Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có bước tiến quan trọng khi ngày 16-1-2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 148/2025 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM.
Đầu tư lớn, kỳ vọng cao
Mục tiêu của dự án có vốn đầu tư không thấp hơn 50.000 tỉ đồng này là xây dựng cảng trên 570 ha gồm các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container, cảng biển và dịch vụ khác.
Đối với TP HCM, cảng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải biển trong nước phát triển cũng như thu hút công ty vận tải, logistics, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực. Đối với quốc gia, cảng góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam, định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải trong vai trò là trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM hứa hẹn đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhất trí rằng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của thành phố nói riêng, của vùng Đông Nam Bộ cũng như cả nước nói chung. TS Trần Du Lịch - ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội - từng nhiều lần góp ý cho đề án xây dựng "siêu" cảng Cần Giờ. Ông nhấn mạnh cần làm ngay, nhất là trong bối cảnh TP HCM đang có cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98, bởi cơ hội nếu trôi qua thì không dễ tìm lại được.
Chung ý kiến nên triển khai sớm và nhanh, TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng để khai thác hiệu quả, nên nhìn cảng trong mối tương quan vùng đô thị TP HCM. Tức là nằm trong chiến lược phát triển chung của hệ thống cảng Cần Giờ - Thị Vải - Cái Mép. "Ở góc độ hiệu quả kinh tế nên nhìn ở tương quan vùng đô thị sẽ đạt hiệu quả cao hơn so với việc các tỉnh, thành cạnh tranh nhau" - TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm.
Yếu tố đột phá
Cùng với "siêu" cảng Cần Giờ, TP HCM còn thêm công trình giá trị được tin tưởng giữ ngọn cờ đầu về kinh tế. Ngày 15-11-2024, Bộ Chính trị có Kết luận 47 về xây dựng Trung tâm Tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, đồng ý chủ trương thành lập TTTC quốc tế toàn diện tại TP HCM và TTTC khu vực tại Đà Nẵng.
Đến ngày 4-1-2025, tại TP HCM, Chính phủ công bố Nghị quyết ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận 47. Hội nghị đánh dấu bước quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển đất nước; tạo ra cú hích và động lực mới thúc đẩy phát triển không chỉ đối với TP HCM mà còn với cả nước, góp phần quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc.
Chính phủ đã phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 12 bộ, ngành và các địa phương chủ trì triển khai, gắn với các sản phẩm đầu ra để hình thành khung pháp lý và chuẩn bị các điều kiện nền tảng phát triển các TTTC tại Việt Nam.
TTTC quốc tế TP HCM hướng đến việc định vị thành phố trở thành một trong những TTTC hàng đầu. Với sự tập trung phát triển công nghệ tài chính (fintech), thu hút nguồn vốn đầu tư quốc tế, TP HCM sẽ dần tiệm cận nhiều đô thị tài chính lớn trên thế giới. PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM, nhìn nhận thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025, nếu 8% ở các động lực truyền thống thì trên 2% còn lại nằm ở việc vận hành, khai thác dự án mới đang hình thành. Đó là TTTC quốc tế tại TP HCM, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cùng hàng loạt dự án khác.
Trong khi đó, TS Trần Du Lịch quả quyết cùng với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TTTC quốc tế là nhân tố đột phá trong giao lưu kinh tế trong nước và quốc tế.
Hiện thực hóa sứ mệnh
Hiện nay, TP HCM đang tích cực triển khai các đầu việc để đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TTTC quốc tế. Đối với dự án cảng, Chánh Văn phòng UBND TP HCM Đặng Quốc Toàn cho biết thành phố sẽ tiến hành các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư và tiến tới khởi công.
Theo đánh giá của UBND TP HCM, đây là dự án rất chiến lược. Công trình này cùng với Cái Mép - Thị Vải sẽ hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế. Từ đó khẳng định vị trí Việt Nam trên các bản đồ cảng trung chuyển quốc tế; tham gia chuỗi cung ứng trung chuyển toàn cầu và chắc chắn tác động lớn đến kinh tế - xã hội không chỉ TP HCM mà còn với Việt Nam, khu vực.
Ngay khi Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, thành phố khẩn trương phối hợp với các bên liên quan triển khai những bước kế tiếp, phấn đấu đến ngày 2-9-2025 khởi công dự án, mở ra trang mới về đóng góp tích cực cho xuất nhập khẩu, ngân sách, tạo công ăn việc làm...
Đối với TTTC quốc tế, UBND TP HCM đang khẩn trương cùng Đà Nẵng và bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội thông qua nghị quyết, trong đó gồm cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư, thành phần tham gia.
Được nhận định là nguồn lực rất lớn về mặt tài chính cho nhu cầu đầu tư phát triển của TP HCM, TTTC quốc tế giữ vai trò trọng yếu về huy động nguồn vốn đầu tư phát triển. Để tối ưu giá trị từ trung tâm mang lại, TP HCM cũng lên kế hoạch đầu tư hạ tầng, giao thông kết nối, năng lượng, công nghệ thông tin và những hạ tầng cần thiết khác. Thành phố cũng có kế hoạch chuyên đề để đào tạo nguồn nhân lực cho trung tâm (nhân lực trực tiếp điều hành và nhân lực phục vụ) cũng như mọi cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế của TTTC.
TP HCM đặt ra nhiều mục tiêu chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng sống và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Dù còn nhiều thách thức nhưng giới chuyên gia nhận định với tầm nhìn và quyết tâm mạnh mẽ cùng sự đồng hành của Trung ương, thành phố có thể hoàn thành sứ mệnh trở thành TTTC và logistics hàng đầu khu vực, góp phần đưa Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ kinh tế thế giới.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-2
"Là đòn bẩy quan trọng cho phát triển, những lợi thế từ cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được tin tưởng góp phần thúc đẩy Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM.
Xây dựng niềm tin, tương lai và sự thịnh vượng
Phát biểu tại hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam ngày 4-1, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã có những chia sẻ mang nhiều kỳ vọng.
Một trong nhiều lợi ích thấy rõ khi Trung tâm Tài chính quốc tế TP HCM hình thành đó là “kéo” quốc tế đến gần Việt Nam hơn
Ông khẳng định việc thành lập TTTC quốc tế tại TP HCM là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn chiến lược của Trung ương, sự cam kết mạnh mẽ và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, cùng với sự đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thành phố trong việc xây dựng một hệ sinh thái tài chính minh bạch, hiệu quả và bền vững.
TTTC quốc tế bên cạnh vai trò tạo xung lực phát triển kinh tế còn là sự khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính khu vực và thế giới. "TP HCM không chỉ cam kết xây dựng một TTTC quốc tế mà còn xây dựng niềm tin, tương lai và thịnh vượng" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
nld.com.vn
Bình luận (0)