Bộ Quốc phòng Anh công bố đánh giá tình báo, nhận định Nga dường như đang mất ưu thế trên không ở Ukraine so với giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt.
Anh cho rằng, sau khi Ukraine tuyên bố bắn rơi 3 chiếc Su-34 của Nga trong ngày 22/12, Moscow đã giảm hoạt động của lực lượng không quân vì lo ngại bị thiệt hại về máy bay chiến đấu.
Ngày 24/12, Ukraine tiếp tục tuyên bố bắn rơi 2 chiếc Su-30 và Su-34 của Nga.
Trước đó, Anh nhận định Nga chiếm ưu thế lớn tại mặt trận miền Nam, khi không ngừng nã bom lượn thông minh vào Krynky, Kherson. Đây là đầu cầu mà Ukraine giành được sau khi tác chiến vượt sông Dnieper sang khu vực tả ngạn mà Nga kiểm soát.
Nga chưa bình luận về những tuyên bố của Ukraine.
Tuy nhiên, Anh cho rằng, sau những “mất mát” kể trên, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga trong một vài ngày sau đó gần như đã ngừng hoàn toàn các hoạt động mặt trận miền Nam.
“Điều này một lần nữa chứng tỏ rằng việc Nga không thể thiết lập ưu thế trên không đã tiếp tục làm suy yếu hoạt động hàng ngày của họ”, Anh nhận định.
Tình báo Anh cho rằng, việc thiếu yểm trợ trên không khiến cho Tập đoàn quân vũ trang tổng hợp số 18 của Lục quân Nga khó đẩy Ukraine ra khỏi đầu cầu ở Krynky. Trong những ngày gần đây, Anh cho biết, Nga có dấu hiệu nối lại không kích xung quanh Krynky nhưng ở mức độ thấp hơn nhiều so với trước khi xảy ra vụ “mất 3 chiếc Su-34 trong một ngày”.
Điều này giúp Ukraine vẫn giữ được đầu cầu ở tả ngạn con sông dù thời gian qua họ đang phải hứng chịu thiệt hại lớn để bảo vệ ngôi làng nhỏ này, đồng thời cũng nhận được ý kiến trái chiều.
Kể từ khi giành lại thành phố Kherson trên hữu ngạn sông Dnieper vào cuối năm 2022, lực lượng Ukraine đã thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công qua sông sang khu vực tả ngạn mà Nga đang kiểm soát.
Vào tháng 10/2023, Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 38 đã vượt sông và xâm nhập vào Krynky, cách thành phố Kherson khoảng hơn 40km về phía bắc.
Tuy nhiên, việc giữ đầu cầu ở bờ trái Dnieper ẩn chứa hàng loạt rủi ro. Một quân nhân Ukraine giấu tên nói với BBC rằng, lực lượng của Kiev đóng ở khu vực bên bờ trái sông Dnieper đang đối mặt với hàng loạt khó khăn để giữ vững thành tựu họ có được sau một thời gian dài tác chiến vượt sông.
Một số binh sĩ nói với New York Times và Washington Post rằng nhiệm vụ này không có nhiều ý nghĩa vì lực lượng Ukraine thường bị tấn công dữ dội trước khi kịp vượt sông thành công.
Ngoài thiếu thốn về nhân lực, việc đảm bảo tiếp tế vượt sông cũng là một thách thức lớn khác. Bất chấp những khó khăn và thiệt hại, phía Ukraine vẫn kiên quyết giữ vững thành tựu ở bờ trái Dnieper.
Nhà phân tích Nikola Mikovic cho rằng, do cuộc phản công trên toàn tuyến của Ukraine từ tháng 6/2023 không đạt được kết quả như kỳ vọng, nên họ muốn giữ thành tựu ở tả ngạn con sông vì lý do chính trị.
Ông Mikovic nói rằng mặc dù Krynky không có tầm quan trọng như thành phố Kherson nhưng Ukraine lại do dự trong việc từ bỏ ngôi làng, “bởi vì một động thái như vậy có thể có tác động đáng kể đến tình hình chính trị ở Kiev”. Diễn biến này có thể phát đi một thông điệp rằng họ vẫn kiểm soát tình hình và có cơ hội phản công thành công.