Cô giáo Nông Thị Thắm, giáo viên môn lịch sử Trường Trung học cơ sở Quảng Hoà (xã Quảng Hoà, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) kể lại với chúng tôi.
13 năm cõng chữ đến từng nhà
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người dân tộc Tày ở tỉnh Lạng Sơn với điều kiện kinh tế rất khó khăn, sau khi tốt nghiệp THPT, Nông Thị Thắm đã suất sắc thi đậu vào trường Đại học Tây Bắc. Sau khi tốt nghiệp, Thắm theo người thân vào nộp đơn xin việc tại phòng Giáo dục, huyện Đắk Glong. Đến cuối năm 2010 Thắm được xét tuyển viên chức và phân công về giảng dạy bộ môn lịch sử tại Trường THCS Quảng Hoà.
Trải qua hơn 13 năm gắn bó với trường, lớp cùng các em học sinh trên mảnh đất đầy nắng và gió, cô gái người Tày hôm nào còn rụt rè nay đã trở thành một trong những giáo viên có nhiều thành tích và được phụ huynh quý mến, học sinh trân quý cũng như được lãnh đạo nhà trường và phòng giáo dục đánh giá rất cao.
Trao đổi với chúng tôi, cô Nông Thị Thắm không dấu được những giọt nước mắt kể lại những ngày mới vào nhận công tác ở ngôi trường còn thiếu thốn quá nhiều thứ và việc đi lại cũng cực kỳ khó khăn.
Cách đây hơn 10 năm trường học còn tạm bợ, các em học sinh không có nhà cửa ổn định , đường đến trường trơn trượt, thậm chí có những em phải bằng rừng cả nữa ngày mới tới được lớp. Nhiều em buộc phải gác lại việc học. “Có những em đang được tôi ôn luyện học sinh để thi học sinh giỏi cấp tỉnh nhưng lên gặp và xin cô nghỉ để về trong em cho ba mẹ đi làm thuê. Nghe mà xót xa lắm”. Cô Thắm nhớ lại.
Theo cô Thắm, trường THCS Quảng Hoà hơn 90% học sinh là dân tộc từ các tỉnh phía Bắc như Tày, Nùng, Mông, Giao… di cư vào sinh sống. Trước đây, đa phần ở rải rác nhiều khu vực giáp các bìa rừng cộng với nạn tảo hôn nên hằng năm có nhiều em phải nghỉ học. Tuy nhiên, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu con chữ cô Nông Thị Thắm cùng các giao viên khác đã không quản ngại khó khăn, vất vả bao năm băng rừng, lội suối để đến gõ cửa từng nhà một rồi vừa vận động, vừa dạy chữ cho các em.
Gửi yêu thương vào từng con chữ
Với tình yêu con trẻ và coi nghề giáo như một cái nghiệp gắn bó nên cô Thắm cũng như nhiều cô, thầy giáo khác đã cố gắng hỗ trợ truyền đạt kiến thức từ sách vở đến thực tế. Từ đó, giúp cho các em có điều kiện học tập và phát triển tốt nhất. Trong đó, có nhiều em vươn lên trở thành tấm gương sáng về học tập, đạt nhiều thành tích cao tạo động lực cho các bạn noi theo.
Điển hình, có em Lầu Thuý Hương từng được cô giáo Nông Thị Thắm trực tiếp dạy và ôn luyện, đạt giải ba tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn lịch sử vào năm 2021-2022 và được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông tặng Bằng khen. Hiện tại, em đang học lớp 11 tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh ở ĐắK Lắk.
“Mỗi năm, học sinh mình bồi dưỡng, giảng dạy đạt giải các cuộc thi học sinh giỏi, hay chỉ là tiến bộ hơn ngày hôm qua là mình cảm giác sung sướng và tự hào lắm. Tuy nhiên, mong ước lớn nhất của một người giáo viên như chúng em chỉ mong các em học sinh luôn vững bước đến trường để sau này các em đỡ vất vả hơn và góp phần nhỏ xây dựng xã hội ngày một tươi đẹp”. Cô Thắm tâm tư.
Theo Thầy Lê Lương Nhiên – Hiệu Trưởng trường THCS Quảng Hoà, huyện Đắk Đắk Glong, cô Nông Thị Thắm, hiện đang chủ nhiệm lớp 9A tại trường, một trong những giáo viên đạt thành tích giảng dạy rất tốt với nhiều năm liền có học sinh đạt giải học sinh giỏi ở cấp tỉnh và cấp huyện. Đây cũng là niềm tự hào của nhà trường, ngành giáo dục của huyện.
“Có thể nói, phần lớn các giáo viên về giảng dạy ở ngôi trường này đều có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, ở phía Bắc vào lập nghiệp cộng với điều kiện giảng dạy còn thiếu thốn, đường sá đi lại xuống cấp nghiêm trọng… Tuy nhiên, bằng tình yêu con chữ đã giữ chân các thầy, cô giáo và giúp cho các em học có thêm kiến thức để ngày mai tươi sáng hơn.” Thầy Nhiên chia sẻ thêm.
Cũng theo thầy Nhiên, trong những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương và các mạnh thường quân nên điều kiện học tập, ăn ở, đi lại của một bộ phận học sinh cũng đã có những đổi thay nhất định. Tỷ lệ học sinh nghỉ học đã giảm đáng kể, kết quả học tập ngày một nâng cao. Tuy nhiên, trên thực tế so với nhu cầu chung của ngành giáo dục thì vẫn còn vô vàn khó khăn.
Hiện tại, toàn trường có 14 lớp, với 600 học sinh. Trong đó, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 97%. Tuy nhiên, chỉ có 28 giáo viên, đồ dùng học tập cũng còn thiếu nên chưa đáp ứng được việc học tập và nghiên cứu thực tế cho học sinh.
Đây là nỗi niềm, trăn trở chung của nhiều thầy, cô giáo đang giảng dạy tại các trường học, điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vượt lên những thiếu thốn ấy, các thầy cô đã nỗ lực hơn nhiều lần để thắp sáng ước mơ cho những đứa trẻ vùng biên, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.