“The American Dream” – Giấc mơ Mỹ có lẽ là cụm từ nhiều người nước ngoài thấy quen thuộc hơn cả.
Ở Mỹ, bạn có thể từng nghe đến ẩn dụ “melting pot” (nồi súp), chỉ việc người nhập cư hòa mình vào cuộc sống ở Mỹ. Tuy nhiên, hình ảnh này bị phê phán vì nó ám chỉ sự đồng hóa và tan chảy của các nền văn hóa. Thay vào đó, nhiều người dùng từ “salad bowl” (tô salat) để chỉ sự hội nhập nhưng vẫn giữ bản sắc và văn hóa riêng.
Cụm từ “The American Dream” (giấc mơ Mỹ) có lẽ rất quen thuộc. Đây là thành ngữ thể hiện niềm tin rằng ai cũng có cơ hội và có thể thành công nếu quyết tâm, nỗ lực ở đất nước này. “Giấc mơ Mỹ” thường gắn với hình ảnh có công việc tốt, có nhà, xe hơi đi lại, và một cuộc sống thoải mái.
Một thành ngữ phổ biến khác là “Pull yourself up by your bootstrap” (tự kéo mình lên bằng dây giày). Kéo mình lên bằng dây giày là việc không thể, nên thành ngữ này thể hiện sự quyết tâm của cá nhân để vượt lên trên hoàn cảnh.
“Time is money” – Thời gian là tiền bạc: Ở nền văn hóa nào thì có lẽ thời gian cũng là quý giá, nhưng ở Mỹ, thời gian có thể không linh hoạt như ở các nước khác. Lịch làm việc của nhân viên hay lịch sinh hoạt của gia đình thường được lập kế hoạch. Bởi vậy, gia đình và bạn bè đến thăm nhau cũng phải hẹn lịch trước. Mọi người lúc nào cũng cảm thấy “hurry” (vội vã) vì “Time waits for no one” (Thời gian không chờ đợi ai cả).
Người Mỹ thường thẳng thắn nói ra những gì họ suy nghĩ, nên mới có thành ngữ “speak your mind” hay “say what you mean and mean what you say”. Họ có thể bày tỏ ý kiến không đồng tình với đồng nghiệp hay sếp của mình trong cuộc họp; có thể từ chối khi không thích lời mời nào đó.
“Home is where the heart is” – Gia đình là nơi của con tim: Điều này tương tự nhiều nền văn hóa khác. Ở Mỹ, con cái khi lớn lên sẽ ít ở gần bố mẹ. Sự đỡ đần nhau trong cuộc sống hàng ngày ít đi nhưng gia đình vẫn là nơi gần gũi nhất.
Linh Phùng (Chatham University/Eduling)