1. Bà chủ bán bánh mì 50 năm mua… 9 căn nhà Sài Gòn
Đó là tiệm bánh mì của gia đình bà Võ Thị Lành (79 tuổi), còn được khách gọi với cái tên thân thương là bánh mì dì Hai Lành (Tỉnh lộ 10, Q.Bình Tân, TP.HCM).
Gia đình bà có tổng cộng 10 anh chị em. Bà Hai Lành là chị lớn nhất trong nhà, sau bà là 9 người em (8 nữ, 1 nam). Cha mất sớm, từ hồi bà Là mới 3 tuổi, nên bà Hai Lành cùng mẹ là bà Tăng Thị Liền (mất năm 2018, thọ 92 tuổi) làm đủ thứ nghề buôn bán để nuôi 9 người em của bà.
Dì Hai Lành bán bánh mì mua nhà Sài Gòn cho các em.
Bà Hai Lành nói rằng từ lúc bán bánh mì từ trước 1975 tới nay, dành dụm không dám ăn, không dám mặc, bà mua 9 căn nhà ở các Q.Bình Tân, Q.6, Q.Bình Thạnh… Trong số đó, có nhà là để các em, con cháu trong gia đình ở, có nhà bà để dành cho thuê.
“Hiện tôi đang sống với người em thứ 10 trong căn nhà mua ở đường Tên Lửa (Q.Bình Tân). Hằng ngày tôi vẫn ra tiệm bánh mì của mình để trông coi, phụ được gì thì phụ chứ không phải truyền lại cho em, cho các cháu rồi mình nghỉ luôn”, bà chủ nói thêm.
Bánh mì Việt Nam: Từ xe đẩy vỉa hè đến món ăn nổi tiếng thế giới
2. Quán bún thịt nướng duy nhất được Michelin đề xuất
Đó là quán ăn của gia đình bà Nghiêm Thị Kim Loan (54 tuổi) ở Q.Tân Bình, nằm trong hạng mục Michelin Selected. Theo đó, Michelin Guide dành những lời có cánh cho quán bún thịt nướng có thâm niên hơn 20 năm ở TP.HCM này: “Thực đơn chỉ có một món duy nhất – bún với chả giò, thịt heo nướng, xà lách, giá đỗ, dưa chuột, cà rốt, đậu phộng và hành lá. Các kết cấu và hương vị tương phản thật kỳ diệu!”.
Quán bún thịt nướng của bà Kim Loan được nhiều thực khách yêu thích.
Với bà chủ, nhận được sự công nhận của Michelin vừa là một bất ngờ, vừa là niềm vui lớn. Bà cho biết mình không nghĩ là quán sẽ được, vì có thể có nhiều quán ngon hơn. Nhưng đây cũng là một sự khích lệ rất lớn dành cho bà chủ trong suốt mấy chục năm phục vụ những vị khách thương yêu của mình.
Quán có tên là Hoàng Văn, được bà đặt theo tên con trai út của bà theo ý muốn của cha chồng. “Văn nhà tôi hồi nhỏ mập mạp, ăn nhiều nên ông cũng muốn đặt theo tên của cháu. Trước đó nhiều năm trời quán không có tên đâu, người ta truyền tai nhau là tôi bán đoạn này thôi”, bà cười, bật mí về nguồn gốc dễ thương của tên quán.
Hồi nhỏ mỗi lần đi học về, 2 con trai của bà đều ra phụ mẹ bán quán. Nay lớn khôn, anh Văn thì có công việc khác, nhưng vợ anh thì vẫn thường sang phụ mẹ. Con trai đầu của bà Loan, tên Tuấn Anh (29 tuổi) là người đã đồng hành cùng bà buôn bán quán này suốt mấy chục năm qua.
3. Quán bánh canh “độc lạ” bán… 3-5 giờ sáng
Chỉ bán từ 3 – 5 giờ sáng, một quán bánh canh có thâm niên 40 năm ở Q.10 (TP.HCM) được khách gọi vui là bánh canh… “cô hồn”. Ngày đông khách, quán bán 1 tiếng là hết, 5.000 đồng/tô bà chủ cũng bán.
Đó là quán bánh canh không tên của cô Tuyết (68 tuổi) nằm yên bình đoạn cuối đường Nguyễn Duy Dương. Nơi đây là quán “ruột” của nhiều thực khách ăn đêm ở TP.HCM.
Quán bánh canh “độc lạ” của cô Tuyết.
“Lúc mới mở, tôi bán cũng 2 tiếng buổi sáng thôi, từ 7 giờ sáng đến khi nào hết thì thôi. Càng ngày khách càng nói tôi bán sớm hơn để kịp giờ người ta đi làm, vậy là càng bán càng sớm riết rồi mở giờ này hơn chục năm nay luôn”, cô tâm sự.
4. Bún thịt nướng 4 đời, cho khách ăn trong… thau
Nằm trên mặt tiền đường Vĩnh Khánh (Q.4), quán bún thịt nướng của gia đình anh Nguyễn Ngọc Trường Thọ (23 tuổi) được nhiều thực khách yêu thích, thường đông đúc vào dịp cuối tuần. Ở tuổi 20, anh Thọ kế thừa quán bún thịt nướng có từ đời bà cố. Thực khách thích thú khi được chủ quán cho ăn bún thịt nướng trong… thau.
Bún thịt nướng trong… thau.
“Hồi trước gia đình em cũng bán bún trong tô nhựa bình thường à, nhưng mà xài được một thời gian thì tô bị dơ, ảnh hưởng tới vệ sinh cũng như sức khỏe của khách. Từ thời mẹ em tiếp nhận quán bún của bà ngoại, năm 2015, thì mới đổi sang bán bằng mấy cái thau nhỏ này để dễ rửa dọn, dùng được bền”, anh chủ lý giải về việc cho khách ăn trong thau.
Trong một thau bún thịt nướng ở quán của anh Thọ cũng có đầy đủ các thành phần giống như ở những quán khác tôi từng ăn qua, từ bún, thịt nướng, thịt viên, chả giò, bì… ăn kèm cùng với rau giá sống, đồ chua, đậu phộng, mỡ hành kèm theo nước mắm chua ngọt.
5. Cơm tấm nửa thế kỷ “mắc nhất Hóc Môn”: Mở bán 1 tiếng hết sạch
Với phần cơm rẻ nhất 60.000 đồng/dĩa, nhiều người truyền tai nhau quán cơm tấm Ba Lịa “mắc nhất Hóc Môn”. Quán cơm tấm của gia đình chị Tươi (30 tuổi) đã quá quen thuộc với người dân Hóc Môn nói riêng và thực khách ở TP.HCM nói chung, khi có tuổi đời hơn 50 năm.
Quán nổi tiếng khi chỉ bán từ 7 giờ tới 8 giờ là hết, tới trễ thì khách không còn gì ăn. Chị chủ cho biết ở đây, phần rẻ nhất chính là dĩa cơm sườn với giá 60.000 đồng, nếu phần đầy đủ với sườn, bì, chả thì 100.000 đồng. Quán chiều theo mọi nhu cầu của khách. Nếu khách muốn ăn phần cơm bì, quán cũng bán với giá 40.000 đồng.
Chị Tươi cho biết quán ăn gia đình được bà mở gần 50 năm nay, từ sau 1975. Giá của quán cũng cao từ thời của bà, tới khi chị được bà truyền lại nghề thì cũng bán với giá đó. Theo chị, không mắc, xứng đáng với công sức mà các thành viên trong gia đình chị bỏ ra để làm một đĩa cơm sườn tâm huyết cho khách.
Bạn ấn tượng với quán ăn nào được Báo Thanh Niên giới thiệu trong năm 2023?