Dưa bắp cải, dưa hành, dưa chua
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, chia sẻ dưa bắp cải, dưa hành, dưa muối là món ăn phổ biến trong ngày tết để chống ngán, cân bằng với các món ăn như bánh chưng, thịt heo. Dưa chua còn chứa men vi sinh, vi khuẩn có lợi, kích thích tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động đường ruột và tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên nếu ăn dưa mới muối, dưa nhiễm độc tố hoặc tiêu thụ quá nhiều (hàm lượng muối và axit trong dưa chua rất lớn) có thể gây hại cho sức khỏe và có nguy cơ ngộ độc.
“Người mắc bệnh dạ dày, bệnh thận, cao huyết áp, phụ nữ mang thai không nên ăn quá nhiều. Ngoài ra, dưa chua thường có vị chua nồng, nếu sử dụng quá nhiều có thể gây hôi miệng và gây mùi cơ thể”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Thực phẩm đã qua chế biến
Các thực phẩm đã qua chế biến như xúc xích, lạp xưởng, chả lụa, thịt xông khói… thường xuất hiện trong bữa ăn của nhiều gia đình vào ngày tết. Chúng thường chứa nhiều muối nitrat và nitrit, nhiều chất bảo quản và phụ gia không lành mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe và hệ tiêu hóa. Tuy những chất này được phép sử dụng trong thực phẩm nhưng nếu tiêu thụ nhiều, tích lũy một lượng lớn có thể tăng nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm như ung thư đại tràng, suy giảm miễn dịch, đồng thời chất béo trong những loại thực phẩm này cũng gây thừa cân, gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Rượu bia, nước ngọt
Uống rượu bia, nước ngọt để chúc tết nhau là một phần văn hóa lâu đời của người Việt. Tuy nhiên chúng ta nên sử dụng hạn chế, không nên lạm dụng nếu muốn bảo vệ sức khỏe, tránh ngộ độc.
Bác sĩ Vũ cho biết, theo Hiệp hội Y tế Mỹ, tiêu thụ quá nhiều chất kích thích có thể gây ảnh hưởng xấu tới các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là gan và gây những rối loạn tâm thần, hoang tưởng, có thể dẫn đến tình trạng mất kiểm soát khi lái xe, thậm chí ngộ độc rượu gây nguy hiểm tính mạng. Rượu, bia, nước ngọt cũng chứa nhiều calo, làm giảm khả năng ức chế của cơ thể, khiến chúng ta ăn nhiều hơn, dễ tăng cân. Do đó, chúng cũng không có lợi cho những người bệnh tim mạch, huyết áp, những bệnh nhân tiểu đường.
Lưu ý khi bảo quản, chế biến, dự trữ thực phẩm ngày tết
Bác sĩ Vũ lưu ý, thói quen hâm đi hâm lại đồ ăn nhiều lần dễ khiến cho thực phẩm bị biến đổi thành phần hóa học trong nó, trở thành chất độc nguy hiểm cho cơ thể. Thức ăn thừa chỉ nên được hâm nóng lại một lần, vì quá trình nguội và hâm nóng thức ăn càng lặp lại nhiều lần, sẽ làm biến mất các chất dinh dưỡng vốn có, nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm cũng càng cao. Thức ăn hâm lại, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt, nhưng độc tố do vi khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên gây ngộ độc cho người dùng.
Ngoài ra, việc tích trữ nhiều đồ ăn không đúng cách, bảo quản không tốt khiến thực phẩm rất dễ bị hư, nấm mốc, gây ngộ độc cho người dùng. Đồ ăn tích trữ quá nhiều trong tủ lạnh cũng làm ảnh hưởng hoạt động của tủ, khiến thực phẩm dễ bị hỏng, mốc, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, khi chúng ta ăn vào sẽ dễ bị đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc.
Do đó, để tết này trở nên ý nghĩa hơn cả về thể chất lẫn tinh thần, mỗi chúng ta cần có chế độ và phương pháp ăn uống đúng cách, thay đổi những thói quen xấu nêu trên và thực hiện hoạt động thể chất đều đặn, hướng đến một lối sống lành mạnh và khoa học.