Nhổ lông mũi, ngoáy mũi, xịt rửa mũi nhiều, tự pha nước muối súc họng, có thể làm tổn thương các cơ quan này.
ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Hương, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết vệ sinh tai mũi họng đúng cách giúp diệt các mầm bệnh, hạn chế khả năng lây nhiễm bệnh đường hô hấp, tai mũi họng và nhiều bệnh khác. Vệ sinh sai cách có thể làm tổn thương các bộ phận tai mũi họng. Một số trường hợp để lại di chứng như điếc do thủng màng nhĩ.
Dưới đây là những thói quen không tốt cho tai mũi họng, cần tránh.
Làm sạch lông mũi: Tỉa, cắt lông mũi không đúng cách gây hại cho mũi. Kem tẩy lông có thể làm bỏng da và niêm mạc mỏng manh bên trong lỗ mũi. Mùi hóa chất độc hại của loại kem này cũng có thể gây dị ứng mũi khi hít vào.
Các phương pháp như waxing hoặc dùng nhíp nhổ lông mũi tiềm ẩn nguy cơ lông mọc ngược, nhiễm trùng, dễ tổn thương các mô nhạy cảm bên trong lỗ mũi. Một số người thường dùng kéo nhọn cắt tỉa lông mũi, vô tình chọc thủng màng nhầy mỏng bên trong mũi gây chảy máu, nhiễm trùng.
Xịt rửa mũi nhiều lần: Thói quen này làm mất độ ẩm tự nhiên, khô, rát, đau mũi. Dùng các loại thuốc xịt mũi corticosteroid kéo dài còn dẫn đến nhờn thuốc, lệ thuộc vào thuốc, tác dụng phụ như chảy máu cam.
Ngoáy mũi thường xuyên: Dùng ngón tay ngoáy mũi có thể làm xước niêm mạc mũi, chảy máu. Dùng tay ngoáy mũi khi chưa được sát khuẩn tạo cơ hội cho vi khuẩn, vi trùng vào mũi, tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền như cảm cúm, Covid-19…
Ngoáy tai, lấy ráy tai nhiều lần: Ráy tai chứa hàm lượng lysosome, glycoprotein, immunoglobulin, lipid và các nguyên tố vi lượng, có tác dụng diệt khuẩn. Ráy tai có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tai. Chất nhầy tự sinh này có độ pH cao, không thuận lợi cho sinh vật phát triển, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng trong ống tai.
Thường xuyên ngoáy tai và dùng tăm bông, ngoáy không đúng cách làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, kích ứng tai, suy giảm chức năng ống tai. Những dụng cụ lấy ráy tai bằng kim loại hoặc chất liệu cứng có khả năng gây xước tai, tổn thương da tai. Dùng chung dụng cụ lấy ráy tai chưa qua tiệt trùng dễ lây lan mầm bệnh như vi khuẩn, virus hoặc nấm.
Lạm dụng dung dịch sát trùng họng: Nhiều người nghĩ dung dịch chứa cồn hoặc có tính axit giúp tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, họng có nguy cơ tổn thương do kích ứng niêm mạc nếu sử dụng dung dịch sát trùng họng có nồng độ không phù hợp. Mọi người nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nước súc họng miệng để được tư vấn loại phù hợp với lứa tuổi, cơ địa.
Tự pha nước muối súc họng: Nước muối tự pha khó đảm bảo nồng độ natri theo tiêu chuẩn. Nồng độ muối quá đậm đặc dễ gây kích ứng niêm mạc miệng họng dẫn đến tổn thương, ngược lại sẽ không đủ để sát khuẩn.
Bác sĩ Hương lưu ý mọi người cần vệ sinh tai mũi họng đúng theo hướng dẫn của chuyên gia để phát huy hiệu quả, tránh gây tổn thương. Bạn nên có các biện pháp bảo vệ tai mũi họng song song khác như giữ ấm, hạn chế uống đá lạnh, uống rượu, ăn đồ cay nóng, hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại, tiếng ồn. Tiêm vaccine phòng các bệnh đường hô hấp (cúm, phế cầu…) và thăm khám sức khỏe định kỳ góp phần bảo vệ tai mũi họng.
Nguyên Phương