mới có chất lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn”.
Để có kết quả trên, theo Bộ Trưởng Bùi Thanh Sơn, năm 2023, thực hiện chủ trương “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm”, bám sát tư duy mới về ngoại giao kinh tế theo tinh thần Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ, công tác ngoại giao kinh tế đã triển khai đồng bộ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Trước hết, các ngoại giao kinh tế được triển khai rộng khắp trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, gắn kết chặt chẽ với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và các lĩnh vực khác của ngoại giao; trong đó, hợp tác kinh tế luôn là nội dung trọng tâm trong nội hàm của các mối quan hệ, nhất là quan hệ với các đối tác quan trọng.
Mặt khác, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “Việc chúng ta nâng cấp quan hệ với các nước trong năm qua đã tạo đột phá trong hợp tác kinh tế với các nước này, mở ra nhiều cơ hội cho địa phương và doanh nghiệp Việt Nam. Hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các liên kết kinh tế quốc tế đã chủ động, tích cực và hiệu quả hơn”.
Bên cạnh thực hiện hiệu quả các FTA đã ký, năm 2023, chúng ta đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Israel và đang tích cực đàm phán FTA với các đối tác khác; ký trên 70 văn kiện hợp tác của các bộ, ngành và gần 100 thỏa thuận hợp tác của các địa phương và hàng trăm thỏa thuận của các doanh nghiệp…
6 nhiệm vụ chính trong năm “nguy nhiều hơn cơ”
Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, trong năm tới, nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro, bên cạnh cơ hội, thuận lợi, cũng có những thách thức và tác động không thuận.
Để vượt qua các thách thức đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh “công tác ngoại giao kinh tế tiếp tục tranh thủ tốt thế và lực mới của đất nước, cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ vừa được nâng tầm thành các chương trình, dự án hợp tác kinh tế thiết thực, hiệu quả, nhất là về mở rộng thị trường, tiếp cận các nguồn vốn mới cho phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, thu hút du lịch, xuất khẩu lao động có tay nghề…”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, ngành ngoại giao sẽ “cùng các ngành, các địa phương chủ động, tích cực tháo gỡ các vướng mắc trong hợp tác kinh tế với các đối tác, nhất là các đối tác quan trọng; Nâng cao hiệu quả hỗ trợ các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên tinh thần “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.
Trước đó, phát biểu tại phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá trong thời gian tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, nguy nhiều hơn cơ. Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao phải nỗ lực hơn, nâng cao tính chủ động trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề ra 6 nhiệm vụ chính cho ngành ngoại giao và các cơ quan liên quan trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế, gồm:
Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 21 của Chính phủ về công tác ngoại giao kinh tế trên cơ sở đổi mới về tư duy, tầm nhìn chiến lược, phương pháp luận và cách tiếp cận để thúc đẩy vai trò trung tâm của kinh tế.
Thứ hai, triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm, bám sát xu thế chung của thế giới kết hợp với tập trung tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, thúc đẩy hợp tác, cụ thể hóa các cam kết về kinh tế và rà soát quá trình triển khai các cam kết đã ký.
Thứ tư, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; tập trung khai thác tiềm năng của các thị trường Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ và thị trường Halal.
Thứ năm, phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp, liên kết với các ngành, địa phương theo tinh thần “lấy doanh nghiệp, địa phương làm trung tâm phục vụ”./.
Mai Hương