LeLeMan là cách mà con gái gọi mẹ – bà Lê Lệ Mẫn (62 tuổi), chủ một quán chay có thâm niên hơn chục năm trên đường Đinh Hòa (Q.8, TP.HCM).
Quán ăn toàn phụ nữ
Một buổi chiều giữa tuần, thứ ba, tôi ghé quán ăn của bà Lệ Mẫn. Hôm nay, quán bán bún riêu, đúng như thực đơn quen thuộc suốt bao năm qua. Dù không phải là ngày chay nhưng quán ăn vẫn đều đặn khách tới ủng hộ, hết lượt khách này tới lượt khách khác.
[CLIP]: Tiểu Nhu “review” món ăn của mẹ nhận về “mưa tim”.
Trong quán, em gái của bà Lệ Mẫn cũng vài người phụ việc làm liên tục để khách không phải chờ lâu. Mở bán từ 9 giờ sáng tới 18 giờ, thế nhưng có ngày, mới 16 giờ hơn, quán đã hết đồ ăn.
Bà chủ tâm sự quán ăn này được em dâu bà mở bán hơn 10 năm trước. Thời điểm đó, bà Mẫn làm nghề bán gia vị, nước chấm (tương, chao, sa tế, tương ớt…) tự làm. Em dâu bán được vài tháng thì nghỉ. Thấy vậy, bà Mẫn liền “kế thừa” quán, mở bán các món chay cho tới ngày hôm nay.
Thay vì bán một món, bà chủ cho biết mình bán mỗi ngày một món chay khác nhau để thay đổi khẩu vị của khách, khách tới ăn cũng không thấy nhàm chán, có thể ghé quán cả tuần.
Theo đó, thực đơn của quán đa dạng với món bánh canh hoặc bún chả giò (thứ hai); bún riêu – canh bún (thứ ba); mì hoành thánh (thứ tư); bún Thái (thứ năm); bún Huế (thứ sáu); phở (thứ bảy). Riêng vào ngày mùng 1 và 15 âm lịch hằng tháng, LeLeMan bán món cà ri và bì cuốn.
“Cà ri cũng là món được khách thích nhất ở quán tôi, nhưng các món khác khách cũng ủng hộ nhiều lắm. Những món này tôi tự nấu, tự tìm tòi, nghề dạy nghề chứ không học ai, nấu ở nhà người thân khen ngon nên mình nấu cho khách như vậy”, bà chủ cười, tâm sự.
Có một điều đặc biệt ở quán ăn này, chính là chủ quán và những người phụ bán đều là phụ nữ. Bà Mẫn tâm sự vào những ngày rằm hay mùng 1, khi quán đông khách, con trai bà phụ thu tiền. Còn những ngày bình thường, quán ăn… toàn chị em buôn bán.
Tự hào về con gái
Là một food reviewer được nhiều quan tâm trên mạng xã hội, thời gian gần đây chị Tiểu Nhu, là con gái LeLeMan làm nhiều clip kể những câu chuyện về quán ăn của mẹ và nhận được “mưa tim”. Cũng từ đây, công việc buôn bán của quán cũng đắt khách hơn.
“Con gái là niềm tự hào của tôi. Bé giỏi lắm, sống tình cảm, năng động và dễ thương. Nhờ có con mà mẹ cũng được nhiều người biết, khách tới ủng hộ”, LeLeMan bày tỏ.
Tiểu Nhu tâm sự, với chị, quán ăn chay của mẹ có một ý nghĩa đặc biệt, vì nhờ đó mà mẹ có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình cũng như nuôi hai chị em ăn học. Bản thân chị cũng hạnh phúc khi có thể giới thiệu các món ăn ngon do mẹ nấu đến nhiều người hơn.
Ở đây, mỗi món ăn có giá dao động từ 35.000 đồng. Riêng món hủ tiếu mì hoành thành bán vào thứ 4 có giá 40.000 đồng. Là khách quen gần 6 năm nay, anh Hùng Nguyễn (42 tuổi, ngụ Q.8) cho biết mức giá này là không cao.
Theo anh, các món ăn ở đây được nấu ngon, hợp khẩu vị như ăn ở nhà. Đó cũng là lý do mà tuần nào anh cũng ghé ăn 3 – 4 lần, nhất là anh không bỏ lỡ những ngày chay, khi quán bán món cà ri khoái khẩu.
“Tôi mê nhất món cà ri, nhưng mà chỉ ăn được có 2 ngày trong tháng thôi. Nhiều khi cũng muốn tuần nào cô cũng bán để được ăn. Nhưng đợi chờ là hạnh phúc mà, những món khác, món nào ăn cũng hợp vị”, anh hóm hỉnh chia sẻ.
Với LeLeMan, quán ăn chính là tâm huyết suốt bao năm qua gầy dựng, là “chén cơm” để bà chủ nuôi các con của mình. Niềm hạnh phúc mỗi ngày của bà là được nấu những món ăn ngon cho các thực khách của mình…