THÁI NGUYÊN Nhìn nương thìa canh xanh mỡ màng trùng điệp trên núi đồi Yên Ninh, không ai nghĩ rằng, nó mới hồi sinh trở lại sau những bão giông mà chàng giám đốc trẻ gặp phải.
Giống cây của người con Sán Chí
Ngày cây thìa canh xuất hiện, bản làng người Sán Chí ở xã Yên Ninh (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) xôn xao. Một số hộ nhận trồng nhưng không ít hộ lắc đầu. Thế rồi loài cây ấy bén rễ, bám núi đồi, sau 6 tháng đã biết “mang tiền” về cho người trồng thì cả làng ồ ạt mở rộng diện tích. Rồi lại một thời giống cây ấy lắng xuống với biết bao khó khăn, nhọc nhằn.
Người Sán Chí ở Yên Ninh nhắc nhiều về PGS.TS Trần Văn Ơn, giảng viên Bộ môn Thực vật, Trường Đại học Dược Hà Nội là người con ưu tú của đồng bào. PGS.TS Trần Văn Ơn sinh ra và lớn lên ở xã Yên Ninh. Năm 2006, anh trở về quê hương thực hiện đề tài khoa học sàng lọc cây dược liệu hạ đường huyết rồi phát hiện ra cây thìa canh lá nhỏ. Dưỡng chất của vùng đất đồi thấp hình bát úp quê anh hợp với giống cây thìa canh lạ kỳ, cây có sức khỏe bền, dược tính cao. Anh thầm nghĩ: Giống cây có thể giúp người Sán Chí quê mình ấm no đây rồi.
Năm 2010, sau hơn 1 năm thử nghiệm thành công ở núi đồi quê hương, cây thìa canh có tác dụng hỗ trợ điều trị hạ đường huyết rất tốt của TS Ơn từ một mỏm đồi nhỏ nhanh chóng lan ra, trở thành vùng nguyên liệu rộng tới 5ha. Giống cây cho hiệu quả kinh tế cao đến 200 triệu đồng/ha khiến bà con Yên Ninh ai cũng mừng. Năm 2011, đã có 20 người ủng hộ đi theo TS Ơn để thành lập Công ty Cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK.
Dù có nhiều ưu điểm vượt trội, nhưng cây thìa canh lá nhỏ lại có nhược điểm đó là có độc tính. TS Ơn quyết tâm lên rừng tìm kiếm, tập hợp các chi, các loài của thìa canh ở mỗi vùng miền và trồng nhiều vị trí khác nhau, sau đó lấy lá nghiên cứu và lựa chọn cá thể trồng riêng để nhân giống. Sau 10 năm ròng rã, năm 2019, cây thìa canh lá to ra đời và xuất hiện nhiều trên thị trường, lấp bù các khuyết điểm của cây thìa canh lá nhỏ.
Công dụng kèm theo danh tiếng của cây thìa canh giúp điều trị bệnh tiểu đường, ổn định đường huyết hiệu quả cứ vang xa từ làng đến xã và bay về tận Thủ đô Hà Nội. Năm 2012, đã có một công ty dược lớn tìm đến hợp tác với Công ty Cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK thu mua sản phẩm cao chiết xuất từ cây thìa canh lá to. Thời kỳ cao điểm, các đơn hàng có giá trị lên đến 2 tỷ đồng mỗi năm.
Nhưng rồi bộn bề công việc ở Hà Nội, TS Ơn không quản hết việc của công ty. Mà nông dân không có quản lý, giám sát sát sao đã đi chệch hướng. Các vườn trồng vẫn được mỗi hộ duy trì nhưng hình thành vùng nguyên liệu bài bản, đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ và có thể xuất bán được thì chỉ có vài hộ. Một thời cây thìa canh lao đao…
“Khách hàng đưa tôi trở về với cây thìa canh”
Cả tháng nay, sáng nào chàng trai trẻ Hoàng Khắc Cần, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK cũng dậy sớm để lên những nương thìa canh kiểm tra hệ thống tưới ẩm tự động đang được thi công. Có nước dưỡng ẩm thường xuyên, đồi thìa canh lớn nhanh như thổi. Thay vì 1 năm thu được 2 vụ như trước kia, giờ đây có thể thu được 4 vụ.
Hoàng Khắc Cần chia sẻ, cây thìa canh đã ăn sâu vào cả một quãng đời trai trẻ của anh. Loài cây ấy đã giúp công ty của anh thu về tiền tỷ, nhưng có những lúc anh không có nổi vài trăm nghìn đồng để trả tiền cho công nhân. Cả công ty chỉ còn lại mình anh với những dây thìa canh bị đàn sâu ăn trụi lá.
Cha Hoàng Khắc Cần mất sớm, một mình mẹ lam lũ nuôi anh khôn lớn bằng nương chè, củ sắn nơi đồng quê nghèo khó. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, anh được mẹ dẫn đến gặp TS Trần Văn Ơn là cậu họ giới thiệu. TS Ơn bảo Cần: Nếu muốn yêu dược liệu thì đi cùng, vừa học việc vừa tích lũy kinh nghiệm và có tiền trang trải cuộc sống. Từ đó, Cần đi khắp nơi trong Nam ngoài Bắc đến các vùng dược liệu để giúp việc. Máu kinh doanh và sự say mê dược liệu cũng ngấm vào người anh.
Năm 2018, khi tích lũy đủ kinh nghiệm và vốn sống, Cần được cậu Ơn cho về làm quản đốc, rồi làm Giám đốc Công ty Công ty Cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK. Những năm sau đó, ngoài bán hàng qua kênh phân phối trực tiếp, anh thực hiện bán hàng online trên nền tảng mạng xã hội. Các đơn hàng về rất nhiều, có ngày bán được 300 triệu đồng tiền hàng. Cần nghĩ chắc sắp giàu to!
Tuy nhiên khi kinh doanh bùng nổ, lượng nhân viên của công ty ít nên không có điều kiện chăm sóc tốt cho khách hàng. Trong khi đó, nguồn hàng cung cấp không kiểm soát nổi chất lượng, công ty dần mất khách, việc làm ăn giảm sút, từng tốp công nhân dần rời bỏ công ty ra đi.
Năm 2022, ròng rã nhiều ngày không có mưa, bỗng giông bão kéo về, mưa lớn như ai đó làm vỡ cái hồ lớn nào đó từ trên trời đổ nước xuống. Sau trận mưa ấy, nắng miên man kéo dài. Một buổi sáng, Cần ra thăm vườn thìa canh, anh hoảng hốt đến chết lặng khi nhìn vườn cây vừa hôm trước còn xanh tốt, hôm sau bỗng trơ trọi lá, ngọn non cũng bị đứt gẫy xác xơ.
Trên các giàn thìa canh nhung nhúc bọ xanh nằm ngổn ngang. Người làng bảo, những năm trở trời thường xuất hiện sâu bệnh lạ. Cần vội vã mời chuyên gia của Đại học Nông nghiệp ở Hà Nội lên tư vấn và diệt sâu lạ. Nhưng đến khi chuyên gia lên thì vườn đã bị sâu lạ tấn công, gây hại với mức độ đến 70%, lại thêm việc phải phun thuốc nên toàn bộ diện tích không thể sử dụng.
Năm ấy công ty thất thu, trong khi đó tiền nhân công vẫn phải trả. Vốn của công ty cạn kiệt. Cần khó đến mức đi vay 10 triệu cũng không được. Anh rơi vào bế tắc.
Tôi hỏi: Vậy anh vượt qua khó khăn như thế nào?
Cần đáp: Đó là một cuộc điện thoại của khách hàng gắn bó với sản phẩm của công ty gần 10 năm trời với thắc mắc sao sản phẩm tốt thế mà lại không có bán?
“Tôi bừng tỉnh bởi cậu Ơn và đất làng với núi đồi quê hương đã cho mình cái duyên đến với giống cây thìa canh, vậy sao lại từ bỏ? Thất bại ấy đâu có gì đáng sợ, tiền có thể mất đi nhưng rõ ràng mình đã học được rất nhiều, từ việc tích lũy kiến thức cho bản thân, xác định mục tiêu rõ ràng và biết đâu là giá trị cốt lõi đáng trân quý. Nói như vậy không có nghĩa là ngày mai tôi sẽ thành công và những khó khăn, thách thức vẫn còn chờ tôi ở phía trước. Nhưng chính vị khách ấy đã đưa tôi trở về với cây thìa canh và tôi đã gượng dậy được”, Cần tâm sự.
Trời trưa Yên Ninh yên ả, ánh nắng xuyên qua kẽ lá làm những sườn đồi, vạt nương thìa canh thêm xanh mỡ màng óng ả. Cách đó không xa, trong nhà xưởng sấy bằng năng lượng mặt trời thơm lừng vị thuốc dây thìa canh. Cần chia sẻ vẻ mặt rạng rỡ: “Tôi mới nhận tin nhắn được thông báo có đơn hàng mới cho 2 sản phẩm đạt 4 sao OCOP của công ty là trà dây thìa canh và trà nén dây thìa canh”.
Cây thìa canh trồng trên đất Yên Ninh sau 6 tháng sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Loài cây này có thể lưu gốc đến 10 năm và càng cắt lá, tỉa cành cây càng khỏe mạnh và phát triển.
Hiện nay, vùng nguyên liệu trồng cây dược liệu thìa canh của Công ty Cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK là 4ha, trong đó có 2,1ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ, diện tích còn lại đang thực hiện canh tác theo hướng hữu cơ. Sản lượng thìa canh khô xuất bán trên thị trường của Công ty đạt gần 4 tấn/năm. Việc bán cao thìa canh cũng dần được Công ty khôi phục với doanh thu khoảng 250 triệu đồng/năm. Công ty mong muốn có thể mở rộng vùng nguyên liệu lên đến cả trăm ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ.