(ĐCSVN) -Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Công tác ngoại giao kinh tế ngày càng thực chất hơn và bài bản hơn, với “3 rõ”: Kết quả rõ, sản phẩm rõ, đóng góp rõ cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Chiều tối 20/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ với 94 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngoại giao kinh tế năm 2025. Ảnh: Dương Giang-TTXVN |
Theo Bộ Ngoại giao, ngoại giao kinh tế đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về làm mới động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước trong năm 2024, nội dung kinh tế đã trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất. Nổi bật là các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, UAE, Qatar, Saudi Arabia, Hungary, Romania, Dominica; thăm làm việc tại Trung Quốc, Nga… Hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết.
Quan hệ đối ngoại của Việt Nam tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Việt Nam đã thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á; châu Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông; nhất là với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Hoạt động ngoại giao kinh tế, nhất là ngoại giao về công nghệ, bán dẫn, đổi mới sáng tạo… được thúc đẩy với các đối tác chủ chốt, các tập đoàn lớn. Trong đó, các Tập đoàn Apple, Intel, Google, NVIDIA, Samsung, LG, Cadence, Qorvo, Marvell, Siemens…đã đầu tư, mở rộng đầu tư và hợp tác với Việt Nam.
Với các thị trường còn nhiều dư địa như khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông – châu Phi, Trung Đông Âu, Việt Nam đã thúc đẩy ngoại giao kinh tế với các đối tác quan trọng như Chile, Argentina, Peru, Hungary, Romania, UAE, Qatar… để thúc đẩy các hướng đi mới như phát triển ngành Halal…
Việt Nam nâng tổng số các hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết và tham gia lên 17; đẩy mạnh triển khai các FTA đã ký kết, tích cực tháo gỡ các rào cản thị trường, qua đó góp phần phục hồi, tăng trưởng xuất khẩu; tập trung tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật khi triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), vận động các thành viên EU về Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), gỡ thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam, đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm D1-D3 và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Thương mại với nhiều thị trường truyền thống và số thị trường tiềm năng ở Trung Đông và Mỹ Latin tăng trưởng tích cực, trong đó xúc tiến đàm phán các FTA với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu, FTA ASEAN- Canada…
Tuy nhiên, ngoại giao kinh tế vẫn còn những hạn chế như: Chưa tận dụng hiệu quả và đầy đủ từ việc nâng tầm, nâng cấp quan hệ với các đối tác; hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược chưa tương xứng với khuôn khổ hợp tác; triển khai các cam kết, thoả thuận có lúc, có nơi còn chậm; công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu trong một số trường hợp thiếu chủ động, chưa theo kịp diễn biến…
Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngoại giao kinh tế năm 2025 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Dương Giang-TTXVN |
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận, đánh giá tình hình; phân tích nguyên nhân; bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp đột phá, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư nhằm tăng tốc thu hút đầu tư vào Việt Nam, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và nâng kim ngạch thương mại; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm về hoàn thiện thể chế, thu hút nguồn nhân lực, khoa học quản trị… Đặc biệt, các đại biểu đề xuất cần kết nối, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, để các doanh nghiệp, thương hiệu Việt vươn xa ra thế giới.
Các đại biểu đề nghị đẩy mạnh nội dung ngoại giao kinh tế trong các hoạt động ngoại giao cấp cao; thiết lập các cơ chế để đẩy mạnh triển khai các cam kết, thoả thuận cấp cao; tạo đột phá trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, nhất là các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, internet vạn vật, điện toán đám mây…
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng, hoan nghênh những kết quả tích cực trong công tác ngoại giao kinh tế, là điểm sáng trong công tác đối ngoại, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, với 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt. Trong đó, tăng trưởng khoảng trên 7%, thu hút FDI 11 tháng tăng 12,4% đạt 31,4 tỷ, với số giải ngân đạt 21,7 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm vừa qua; kim ngạch xuất nhập khẩu trên dưới 800 tỷ USD…
Trong đó, ngoại giao kinh tế thực sự trở thành nội hàm then chốt trong tất cả các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao; sự chuyển biến về tư duy, cách làm; đóng góp hiệu quả cho việc thực hiện các đột phá chiến lược; ngoại giao kinh tế được thể chế hoá, hệ thống hoá một cách bài bản và có được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương.
Điểm lại 700 hoạt động ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch được triển khai tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và hơn 400 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại các địa phương ở trong và ngoài nước với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, công tác ngoại giao kinh tế ngày càng thực chất hơn và bài bản hơn, với “3 rõ”: kết quả rõ, sản phẩm rõ, đóng góp rõ cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Biểu dương các chủ thể có liên quan và chỉ ra các bài học kinh nghiệm trong ngoại giao kinh tế, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế, nhất là “bệnh” thành tích, hình thức, hời hợt…; đồng thời cho biết, thời gian tới, tình hình quốc tế sẽ ngày càng phức tạp, đan xen cơ hội và thách thức, trong đó mặt thách thức vẫn nổi trội. Do đó, cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm tạo đột phá về ngoại giao kinh tế.
Nêu rõ coi trọng trí tuệ, thời gian, nắm chắc tình hình, thích ứng linh hoạt, quyết đoán, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2025 vừa là năm bứt tốc, hoàn thành các mục tiêu phát triển của giai đoạn 2021-2025; vừa là giai đoạn gấp rút chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt 8% trong năm 2025 và đạt hai con số trong giai đoạn phát triển sắp tới. Trong đó, ngoại giao kinh tế cần có đóng góp nhiều hơn để thực hiện mục tiêu này.
Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, công tác ngoại giao kinh tế phải tập trung thúc đẩy ký kết các khuôn khổ pháp lý như các FTA, IPA, CEPA…; đánh giá tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của ta và các đối tác để xác định những vấn đề có thể hợp tác, bổ trợ và cạnh tranh nhau; đổi mới chính sách visa, đa dạng hoá các loại visa; thúc đẩy kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước.
Chỉ rõ, ngoại giao kinh tế là động lực mới, quan trọng, Thủ tướng yêu cầu phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ Việt Nam; xúc tiến thương mại, đầu tư thực chất, hiệu quả hơn; phát triển thị trường cạnh tranh bền vững; đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Theo đó, đẩy mạnh ngoại giao trên các lĩnh vực, mở rộng hợp tác về công nghệ, nhất là chuyển giao công nghệ như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; hợp thác khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm…
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các Đại sứ, Trưởng cơ quan Việt Nam tại nước ngoài các nhiệm vụ cụ thể như: đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm D1-D3 và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong phát triển kinh tế cửa khẩu, kết nối giao thông, nhất là kết nối đường sắt; hợp tác với các nước Trung Đông xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh…, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ “đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể”.
Nhấn mạnh, phải phân công “rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng với sự chung sức, đoàn kết, đồng lòng của các ban, bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội, doanh nghiệp, nhất là tính chủ động tích cực, phát huy vai trò người xung kích của ngành Ngoại giao, các Cơ quan đại diện ở nước ngoài, công tác ngoại giao kinh tế sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, toàn diện, sáng tạo hơn và đạt được những kết quả năm sau tốt hơn, đột phá hơn năm trước, đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của giai đoạn 2021 – 2025; củng cố nền tảng cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/ngoai-giao-kinh-te-ngay-cang-thuc-chat-va-bai-ban-hon-687154.html