Tại TP Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, câu chuyện về sự kiên trì vượt nghịch cảnh của một thầy giáo trẻ mới vào nghề đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng quốc gia tỷ dân, theo South China Morning Post.
Với tấm bằng tiến sĩ từ đại học châu Á danh tiếng, câu chuyện của chàng trai trở thành minh chứng cho sức mạnh tinh thần trước nghịch cảnh.
Trần Bân được chẩn đoán mắc bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne (DMD) vào năm 7 tuổi. Đến 12 tuổi, anh không thể đi lại và phải ngồi xe lăn. Những công việc hàng ngày như mặc quần áo hay ăn uống đều cần sự hỗ trợ của gia đình. Tuy nhiên, Trần Bân không để bệnh tật cản trở nỗ lực học tập của mình.
Tình yêu thương của cha mẹ đã trở thành điểm tựa vững chãi cho chàng trai. Mẹ Trần Bân đã nghỉ việc và dành toàn bộ thời gian để chăm sóc anh. Bà thường cõng anh trên lưng, băng qua 5 tầng cầu thang đưa con đến lớp.
Bà Trần không chỉ cõng con trên lưng, mà còn nuôi dưỡng những ước mơ, giúp con biến chúng thành hiện thực. “Chỉ cần con muốn học, mẹ sẽ luôn bên cạnh và cõng con”, bà Trần an ủi.
Khi Trần Bân trở thành sinh viên, mẹ anh đã chuyển đến Quảng Châu, sống cùng con suốt 4 năm đại học, chăm lo cho anh từng chút một.
Cha anh, một công nhân lao động, đã làm vô số công việc khác nhau qua nhiều năm để có đủ tiền nuôi sống gia đình và trang trải chi phí học tập cho con.
Không phụ lòng cha mẹ, Trần Bân luôn đạt thành tích xuất sắc và đứng top đầu trong lớp. Năm 2012, nam sinh đỗ chuyên ngành tâm lý học tại Đại học Trung Sơn, một trong những trường đại học danh tiếng nhất ở tỉnh Quảng Đông.
Nhờ thành tích học tập xuất sắc ở bậc cử nhân, Trần Bân được tuyển thẳng vào Đại học Thanh Hoa. Tháng 6/2023, chàng trai hoàn tất chương trình tiến sĩ và ngay cuối năm đó, anh trở thành giảng viên tại Trường Cao đẳng Thành phố Huệ Châu.
Trong lớp học, Trần Bân không chỉ là một giảng viên, mà còn là biểu tượng cho niềm tin và sự kiên trì. Với phong cách giảng dạy tận tâm, kiên nhẫn và cách tiếp cận gần gũi, thầy Trần đã tạo nên sự kết nối sâu sắc với nhiều sinh viên.
“Mỗi lần mất phương hướng hay thiếu tự tin, em lại nghĩ đến thầy Trần Bân, về việc thầy đã vượt qua muôn vàn khó khăn như thế nào”, một sinh viên chia sẻ. Nhiều sinh viên cũng thần tượng và kính trọng gọi Trần Bân là “Tiến sĩ ngồi xe lăn”.
Chia sẻ với báo chí, Trần Bân cho biết, bản thân luôn trân trọng những hy sinh của mẹ. “Nguồn động viên lớn nhất đối với tôi đến từ gia đình và bạn bè. Mẹ không chỉ cõng tôi đến trường mỗi ngày mà còn luôn bên cạnh chăm sóc ngay cả khi tôi vào đại học”, anh bày tỏ.
Nhìn lại hành trình hơn 20 năm, chính cha mẹ anh cũng cảm thấy bất ngờ về những gì đã vượt qua. Mẹ của Trần Bân chia sẻ, bà không hiểu gia đình mình đã xoay xở như thế nào để vượt qua biết bao khó khăn. Hai vợ chồng bà thường quá bận rộn với công việc và lo toan hàng ngày nên chẳng mấy khi có thời gian nghĩ đến tương lai. Họ chỉ biết kiên trì bước tiếp từng ngày.
Nhớ lại những chặng đường đã qua, Trần Bân nói: “Có lúc tôi từng tự hỏi tại sao cuộc đời lại bất công với mình. Nhưng rồi tôi đọc được rằng nếu mỗi ngày bạn cố gắng hơn một chút so với người khác, bạn sẽ thành công. Câu nói ấy đã trở thành phương châm sống của tôi”.
Câu chuyện của Trần Bân lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm và đồng cảm của cộng đồng. Nhiều bình luận bày tỏ lòng ngưỡng mộ: “Một người mẹ tuyệt vời và một người con xuất sắc. Xin chúc cho hai mẹ con luôn khỏe mạnh và hạnh phúc, để cùng nhau viết tiếp những câu chuyện đầy cảm hứng”.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nam-sinh-duoc-me-cong-den-lop-hang-ngay-do-vao-dai-hoc-top-1-chau-a-2326756.html