Nâng tạ, gập bụng là hai hoạt động gia tăng áp lực rất lớn lên bụng và hậu môn nên không được khuyến khích đối với người mắc bệnh trĩ.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ hình thành do các đám rối tĩnh mạch ở hậu môn bị phình giãn quá mức và tạo thành các búi trĩ. Chúng tăng dần về kích thước thò khỏi hậu môn và gây nhiều phiền toái cho người bệnh.
Dựa vào vị trí của búi trĩ, bệnh chia thành trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ tổng hợp. Đa số trĩ nội không gây đau và khó phát hiện. Trĩ ngoại thì ngược lại.
Trĩ nội chia thành 4 độ, trong đó độ 4 là nặng nhất. Khi đó, búi trĩ thò ngoài hậu môn, khiến người bệnh luôn cảm thấy đau rát và khó chịu có thể gây ra tình trạng chảy máu và viêm nhiễm do niêm mạc búi trĩ bị trầy xước.
Yếu tố gia tăng khả năng mắc bệnh
Các yếu tố gia tăng khả năng nguy cơ mắc bệnh trĩ gồm táo bón hoặc tiêu chảy mãn tính, ngồi quá lâu, thường xuyên lao động nặng, chế độ ăn ít chất xơ và người bị béo phì.
Điểm chung của các yếu tố trên là gây nhiều áp lực lên ổ bụng. Khi đó, sự lưu thông máu từ tim đến các tĩnh mạch ở hậu môn sẽ bị cản trở. Kéo dài tình trạng này sẽ khiến cho các tĩnh mạch ở đây bị suy yếu chức năng và mất độ đàn hồi và có thể hình thành các búi trĩ.
Điều đó có nghĩa là các hoạt động thể dục, thể thao tác động đến cơ thể theo hướng này đều không nên thực hiện với người bệnh trĩ. Tập gym cũng tương tự như thế. Nhưng để hiểu rõ hơn, cần tìm hiểu các tác động của hoạt động này đến sức khỏe nói chung và tình trạng bệnh trĩ nói riêng.
Tác động của tập gym đến người bệnh trĩ
– Tác động tích cực
Theo phân tích của các chuyên gia, việc tập gym đúng cách mang lại khá nhiều tác dụng trong việc cải thiện bệnh trĩ. Cụ thể:
* Máu sẽ lưu thông tốt hơn đến các tĩnh mạch
Điều này sẽ giải quyết được tình trạng máu ứ đọng ở hậu môn. Nhờ vậy, búi trĩ sẽ không sưng to hoặc tiếp tục sa ra ngoài nữa.
* Giảm cân và giảm áp lực lên hậu môn
Một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc làm cho bệnh tình nặng hơn là béo phì. Việc tập gym giúp giảm cân nên theo đó cũng giúp cải thiện tình trạng bệnh.
Ngoài ra, một số cách luyện tập trong phòng gym có thể tác động tích cực đến hoạt động co bóp của nhu động ruột. Nhờ đó, có thể cải thiện tình trạng táo bón, áp lực lên hậu môn sẽ được giảm xuống mức thấp nhất.
* Giúp hậu môn đàn hồi tốt hơn
Các động tác khi tập gym đúng cách có thể tác động tích cực đến cơ co thắt hậu môn. Hậu môn sẽ được “thư giãn” và luyện tập được khả năng đàn hồi tốt hơn. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với người bị bệnh trĩ. Máu nhờ đó không bị ứ đọng và giảm được tình trạng sưng phù của các tĩnh mạch.
– Tác động tiêu cực
Hầu hết hoạt động trong phòng gym đòi hỏi người tập phải vận động với cường độ mạnh và tăng dần theo thời gian. Khi đó, các hoạt động này không những gia tăng thêm áp lực cho bụng và hậu môn mà có thể gây chảy máu và khiến búi trĩ sa ra ngoài nhiều hơn.
Theo phân tích của các chuyên gia, không những tập gym mà các hoạt động thể dục làm gia tăng áp lực cho hậu môn đều không được khuyến khích đối với người bị bệnh trĩ. Song, nếu vẫn muốn theo đuổi bộ môn này, cần chú ý cường độ tập luyện và các bài tập.
Cách tập gym đúng cách cho người bệnh trĩ
Các động tác tập luyện trong phòng gym cần hết sức lưu ý khi bị bệnh trĩ là nâng tạ và gập bụng. Đây là hai hoạt động gia tăng áp lực rất lớn lên bụng và hậu môn nên không được khuyến khích đối với người mắc bệnh này.
Đối với nâng tạ, người bệnh trĩ không nên nâng tạ có khối lượng quá 1/3 trọng lượng cơ thể. Khi tập nên tránh tư thế ngồi hoặc đứng. Thay vào đó, nên tập ở tư thế nằm ngửa.
Đối với gập bụng, bệnh nhân nên ngừng tập động tác này cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn. Đây là hoạt động tác động trực tiếp đến hậu môn. Ngoài việc tăng áp lực khiến búi trĩ sa ra ngoài nhiều hơn, gập bụng có thể khiến búi trĩ chảy máu, dễ dẫn đến nhiễm trùng.
Ngoài ra, trong hoạt động thể dục hằng ngày, người bệnh trĩ cần chú ý không nên chạy cự ly dài hoặc chạy nhanh vì có thể khiến bụng căng cứng và gây áp lực lên tĩnh mạch nhiều gấp 2-3 lần so với bình thường. Búi trĩ từ đó có nguy cơ bị sa ra ngoài nhiều hơn. Đồng thời, trong quá trình chạy nhanh, ma sát lên búi trĩ sẽ rất lớn, có thể gây viêm nhiễm nặng.
Bên cạnh đó, ngồi thiền nhiều giờ cũng không được khuyến khích đối với người bệnh trĩ. Mặc dù điều này có thể mang đến một vài lợi ích cho sức khỏe nhưng lại dễ khiến máu ứ đọng nhiều ở hậu môn. Các tĩnh mạch tại đây cũng sẽ bị căng giãn nhiều hơn.
Mỹ Ý