Đau thần kinh tọa là bệnh xương khớp phổ biến, không chỉ gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày mà còn ảnh hưởng đến chuyện chăn gối của người bệnh.
BS.CKI Kim Thành Tri, khoa Thần kinh Cột sống, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết đau thần kinh tọa không ảnh hưởng tới chức năng sinh lý nhưng gây đau và đặc biệt là ảnh hưởng đến vùng từ thắt lưng trở xuống. Đây là khu vực hoạt động nhiều khi quan hệ tình dục. Vì vậy, nếu người bệnh giao hợp với cường độ mạnh, sai tư thế có thể dẫn đến những cơn đau dữ dội. Lâu dần, những triệu chứng tê liệt, đau mỏi, yếu cơ tại vùng dây thần kinh tọa bị chèn ép có thể khiến người bệnh cảm thấy mất hứng thú, khó tập trung khi quan hệ, suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc “yêu”.
Khi mắc phải tình trạng đau thần kinh tọa, để chuyện phòng the được trọn vẹn hơn, người bệnh nên:
Tâm sự với bạn tình: Người bệnh nên chia sẻ về tình trạng của mình cho bạn tình biết. Từ đó, cả hai có thể thảo luận để tìm ra giải pháp tốt nhất cho đời sống tình dục.
Tần suất quan hệ vừa phải: Người bệnh đau thần kinh tọa nên quan hệ vào khoảng 1-3 lần mỗi tuần, với mức độ nhẹ nhàng.
Chọn các tư thế phù hợp: Người bệnh đau thần kinh tọa không nên chọn các tư thế đòi hỏi nhiều sức mạnh ở vùng lưng để hạn chế cảm giác đau nhức và khó chịu.
Giữ tinh thần thoải mái: Người bệnh nên nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế căng thẳng, không nên quan hệ tình dục khi đang chịu cơn đau cấp tính.
Theo bác sĩ Thành Tri, để đau thần kinh tọa không ảnh hưởng đến chuyện phòng the, cách tốt nhất là điều trị căn bệnh này. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, người bệnh sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau như:
Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Khi người bệnh đau thần kinh tọa chườm nóng, nhiệt độ cao sẽ làm giảm căng cơ, co thắt; tăng phạm vi chuyển động của khớp, làm các mạch máu giãn ra, cải thiện lưu lượng máu và oxy… Ngược lại, chườm lạnh giúp giảm co thắt cơ, giảm viêm, sưng, mạch máu co lại và gây ra hiệu ứng tê… từ đó giảm đau hiệu quả.
Dùng thuốc: Cả thuốc kê đơn và không kê đơn đều có thể được chỉ định sử dụng để điều trị đau thần kinh tọa, bao gồm: thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, thuốc chống co giật…
Các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng giúp cải thiện chứng đau thần kinh tọa một cách đáng kể. Người bệnh nên trao đổi với các chuyên gia y tế để tìm ra bài tập phù hợp và thực hiện đúng bài bản.
Vật lý trị liệu: Các bài tập giúp tăng cường sức mạnh cho cột sống và các cơ vùng lưng dưới, bụng, mông, hông; kéo căng các gân, cơ bị cứng và không linh hoạt; cải thiện sức khỏe tổng thể….
Tiêm steroid vùng thắt lưng được chỉ định với mục đích giảm đau, để người bệnh có thể thuận lợi tham gia các bài tập vật lý trị liệu. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp chẩn đoán nguyên nhân cơn đau, từ đó xác định các dây thần kinh tổn thương và có phương pháp điều trị thích hợp.
Phẫu thuật được cân nhắc khi triệu chứng đau, tê yếu chân kéo dài hoặc tiến triển nghiêm trọng dù đã thực hiện một số phương pháp điều trị nội khoa trước đó. Ngoài ra, người bệnh có thể sẽ được chỉ định phẫu thuật nếu có các vấn đề như: Hội chứng chùm đuôi ngựa, đau thần kinh tọa ảnh hưởng đến cả hai chân…
Bên cạnh chuyện phòng the, đau thần kinh tọa còn gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Phi Hồng