Daniel Ellsberg, nhà phân tích quân sự Mỹ từng tiết lộ tài liệu mật của Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam vào năm 1971, đã qua đời ở tuổi 92.
Gia đình Ellsberg cho biết ông qua đời tại nhà riêng ở Kensington, bang California ngày 16/6. Ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy không thể phẫu thuật hồi tháng 2.
Ellsberg sinh ngày 7/4/1931 tại thành phố Chicago, bang Illinois. Năm 1971, Ellsberg tung Hồ sơ Lầu Năm Góc cho tờ New York Times, Washington Post và 17 đầu báo khác ở Mỹ, chứng minh chính quyền tổng thống Lyndon Johnson bí mật cho leo thang chiến tranh Việt Nam và nói dối về hành động của họ trước quốc hội. Theo tài liệu, Lầu Năm Góc cũng đã nói dối công chúng Mỹ về khả năng chiến thắng trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Ellsberg tung loạt tài liệu mật với hy vọng đẩy nhanh kết thúc chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, nó biến ông trở thành mục tiêu chiến dịch bôi nhọ của chính quyền tổng thống Richard Nixon, người kế nhiệm ông Johnson. Henry Kissinger, khi đó là cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, gọi Ellsberg là “người nguy hiểm nhất nước Mỹ phải bị ngăn chặn bằng mọi giá”.
Khi đến Sài Gòn làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ giữa những năm 1960, Ellsberg có bản lý lịch ấn tượng. Ông có ba tấm bằng từ Đại học Harvard, từng phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến, làm việc tại Lầu Năm Góc và Tập đoàn RAND, tổ chức nghiên cứu chính sách trụ sở tại Mỹ.
Ông từng có quan điểm diều hâu đối với Việt Nam. Nhưng trong cuốn sách Những bí mật: Hồi ức Việt Nam và Hồ sơ Lầu Năm Góc phát hành năm 2003, Ellsberg cho biết chỉ sau tuần đầu tiên trong chuyến công tác hai năm ở Sài Gòn, ông đã nhận ra Mỹ không thể thắng.
Theo lệnh của bộ trưởng quốc phòng lúc đó Robert McNamara, các quan chức Lầu Năm Góc đã bí mật tập hợp hồ sơ dài 7.000 trang về sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam từ 1945 đến 1967. Khi hồ sơ được hoàn thành năm 1969, hai trong số 15 bản được chuyển đến Tập đoàn RAND, nơi Ellsberg đã trở lại làm việc.
Với quan điểm mới về chiến tranh, Ellsberg tham gia các cuộc tuần hành vì hòa bình. Ông nhen nhóm ý định sao chép Hồ sơ Lầu Năm Góc sau khi nghe một người biểu tình phản chiến nói rằng sẵn sàng đi tù chứ không chịu nhập ngũ.
Ellsberg bắt đầu lén mang tài liệu mật ra khỏi văn phòng RAND và sao chép vào ban đêm bằng máy photocopy mà ông thuê. Con trai 13 tuổi và con gái 10 tuổi hỗ trợ ông. Ellsberg mang theo những tài liệu này khi chuyển đến Boston để làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts. Một năm rưỡi sau, ông chuyển chúng cho tờ New York Times.
New York Times đăng phần đầu của Hồ sơ Lầu Năm Góc vào ngày 13/6/1971. Chính quyền tổng thống Richard Nixon nhanh chóng yêu cầu một thẩm phán phát lệnh ngừng xuất bản.
Ellsberg sau đó chuyển Hồ sơ Lầu Năm Góc cho Washington Post và hơn chục tờ báo khác. Trong vụ New York Times kiện chính phủ Mỹ vì lệnh cấm xuất bản, Tòa án Tối cao ra phán quyết rằng báo chí có quyền công bố dữ liệu. New York Times sau đó tiếp tục đăng nội dung hồ sơ mật.
Hồ sơ cho thấy giới chức Mỹ kết luận không thể thắng ở Việt Nam. Tổng thống Lyndon Johnson có kế hoạch mở rộng chiến tranh, trong đó có ném bom miền Bắc Việt Nam, dù từng nói trong chiến dịch tranh cử năm 1964 rằng ông sẽ không làm vậy. Hồ sơ cũng tiết lộ vụ đánh bom bí mật của Mỹ ở Campuchia và Lào, cũng như con số thương vong cao hơn công bố.
New York Times không cho biết ai đã cung cấp tài liệu cho họ, nhưng FBI nhanh chóng tìm ra. Ellsberg ẩn náu trong căn hầm dưới lòng đất khoảng hai tuần, trước khi trình diện giới chức ở Boston.
“Tôi cảm thấy với tư cách một công dân Mỹ có trách nhiệm, tôi không thể tiếp tục hợp tác để che giấu thông tin này với công chúng Mỹ. Tôi đã không màng tới nguy hiểm của bản thân để làm việc này và sẵn sàng nhận mọi hậu quả”, Ellsberg nói khi đó, thêm rằng ông hối hận vì đã không tiết lộ tài liệu sớm hơn.
Ellsberg và một đồng nghiệp ở RAND bị cáo buộc các tội danh gián điệp, trộm cắp và thông đồng. Nhưng tại phiên xét xử năm 1973, vụ kiện đã bị bác bỏ với lý do chính phủ sai phạm khi cho người đột nhập văn phòng bác sĩ tâm lý của Ellsberg để tìm bằng chứng buộc tội.
Ellsberg sau đó trở thành tác giả sách và nhà diễn thuyết. Ông tham gia các nỗ lực vận động yêu cầu chính phủ minh bạch và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tháng 3/2006, Ellsberg thăm Việt Nam và được trao kỷ niệm chương “Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc”.
Huyền Lê (Theo Reuters)