Tối 14/11, Công an tỉnh Hà Nam cho biết, anh V.H.C. ở TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) nhận được tin nhắn messenger của người bạn khoe cháu của người này tham gia cuộc vẽ tranh và được vào vòng bình chọn trên Zalo.
Sau đó, người bạn đề nghị anh C. vào Zalo quét mã QR để “like” và chia sẻ bình chọn cho cháu. Không chút nghi ngờ, anh C. làm theo rồi đi ngủ.
Ngày hôm sau, anh bất ngờ khi thấy nhiều người quen gọi điện hỏi về việc anh C. vay tiền họ. Những người quen nói anh đã nhắn tin cho họ qua Zalo để hỏi vay tiền. Có những người bạn đã chuyển 5 triệu đồng vào số tài khoản mà anh C. gửi cho họ qua tin nhắn bằng Zalo.
Ngỡ ngàng kiểm tra Zalo, anh C. không đăng nhập được nữa. Lúc này, anh mới biết mình bị “hack” Zalo và Facebook. Anh đã bị chiếm đoạt quyền sử dụng sau khi quét mã QR để tham gia bình chọn cuộc thi vẽ tranh. Các đối tượng đã mạo danh anh để nhắn tin lừa vay tiền người thân, bạn bè.
Còn anh T.V.D. cũng ở TP Phủ Lý nhận cuộc gọi video từ messenger của người bạn trong khoảng 15 giây. Sau đó người này tắt đi với lý do lỗi mạng rồi nhắn tin hỏi vay tiền.
Sau khi chuyển tiền, anh D. mới té ngửa, biết Zalo và Facebook của người bạn đã bị các đối tượng “hack” để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nói về hành vi nêu trên, Thượng tá Trương Đức Hưởng – Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Hà Nam) cho biết: Các đối tượng lừa đảo qua mạng đều có trình độ, am hiểu về công nghệ thông tin.
Chúng sử dụng phần mềm, thiết bị chuyên dụng để tấn công vào tài khoản mạng xã hội như Zalo, Facebook. Chúng chiếm quyền sử dụng để tiếp cận danh sách bạn bè, từ đó gửi tin nhắn vay tiền, nhờ chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.
Những tài khoản mà các đối tượng lựa chọn, đánh cắp, chiếm quyền quản trị thường có mật khẩu đơn giản, dễ nhớ…. Sau khi chiếm được quyền sử dụng tài khoản Zalo, Facebook, các đối tượng lừa đảo tập trung nghiên cứu thông tin cá nhân, sở thích, lịch sử trò chuyện, cách nói chuyện với bạn bè, người thân.
Nghiên cứu xong, các đối tượng lừa đảo nhờ sự giúp đỡ, với nội dung phổ biến như: Đang gặp khó khăn hoặc nói cần vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại rồi chiếm đoạt tài sản…
Từ những thông tin nêu trên, Thượng tá Trương Đức Hưởng cảnh báo, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi tham gia hoạt động trên không gian mạng, nhất là Zalo, Facebook.
Vị này lưu ý, tuyệt đối không nhập thông tin cá nhân vào các địa chỉ website không tin cậy. Cần tăng cường độ bảo mật khẩu tài khoản Zalo, Facebook như: Xác thực mật khẩu 2 lớp qua số điện thoại, sử dụng các mật khẩu ít nhất có 8 ký tự có cả chữ, số, ký tự đặc biệt.
Khi có người đề nghị vay tiền, chuyển tiền hãy gọi điện thoại vào số của người đó để kiểm tra, xác minh xem có phải bạn bè mình cần vay hay không.
Bên cạnh đó, khi sử dụng mạng xã hội, người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không chia sẻ mật khẩu và thông tin cá nhân như nghề nghiệp, ngày, tháng, năm sinh, các địa chỉ check in.
Ngoài ra, người dân cần cảnh giác với những tài khoản lạ, tài khoản nước ngoài, tài khoản chủ động mời kết bạn, không cung cấp thông tin cá nhân.
Bên cạnh đó, không chuyển tiền khi chưa kiểm tra, xác thực thông tin chính xác của người được nhận, nhất là trường hợp chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại, mua bán hàng online trên mạng.
Khi phát hiện dấu hiệu bị lừa đảo, cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để tiến hành xác minh, kịp thời xử lý vụ việc, truy bắt đối tượng.