Nhóm binh sĩ Trung đoàn 26 Nga đăng video cáo buộc chỉ huy che giấu thiệt hại của đơn vị ở Ukraine, yêu cầu được thay quân sau 4 tháng chiến đấu.
Các thành viên Tiểu đoàn số 2, Trung đoàn số 26 Nga đang tác chiến ở mặt trận Kherson, phía nam Ukraine, ngày 23/11 đăng video lên mạng xã hội Telegram, than phiền về tình trạng chiến đấu và năng lực của chỉ huy trung đoàn.
Trong video, nhóm binh sĩ cho biết họ được triển khai tới làng Krynky ở bờ đông sông Dnieper, tiền tuyến tại tỉnh Kherson, từ ngày 30/7, song đến nay chưa được luân chuyển về hậu phương dù đã chiến đấu liên tục gần 4 tháng.
“Chúng tôi được điều động tới đây mà không có đạn dược. Mỗi người chỉ được cấp phát 4-6 băng đạn. Một số người còn không có áo giáp”, đại diện nhóm binh sĩ nói.
Họ cáo buộc trung đoàn trưởng Aleksandr Petrovich Zladko gửi báo cáo sai lệch về tình hình chiến sự ở Krynky, cho rằng tình thế của lực lượng Nga không lạc quan như thông tin trung tá Zladko cung cấp.
“Từ những ngày đầu, ông ấy đã báo cáo rằng mọi thứ ở đây đều ổn và chúng tôi vẫn giữ nguyên được lực lượng. Trên thực tế, từ quân số ba đại đội, chúng tôi chỉ còn khoảng 50 người”, đại diện nhóm cho biết. Một đại đội lục quân Nga có quân số khoảng 150 người.
Họ cho biết đã từ chối tuân thủ mệnh lệnh, song khẳng định sẽ không bỏ vị trí. “Chúng tôi yêu cầu được luân chuyển về hậu phương để nghỉ ngơi”, họ nói, thêm rằng thông điệp này được gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Sông Dnieper là tiền tuyến mới ở mặt trận phía nam của chiến dịch phản công được Ukraine phát động hồi tháng 6. Có chiều dài 2.200 km và rộng 1.5 km ở một số đoạn, con sông này được coi là thành lũy tự nhiên cho binh sĩ Nga ở bờ đông, giúp họ có thể thoải mái pháo kích mục tiêu đối phương ở bên kia sông mà ít bị phản kích.
Quân đội Ukraine ngày 17/11 tuyên bố giành được chỗ đứng bên bờ đông sông Dnieper, đánh dấu bước tiến lớn hiếm hoi trong cuộc phản công bị đánh giá là đang “bế tắc”. Lực lượng này hai ngày sau cho biết đã tiến thêm được 3-8 km ở bờ đông con sông và đang tiếp tục tiến sâu vào bên trong.
Giới phân tích cho rằng việc thiết lập được đầu cầu ở bờ đông con sông sẽ giúp lực lượng Ukraine có bàn đạp để đánh nống xa hơn về phía nam và áp sát bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, số khác nhận định khu vực đầu cầu mà binh sĩ Ukraine thiết lập quá nhỏ, khó giúp lực lượng này vận chuyển khí tài hạng nặng qua sông, trong khi Nga vẫn duy trì thế áp đảo về hỏa lực và quân số ở bờ đông, nên khả năng Kiev chuyển hóa kết quả này thành bước đột phá rõ rệt là không cao.
Phạm Giang (Theo Newsweek)