Doanh nghiệp thực phẩm chế biến rộng đường xuất khẩu sang Canada

Báo Công thươngBáo Công thương18/02/2025

Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, năm 2025, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thực phẩm chế biến giữa doanh nghiệp Việt Nam - Canada ngày càng rộng mở.


Tiềm năng hợp tác năng lượng, điện hạt nhân

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Canada đạt hơn 6,37 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2023. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng kể từ sau đại dịch Covid-19.

Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada - cho biết, với mức tăng trưởng xuất khẩu 13,4% trong năm 2024, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong khu vực ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 6 của nước này trong nhóm 40 quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong số các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Canada, dệt may chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với trị giá đạt 1,2 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 19% tỷ trọng xuất khẩu. Cùng với dệt may, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng… cũng có mức tăng trưởng xuất khẩu lớn, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.

Bộ Công Thương chủ động kịch bản, phương án ứng xử ..
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Canada đạt hơn 6,37 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2023. Ảnh: Dương Hương

Đáng chú ý, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) - cho biết, thương mại hai nước Việt Nam - Canada đang có những động lực mạnh mẽ từ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Sau 6 năm triển khai và thực hiện CPTPP, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - Canada đã tăng trưởng vượt bậc, kim ngạch tăng gần gấp đôi từ 3,8 tỷ USD năm 2018 lên 6,2 tỷ USD vào năm 2023, khẳng định vai trò quan trọng của hiệp định trong thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.

Thông qua CPTPP, hiện, Việt Nam đang tập trung nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu và vượt qua các rào cản kỹ thuật để tận dụng tốt hơn các lợi thế Hiệp định. Tham gia thực hiện các cam kết của Hiệp định CPTPP cũng góp phần giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch hơn, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh lớn cho doanh nghiệp hai nước.

12 chỉ tiêu kinh tế năm 2025: Ngành Công Thương giao 7
Năng lượng hay điện hạt nhân là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng của hai nước Việt Nam - Canada

Đáng chú ý, theo đánh giá từ các chuyên gia, năng lượng hay điện hạt nhân là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng của hai nước. Bởi, hiện nay, Canada là nhà xuất khẩu năng lượng quan trọng của thế giới. Các sản phẩm dầu mỏ, khí đốt chiếm đến 20% giá trị kim ngạch xuất khẩu của Canada, tương đương khoảng 120 tỷ USD/năm.

Không những vậy, Canada còn là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 4 thế giới và là nhà sản xuất khí gas lớn thứ 5 thế giới. Canada có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, chiếm tới 11% tổng trữ lượng của thế giới.

Liên quan đến lĩnh vực điện hạt nhân, Canada là nước tự chủ về công nghệ lò phản ứng hạt nhân (CANDU) với uy tín và lịch sử khá lâu đời (từ những năm 1960). Hơn nữa, ngoài việc làm chủ công nghệ, Canada là nước sản xuất uranium lớn thứ hai trên thế giới, tương ứng 15% nguồn cung toàn cầu.

“Thế mạnh năng lượng của Canada đến từ nỗ lực xây dựng chiến lược năng lượng có tầm nhìn và đầu tư lớn vào việc phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, Canada còn có khả năng cung cấp hỗ trợ tài chính và kinh nghiệm quản lý an toàn hiệu quả trong nhiều lĩnh vực năng lượng khác nhau, kể cả điện hạt nhân, điện gió, điện sinh khối...” - bà Trần Thu Quỳnh nhận định.

Thêm "cánh cửa" xuất khẩu thực phẩm chế biến

Cùng với năng lượng, thực phẩm chế biến cũng là một trong những lĩnh vực tiềm năng cho doanh nghiệp trong nước khi hợp tác kinh doanh với Canada. Năm 2025, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này ngày càng rộng mở khi lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia đoàn xúc tiến thương mại trong lĩnh vực thực phẩm chế biến tại cả bờ Đông (thành phố Toronto) và bờ Tây Canada (thành phố Vancouver) từ ngày 28/4-4/5.

Thương vụ Việt Nam tại Canada cho rằng, đây là dịp hiếm có để các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm chế biến của Việt Nam tìm hiểu thị trường cũng như giới thiệu các sản phẩm chất lượng, đổi mới, sáng tạo tới người tiêu dùng Canada; đồng thời gặp gỡ và kết nối với các doanh nghiệp đối tác nước bạn.

Doanh nghiệp thực phẩm chế biến rộng đường xuất khẩu sang Canada
Thực phẩm chế biến cũng là một trong những lĩnh vực tiềm năng cho doanh nghiệp trong nước khi hợp tác kinh doanh với Canada. Ảnh: Hải Minh

Trong khuôn khổ chương trình, các doanh nghiệp sẽ tham gia Triển lãm thực phẩm lớn nhất Bắc Mỹ SIAL Canada 2025 tại Trung tâm hội nghị Enercare Centre (Toronto). Đây là sự kiện thương mại thường niên lớn nhất trong ngành công nghiệp thực phẩm ở khu vực, từ lâu được coi như cánh cửa mở ra cơ hội kết nối với thị trường khu vực Bắc Mỹ và toàn cầu. Các lần tổ chức trước đây của SIAL quy tụ hàng ngàn doanh nghiệp và thương hiệu quốc tế tới từ khắp các quốc gia tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm.

Tham gia SIAL 2025, ngoài hoạt động trưng bày, doanh nghiệp còn có cơ hội tham dự các hoạt động tọa đàm, hội thảo trong khuôn khổ Hội chợ và tiếp xúc khách hàng tại khu gian hàng Việt Nam tại sự kiện.

Là một trong nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thành công, bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hạt điều vàng - cho biết, để xuất khẩu, trước khi Hiệp định được triển khai, Hạt điều vàng đã tập trung vào chất lượng, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Cùng đó, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương từ các bộ, ngành, Hạt điều vàng đã kết nối, tham gia, từ đó quảng bá sản phẩm tới tay người tiêu dùng Canada và các nước thành viên trong CPTPP.

Để thâm nhập thành công và có sức cạnh tranh với các đối tác lớn trên thị trường thế giới, Hạt điều vàng không chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm mà còn phải thấu hiểu thị trường. Đây đều là những thị trường ở phân khúc cao, có tiêu chuẩn khắt khe cả về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm...” - bà Nguyễn Thị Hương thông tin và cho biết, thị trường Nhật Bản, Canada... ưa chuộng các sản phẩm điều organic, song diện tích trồng sản phẩm này trong nước chưa nhiều và thủ tục để chứng nhận được sản phẩm điều organic còn nhiều hạn chế, do vậy, thời gian qua, Hạt điều vàng đã và đang nỗ lực mở rộng vùng trồng organic và hoàn tất thủ tục để có thể đáp ứng những tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.

Và theo bà Nguyễn Thị Hương, việc tham gia đoàn xúc tiến thương mại trong lĩnh vực thực phẩm chế biến tại Canada sẽ là cơ hội vô cùng lớn để doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác giao thương.

Theo bà Trần Thu Quỳnh, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, trong năm 2025, Thương vụ Việt Nam tại Canada cũng sẽ phối hợp với các đối tác liên quan tổ chức đoàn mua hàng gồm các siêu thị, hệ thống phân phối, nhà mua hàng Canada vào Việt Nam tìm nguồn cung và dự các hội chợ triển lãm quốc tế lớn trong nước.

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada khẳng định, xuyên suốt năm 2025, Thương vụ sẽ liên tục cập nhật các chương trình, hội chợ triển lãm, sự kiện quan trọng và triển khai các hoạt động cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trưng bày, quảng bá sản phẩm và tiếp cận thị trường Canada để thúc đẩy hợp tác thương mại song phương và mở rộng thị trường cho sản phẩm hàng hóa.


Nguồn: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-thuc-pham-che-bien-rong-duong-xuat-khau-sang-canada-374425.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view
Phượng "Singapore": Cô gái Việt gây sốt khi mỗi bữa nấu gần 30 món ăn

No videos available