Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế |
Thưa ông, dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam này, di tích Huế sẽ đồng thời có nhiều tin vui?
Là dịp để ôn lại và tôn vinh giá trị di sản văn hóa dân tộc, nhưng năm nay, Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam càng đặc biệt bởi chúng ta có 3 sự kiện lớn cùng diễn ra: UBND tỉnh tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh Di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” (Cửu Đỉnh). Công bố hoàn thành dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và mở cửa đón khách tham quan. Đồng thời, động thổ tu bổ, phục hồi di tích điện Cần Chánh. Dịp này, Nghệ nhân Kim Hyun Kon (Hàn Quốc) cũng trao tặng bộ biên khánh và Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ trao tặng cho di tích tác phẩm gốm Long Mã.
Đây thực sự là những tin vui, làm nức lòng người yêu di sản. Vì sau hơn 60 năm nghiên cứu, di tích điện Cần Chánh sẽ được tu bổ, phục hồi. Di tích điện Thái Hòa đã hoàn thành sau gần 3 năm “đại trùng tu” và mở cửa trở lại. Đặc biệt, sau nhiều năm chờ đợi, UNESCO cũng đã “gọi tên” Cửu Đỉnh là di sản tư liệu thế giới độc đáo của Huế – Việt Nam.
Thời gian qua, việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản tư liệu quý hiếm Cửu Đỉnh được thực hiện như thế nào?
Huế đang sở hữu và đồng sở hữu 8 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tư liệu… được UNESCO vinh danh. Đây là “gia tài” to lớn, là nguồn lực, “bệ phóng” trên hành trình Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, gia tăng thương hiệu cho Huế – “một điểm đến 8 di sản”.
Cửu Đỉnh được UNESCO ghi danh là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và Huế nói riêng, đặc biệt đối với chúng tôi là người trực tiếp quản lý và phát huy giá trị di sản. Khẳng định mảnh đất Huế chứa đựng trong mình rất nhiều giá trị lịch sử văn hóa, dần dần sẽ được phát lộ, nghiên cứu sâu hơn và được công nhận trên bình diện khu vực và toàn thế giới.
Hoàng cung Huế. Ảnh: Bảo Minh |
Chúng tôi đã triển khai công tác truyền thông, quảng bá, tổ chức triển lãm, sản xuất clip, xuất bản sách về Cửu Đỉnh, đưa lên không gian số để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, công chúng và độc giả hiểu thêm về các hình ảnh khắc nổi, ý nghĩa nhân văn và câu chuyện đằng sau nó. Qua đó, lan tỏa ý nghĩa lịch sử văn hóa mảnh đất Cố đô cũng như của Việt Nam đến du khách, bạn bè quốc tế.
Đồng thời, Trung tâm cũng đang nghiên cứu các sản phẩm văn hóa liên quan đến Cửu Đỉnh, kể cả các hình ảnh số cũng như phiên bản về quà tặng, quà lưu niệm… “biến di sản thành tài sản” để phục vụ bảo tồn và phát triển.
Có thể thấy rằng, bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt; trong đó, việc hoàn thành trùng tu điện Thái Hòa sẽ mang lại giá trị gì với di tích Huế, thưa ông?
Từ khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới – Di sản Văn hóa vật thể đầu tiên của Việt Nam, Quần thể di tích Cố đô Huế đã trải qua hai thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 1996 – 2010 và 2010 – 2020). Với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự giúp đỡ có hiệu quả của các chuyên gia cùng cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đạt nhiều kết quả đáng tự hào. Từ năm 1996 đến nay, đã có gần 200 công trình di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi. Trong đó có nhiều công trình lớn, có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật như điện Kiến Trung, Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh… Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả.
Điện Kiến Trung nguy nga, lộng lẫy sau phục dựng |
Là một trong ba ngôi điện quan trọng nhất trong Hoàng thành Huế, rất may mắn là điện Thái Hòa dù xuống cấp nặng nề sau hơn 200 năm tồn tại nhưng còn được lưu giữ nguyên vẹn. Đây không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ, theo hình thức trang trí “nhất thi, nhất họa” độc đáo đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới.
Hoàn thành trùng tu công trình điện Thái Hòa, chúng tôi hy vọng sẽ nâng giá trị của Hoàng thành Huế trong cảm nhận của công chúng, du khách và khi mở cửa trở lại, chắc chắn đây sẽ là điểm tham quan thu hút lượng khách rất lớn, góp phần nâng vị thế, sức hấp dẫn của cả hệ thống Quần thể di tích Cố đô Huế.
Tiếp nối dự án phục hồi điện Kiến Trung, dự án phục hồi điện Cần Chánh sẽ là một trong những ví dụ tiêu biểu trong việc khảo sát, nghiên cứu rất công phu?
Điện Cần Chánh là một công trình kiến trúc đặc biệt, có quy mô thuộc hàng lớn nhất của Hoàng cung Triều Nguyễn. Sau 143 năm tồn tại, kéo dài qua 13 triều vua Nguyễn, năm 1947, ngôi điện bị thiêu hủy hoàn toàn. Những công trình phối thuộc như Đại Cung Môn, hành lang kết nối, điện Văn Minh, điện Võ Hiển, điện Càn Thành… đều chung số phận. May mắn là hai tòa Tả, Hữu Vu của điện Cần Chánh còn nguyên vẹn.
Dự án phục hồi điện Cần Chánh là sự kế thừa các thành quả nghiên cứu trong suốt sáu thập kỷ qua. Đã có nhiều ý kiến, tranh luận xung quanh tư liệu lịch sử, căn cứ khoa học, phương án phục hồi… Và việc triển khai phục dựng điện Cần Chánh có thể nói là “cơ duyên”. Đến nay, chúng ta đã có các kết quả nghiên cứu rất dày dặn, tỉ mỉ, được thực hiện bài bản trong nhiều năm với cách tiếp cận quốc tế đa dạng và khoa học; các nguồn tư liệu, đặc biệt là tư liệu phim, ảnh rất phong phú; kinh nghiệm cho công tác trùng tu phục hồi di tích dồi dào kết hợp nhiều giải pháp nghiên cứu những công trình đồng niên đại… Và đúng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, dự án sẽ được triển khai, đáp ứng sự mong đợi của những người làm công tác bảo tồn và yêu di sản Huế.
Cùng với điện Cần Chánh, di tích Đại Cung Môn cũng được phục dựng. Với mục đích hoàn chỉnh tổng thể khu vực này, chúng tôi sẽ tập trung triển khai thực hiện, cố gắng hoàn thành nhanh nhất và đưa vào hoạt động đồng thời 2 công trình.
Trong trùng tu, phục dựng các công trình di tích, điều gì là quan trọng, theo ông?
Trùng tu, phục dựng di tích luôn là một thách thức lớn, đòi hỏi nhiều công sức nghiên cứu, thời gian và ngân sách. Mục tiêu lớn nhất nhằm giữ cho công trình được tồn tại lâu dài, đảm bảo yếu tố gốc của di tích.
Trong việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi, quan trọng là tư liệu, nhất là tư liệu ảnh. Để tìm kiếm nguồn tư liệu, chúng tôi đã nỗ lực kết nối tất cả các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài bằng nhiều phương cách: mua bán, đấu giá, huy động, cử người sang Pháp… làm sao để có càng nhiều tư liệu, cứ liệu lịch sử càng tốt để bổ sung hồ sơ khoa học. Bởi trùng tu là ngành khoa học rất đặc thù, với nguyên tắc tối thượng là đảm bảo tính nguyên gốc.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-co-do-hue-148314.html