Theo Giám đốc Trung tâm BTDTCÐ Huế Hoàng Việt Trung, trong nhiều năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng, Đại học Waseda đã phối hợp và nghiên cứu chuyên sâu về cảnh quan văn hóa và môi trường sinh thái lịch sử tại các lăng tẩm Hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với cảnh quan khu vực sông Hương. Hội thảo lần này nhằm báo cáo và đánh giá kết quả chương trình hợp tác nghiên cứu giai đoạn 2019-2023 của 2 đơn vị.
Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu của hai bên về những giá trị, đặc điểm và tiềm năng cảnh quan văn hoá, môi trường lịch sử và cảnh quan di tích dọc lưu vực sông Hương, bao gồm việc làm rõ, xác định và điều chỉnh khu vực bảo vệ 1 (vùng lõi), khu vực bảo vệ 2 (vùng đệm) và các vùng chuyển tiếp kết nối các di tích quan trọng để tạo ra các khu vực bảo vệ cảnh quan văn hoá và giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể Di tích Cố đô Huế, bảo đảm bảo tồn hài hòa với mục đích và định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Ðề xuất hỗ trợ phát triển du lịch ở địa phương xung quanh khu vực di tích Huế nhằm khuyến khích người dân địa phương – những người đang sống trong di sản cùng chung tay bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ di sản và đây còn là tạo sinh kế cho người dân. Đưa ra những đinh hướng, đề xuất mở rộng chương trình du lịch nghiên cứu sinh thái dựa vào công đồng xung quanh khu vực di tích nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá tri Quần thể Di tích Cô đô Huế.
Các chuyên gia, nhà quản lý, các học giả, các nhà nghiên cứu cũng có sự trao đổi về quan điểm bảo vệ vùng đệm cảnh quan văn hóa nhằm mục đích bảo vệ tính toàn vẹn, duy trì và phát triển bền vững các giá trị văn hóa – lịch sử, cảnh quan, môi trường; xây dựng phương án khoanh vùng bảo vệ di sản cho khu vực II một cách phù hợp; thiết lập mô hình du lịch sinh thái tại các lăng vua Nguyễn.
Kết quả hội thảo sẽ bổ sung cho việc nghiên cứu đề án Quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Ngoài ra, nó sẽ được xem xét bổ sung vào hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Huế với tiêu chí Cảnh quan văn hóa. Đây cũng là nỗ lực của Trung tâm BTDTCĐ Huế nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung trong việc thực hiện đề án Quy hoạch di tích và xây dựng hồ sơ tái đề cử nhằm vinh danh một lần nữa Quần thể Di tích Huế là Di sản Cảnh quan văn hóa thế giới theo khuyến nghị của UNESCO và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong những năm trước đây.