NGUYỆT CÁT (Theo Guardian)
Thay vì đăng tải các video mang tính giải trí hoặc theo các trào lưu mới trên mạng, Pandawara – một nhóm gồm 5 thanh niên Indonesia mới ngoài 20 tuổi – chọn đăng hơn 100 video ngắn về các chiến dịch làm sạch các con sông, bãi biển bị ô nhiễm. Những video đó thu hút hàng triệu lượt xem và hơn 100 triệu lượt thích từ cư dân mạng. Với hơn 9 triệu lượt người theo dõi trên TikTok và Instagram, Pandawara trở thành những ngôi sao mạng và vận động được hàng nghìn tình nguyện viên cùng tham gia hoạt động dọn rác.
Hàng trăm người dân tham gia cùng nhóm Pandawara dọn rác ở Bandung, Tây Java hôm 26-7.
Nhóm Pandawara được thành lập vào năm 2022 sau khi nhà cửa của họ bị hư hại vì ngập lụt, mà nguyên nhân chính là do rác thải làm tắc nghẽn dòng chảy trên những con sông. “Chúng tôi có một nhóm “thợ săn” chuyên tìm kiếm các con sông có vấn đề khẩn cấp về rác thải, nơi lũ lụt có thể xảy ra sau mưa” – Gilang Rahma, một thành viên Pandawara, kể về hoạt động của nhóm.
Ðược biết, nơi Pandawara sinh sống là Greater Bandung thuộc tỉnh Tây Java và là vùng đô thị lớn thứ 3 của Indonesia. Khu vực này tạo ra 2.000 tấn chất thải mỗi ngày, với khoảng 10-20% trong số đó không được đưa đến bãi rác để xử lý mà thường đổ dồn xuống các dòng sông. Bà Prima Mayaningtyas, một quan chức tại Tây Java, cho hay lượng rác thải khổng lồ của đô thị này đã vượt quá 800% sức chứa của bãi rác. Ðây cũng là thực trạng chung của 280 thành phố trên khắp Indonesia.
Khi mới bắt đầu hoạt động vào năm 2022, nhóm Pandawara chủ yếu làm sạch các con sông xung quanh nơi họ sinh sống, với trang phục bảo vệ sơ sài là găng tay và ủng cao su. Sau khi nổi tiếng trên mạng nhờ các hoạt động “giải cứu” các con sông toàn thời gian, họ được chính quyền chú ý và mời hợp tác làm việc. Mức độ nổi tiếng tăng lên, phạm vi dọn dẹp của họ cũng mở rộng, lan sang các đảo khác ở Indonesia.
59% các con sông ở Indonesia bị ô nhiễm nặng
Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia (KLHK) cho biết 59% các con sông ở Indonesia bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các nguồn gây ô nhiễm bao gồm chất thải công nghiệp (như dầu, khí đốt và khai thác mỏ), chất thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi. Tuy vậy, bà Luckmi Purwandari – Giám đốc Kiểm soát ô nhiễm nước của KLHK – cho biết tình trạng hiện tại đã được cải thiện so với năm 2015, thời điểm có tới 79,5% sông ngòi ở “xứ sở vạn đảo” luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng.
|
Hôm 10-7, Pandawara đã dọn sạch 300 tấn rác khỏi một bãi biển ở tỉnh Lampung trên đảo Sumatra, với sự giúp sức của hơn 3.000 tình nguyện viên. Trong chiến dịch mới nhất vào ngày 27-7, nhóm Pandawara vận động được khoảng 600 người tình nguyện tham gia dọn dẹp 17 tấn chất thải từ đập Bugel, kết nối với con sông dài nhất Tây Java. “Thỉnh thoảng, khi chúng tôi kêu gọi tình nguyện viên tham gia, có hàng ngàn người đăng ký nhưng chúng tôi chỉ có thể chọn vài chục người do không gian hạn chế “ – Gilang cho biết, nói thêm rằng nhóm hy vọng sẽ sử dụng TikTok để nâng cao nhận thức của thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) về ô nhiễm môi trường.
Quả thực, hoạt động của Pandawara đã giúp thay đổi và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho nhiều người trẻ khác. Ðiển hình như Resti Khairunnisa – một cô gái 22 tuổi sống gần đập Bugel, người đã lập tức tham gia hoạt động dọn rác tình nguyện dù mới tan ca làm việc ban đêm. Resti cho biết cô được truyền cảm hứng từ các video của Pandawara và sẽ không ngần ngại lội xuống sông dọn rác. “Tôi từng lo lắng về tình trạng ô nhiễm rác thải, nhưng đây là lần đầu tiên tôi hành động” – Resti nói sau 3 giờ dọn dẹp và dính đầy bùn đất.
Nam sinh viên đại học 21 tuổi Imam Ahmad Fadhil thì nói rằng anh đã theo dõi Pandawara từ trước khi họ nổi tiếng và ca ngợi họ vì sự kiên trì “giải cứu” các con sông, bãi biển ô nhiễm. Tuy vậy, Fadhi cho rằng các sáng kiến bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng là chưa đủ. “Một số người biết xả rác bừa bãi là sai, nhưng làng họ ở không có cơ sở xử lý rác, họ cũng không có phương tiện vận chuyển rác thải, vì vậy họ không còn lựa chọn nào khác” – anh giải thích.