Đơn hàng không còn cảnh “ăn đong”
Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, 5 tháng đầu năm, thị trường dệt may đã khởi sắc. So với cùng kỳ năm 2023, đơn hàng đầu năm 2024 đã nhiều hơn, thời gian đặt hàng dài hơn. Đa phần các công ty may của tập đoàn đủ đơn hàng đến tháng 10 và đang đàm phán đơn hàng cho những tháng tiếp theo.
Ông Hiếu cho rằng, tính chung xuất khẩu toàn ngành dệt may 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 16 tỉ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, điểm sáng là dệt may Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ, đồng thời đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, sự khởi sắc xuất khẩu dệt may Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may của thế giới cải thiện, mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam.
Theo ông Hiếu, 6 tháng đầu năm 2024, toàn bộ lao động trong tập đoàn vẫn duy trì lực lượng, thu nhập tương đương năm 2023. “Đây là điều vui mừng vì khi có thị trường, doanh nghiệp lập tức có lực lượng để sản xuất, giữ chân khách hàng”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Chí Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực da giày cũng cho hay, gần đây doanh nghiệp nhận được hàng loạt đơn hàng của các đối tác lớn trên thế giới và đã có đơn hàng đến hết tháng 6. Đây là điều hiếm gặp trong 2 năm vừa qua khi ngành da giày trải qua giai đoạn khó khăn.
Để đáp ứng kịp cho các đơn hàng xuất khẩu, tại các nhà máy của công ty, công nhân đang được huy động tăng ca trong cả 5 ngày/tuần, mỗi ngày tăng thêm 2 – 2,5 tiếng.
Theo ông Trung, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp đã có những thay đổi khi tập trung mở rộng các thị trường nhỏ và tìm kiếm các thị trường mới.
Tiếp tục triển khai các giải pháp về khơi thông sản xuất
Để tiếp tục duy trì đà tăng của xuất khẩu, ông Cao Hữu Hiếu cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường, xác định mặt hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ… nhưng giá trị gia tăng cao để sản xuất thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh.
Thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo các thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật về môi trường, các chính sách phúc lợi cho người lao động, cần tiếp tục hiện đại hóa mô hình quản trị, đảm bảo hài hòa lợi ích cổ đông, xã hội và người lao động, minh bạch thông tin truy xuất chuỗi cung ứng.
Ông Bùi Huy Sơn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác/thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư.
Song nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam…
Do đó, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp về khơi thông sản xuất, phát triển ổn định nguồn cung cho xuất khẩu và thị trường trong nước; đảm bảo an ninh năng lượng. Đặc biệt, tập trung các giải pháp về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu và chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/nganh-ti-do-cua-viet-nam-vuon-len-dung-dau-thi-phan-xuat-khau-vao-my-1357937.ldo