Đó là quán chay của dì Tư (67 tuổi) nằm trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5, TP.HCM), những ngày chay lúc nào cũng đông đúc khách từ lúc mở bán cho tới khi dọn hàng.
Bỏ nghề bán vé số đi bán món chay
Chừng 17 giờ hơn, dì Tư lụi cụi cùng các cháu trong nhà dọn hàng, bắt đầu bán. Quán chay đơn giản với dòng chữ cũ được dán trên tủ đồ ăn “Vĩnh Phong chay”. Chỉ vào đó, dì nói tên quán được đặt theo tên của con trai dì. Đó cũng là cách mà chúng tôi bắt đầu câu chuyện.
Hôm nay, không phải ngày chay, khách không đông đột biến mà đều đặn. Dì Tư cũng thong thả ngồi đón khách, cũng kể cho tôi nghe câu chuyện về quán chay là “cần câu cơm” của gia đình dì suốt gần 15 năm qua.
Dì thiệt tình nói rằng, hồi đó, dì cùng chồng đi bán vé số, để có đồng ra đồng vào nuôi hai người con trai. Sau đó, vì sức khỏe, nên dì quyết định mở quán chay nho nhỏ để bán, còn chồng dì, thì đến giờ vẫn tiếp tục công việc bán vé số, để trang trải cho tuổi già mà không phải quá lệ thuộc vào con cháu.
“Hai đứa con của dì, giờ lớn hết rồi. Năm sau có đứa cũng lập gia đình, đứa nào cũng ngoan, cũng hiếu thảo. Nhưng dì vẫn bán vì quen với công việc này rồi, còn sức thì còn làm. Bán mấy chục năm nay, cũng quý khách, nhớ khách, nghỉ bán một ngày là thấy thiếu thiếu rồi”, dì cười hiền.
Quán chay của dì Tư, thoạt nhìn có vẻ đơn giản, mộc mạc. Nhìn sơ, thì cũng chừng 6 – 7 món, như há cảo chay, hoành thánh lá, hủ tiếu xào, mì xào chay… Các món nước, hấp được để lên những bếp than hồng đỏ rực, tỏa ra hơi ấm làm cho cái lạnh lạnh buổi tối ở TP.HCM thêm phần dễ chịu hơn.
[CLIP]: Quán chay người Hoa chỉ bán về đêm ở TP.HCM: Khách ăn cạnh bếp than hồng.
Dì Tư tâm sự những món ăn này dì tự tìm tòi cách làm, dần dần nghề dạy nghề mà khả năng nấu ngày càng tiến bộ hơn, hợp khẩu vị với khách hơn. Dì nói rằng “bí quyết” lớn nhất phần do hương vị, nhưng phần cũng vì giá thành, khi mỗi phần ăn ở đây dao động từ 15.000 – 30.000 đồng.
“Thấy ai khó khăn, mua 10.000 đồng dì cũng bán. Thậm chí, mấy đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, hay mấy người khó khăn, dì cũng tặng không lấy tiền. Làm vậy mình cảm thấy lương tâm mình nhẹ nhõm hơn”, người phụ nữ Hoa gốc Quảng Đông tâm sự.
“Mê món chay dì Tư…”
Là một người ăn chay trường 4 năm nay, chị Thanh Hồng (28 tuổi, ngụ Q.8) cho biết mình là “khách ruột” của quán này ngót nghét cũng hơn một năm. Lần đầu đi ăn, nhờ sự giới thiệu của một người bạn, chị Hồng thích luôn hương vị của các món chay ở đây.
“Thường một tuần mình ăn 3 – 4 ngày, vì tiện đường đi làm về. Thật lòng, quán chay của dì Tư không sang trọng như trong nhà hàng, nhưng nó có một hương vị rất riêng không lẫn vào đâu được. Dì cũng hiền, niềm nở với khách. Thường tôi mua mang đi chứ không ăn tại chỗ”, vị khách tâm sự.
Các món chay ở quán đa dạng, hấp dẫn.
Không thường ăn chay, tuy nhiên vào ngày rằm, mùng 1, anh Lý Nhân (37 tuổi, ngụ Q.5) cũng ăn chay theo sở thích cá nhân. Khi đó, anh nói mình sẽ ghé quán dì Tư. Sở dĩ đây là quán “ruột” của anh vì giá thành vừa túi tiền, hương vị cũng ngon so với nhiều quán anh từng ăn qua.
Anh Nhân cho biết mình thích cảm giác được ngồi ăn tại quán, vừa ngắm đường phố TP.HCM về đêm, vừa thưởng thức món khoái khẩu và cũng vừa được tâm sự, trò chuyện cùng bà chủ. Vị khách cho biết ở đây, anh tìm thấy được sự bình yên trong tâm hồn.
“Món ở đây đa dạng, mỗi lần tới tôi sẽ gọi một món khác nhau để đổi vị, thậm chí mua mang về ăn thêm. Tôi thích nhất ở đây có lẽ là phần mì xào và phần há cảo chay, hoành thánh lá nữa, hợp vị của tôi. Chắc chắn, tôi sẽ ủng hộ quán này dài dài”, anh bày tỏ.
Dù tóc hoa râm, sức khỏe cũng yếu phải nhờ các cháu trong nhà phụ bán, nhưng với dì Tư quán ăn này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nó không chỉ là “cần câu cơm”, mà dì còn tìm thấy niềm vui ở tuổi xế chiều…