Sau hai năm thua lỗ, lợi nhuận Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) phục hồi lên gần 294 tỷ đồng, mức thấp nhất trong những năm báo lãi.
Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của Saigontourist ghi nhận hơn 4.100 tỷ đồng doanh thu, tăng khoảng 3,6 lần so với năm 2021 – giai đoạn đỉnh dịch. Doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng hơn 26% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này đang có gần 1.300 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương, tăng hơn gấp đôi.
Kỳ này, Saigontourist còn ghi nhận hơn 160 tỷ đồng lãi từ 30 công ty liên doanh, liên kết. Trong khi nhóm này từng là gánh nặng khi lỗ mức tương đương vào năm 2021.
Tổng lại, doanh nghiệp này có lợi nhuận sau thuế khoảng 294 tỷ đồng, thoát lỗ sau hai năm kinh doanh dưới giá vốn. Tuy nhiên cả doanh thu và lợi nhuận năm 2022 đều ở mức thấp nhất trong những năm Saigontourist báo lãi kể từ khi công bố thông tin.
Trong thư gửi cán bộ nhân viên đầu năm, ban lãnh đạo cho biết kết quả kinh doanh “đang trên đà phục hồi rất tích cực” với tổng lượng khách trong năm 2022 tăng 178%, nộp Ngân sách Nhà nước tăng 43%. Ngoài khối du lịch – lữ hành, Saigointourist cũng có thêm nguồn thu lớn từ tổ chức nhiều sự kiện quy mô lớn.
Saigontourist là một trong những tập đoàn du lịch đa dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam, thành lập từ năm 1975, do UBND TP HCM quản lý. Giai đoạn trước, doanh nghiệp này luôn báo kết quả lợi nhuận nghìn tỷ đồng. Công ty này được biết đến nhiều nhất với thành viên Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist. Đây là đơn vị lữ hành trong nhóm dẫn đầu cả nước, kinh doanh tốt cả du lịch nội địa và quốc tế.
Ở mảng lưu trú, Saigontourist đang sở hữu và quản lý hơn 50 khách sạn và khu nghỉ dưỡng trên cả nước với trên 8.000 phòng ngủ. Trong đó, doanh nghiệp này có nhiều khách sạn nổi tiếng như Continental, Majestic, Grand, Rex, Caravell Saigon, New World, Sài Gòn – Morin Huế… Hầu hết đều có lịch sử lâu đời, nằm tại các tuyến phố sầm uất nhất thành phố và có tình hình kinh doanh ổn định.
Ngoài lưu trú và lữ hành, Saigontourist còn kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, giải trí và đào tạo… Doanh nghiệp này nắm 60% vốn của Công ty liên doanh Hội chợ triển lãm Sài Gòn (SECC), 50% vốn Truyền hình cáp Saigontourist, sở hữu Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist…
Tính chung trong năm ngoái, ngành du lịch phục hồi mạnh sau giai đoạn giãn cách với đóng góp lớn từ sự bùng nổ của thị trường nội địa. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch, lượng khách nội địa cả năm đã đạt 101,3 triệu lượt, tăng 168% so với mục tiêu 60 triệu và vượt con số của 2019. Trong khi đó, khách quốc tế lại nhỏ giọt, cả năm chỉ đón hơn 3,6 triệu lượt, vỡ kế hoạch đón 5 triệu khách du lịch nước ngoài đề ra. Nguyên nhân được cho là chính sách visa chưa mới, ít sản phẩm nổi bật, mức độ sẵn sàng chưa cao.
Năm nay, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 102 triệu khách nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch 650.000 tỷ đồng. Báo cáo của HSBC vào đầu tháng 2 nêu quan điểm, ngành du lịch năm nay nhiều triển vọng, nhất là khi Trung Quốc mở cửa. Đơn vị này cho rằng, du lịch sẽ là một ngành then chốt cho kinh tế Việt Nam năm nay.
Tất Đạt