Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Từ “chè bẩn” đến OCOP 4 sao

Sau cơn khủng hoảng

Báo Yên BáiBáo Yên Bái10/04/2025

>> 
Những năm 2010 - 2011, vùng chè Hưng Khánh rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng khi bị phanh phui việc sản xuất "chè bẩn". Người dân khi đó đã lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học để kích thích cây ra búp nhanh, thu hoạch bằng máy thiếu kiểm soát, thậm chí pha trộn bột đá, bột ngô để tăng trọng lượng. Hậu quả là người tiêu dùng đồng loạt quay lưng, sản phẩm ế ẩm dù giá hạ thấp kỷ lục. 
Năm 2015 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi ngành nông nghiệp huyện và chính quyền xã hướng dẫn người dân áp dụng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là nỗ lực đầu tiên nhằm khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. 
Gia đình bà Trần Thị Hạnh ở thôn Khe Năm có hơn 3.500 m2 chè, trong đó 2.500 m2 là chè Bát tiên trồng từ năm 2004 đã tham gia mô hình này. Tiếp đó, tháng 7/2024, gia đình bà tiếp tục đăng ký tham gia Dự án sản xuất chè hữu cơ do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai. Hiện nay, những đồi chè mang lại lợi nhuận gần 100 triệu đồng/năm từ việc bán chè búp tươi cho hợp tác xã địa phương. 
"Chúng tôi chuyển sang sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học an toàn. Việc chăm sóc, làm cỏ đều sử dụng máy phát và các biện pháp thủ công, thu hái chè búp bằng tay theo tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá" - bà Hạnh cho biết. 
Tương tự, gia đình bà Hà Thị Thu cũng ở thôn Khe Năm với diện tích chè hơn 4.000 m2, trong đó 2.200 m2 là chè Bát tiên đã có thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng mỗi năm. "Chè Bát tiên cho sản lượng búp tươi thấp hơn nhưng giá thu mua trung bình được 26.000 đồng/kg, cao gấp đôi chè trung du" - bà Thu cho biết dự định sẽ trồng thay thế toàn bộ diện tích bằng giống chè Bát tiên theo quy trình hữu cơ.
Năm 2020 đánh dấu bước tiến quan trọng khi Hợp tác xã (HTX) Chè Khe Năm được thành lập với hơn 30 thành viên. Theo ông Trần Văn Tam - Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh, Nhà nước hỗ trợ vốn để đánh giá vùng nguyên liệu, đầu tư cây giống trồng mới và thay thế hơn 35 ha chè trung du bằng giống chè Bát tiên đồng thời hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, máy móc sản xuất hiện đại. Đến nay, HTX đã phát triển với gần 90 thành viên và có sản phẩm chè Bát tiên đặc sản Hưng Khánh đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao được  người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. 
Ông Vũ Văn Hồng - Giám đốc HTX Chè Khe Năm chia sẻ: "Hơn chục năm trước, khi đi tham quan các mô hình trồng chè ở Thái Nguyên, thấy họ bán mỗi cân chè có giá vài trăm nghìn đồng, thậm chí vài triệu đồng trong khi chè ở quê mình chỉ bán được 30.000 - 40.000 đồng/kg, tôi đã quyết tâm đồng hành cùng người dân thay đổi cách làm". 
Kết quả khi áp dụng quy trình VietGAP, mỗi héc-ta chè cho thu hoạch từ 9 - 10 tấn búp tươi/năm, tương đương thu nhập hơn 200 triệu đồng. Điều này đã tạo động lực cho nhiều hộ dân chuyển đổi các diện tích đất vườn tạp, đất đồi trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng chè.
Câu chuyện vùng chè Hưng Khánh là bài học quý về sự kiên trì và đổi mới trong sản xuất nông nghiệp. Từ một vùng "chè bẩn" bị tẩy chay, người dân đã chuyển mình mạnh mẽ sang sản xuất chè sạch, chè hữu cơ, dần khẳng định thương hiệu trên thị trường. Với việc chú trọng nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, lựa chọn giống chè ngon phù hợp thổ nhưỡng, áp dụng sản xuất sạch và xây dựng thương hiệu, người dân Hưng Khánh đang từng bước "sống khỏe" với cây chè - minh chứng cho việc phát triển nông nghiệp bền vững không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì sức khỏe cộng đồng.

Hùng Cường

Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/348529/Tu-che-ban-den-OCOP-4-sao.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm